Gần 6 nghìn người dân tộc Khmer được đào tạo nghề
- Giáo dục nghề nghiệp
- 23:10 - 05/12/2016
Tạo việc làm mới cho hơn 30 nghìn lao động là người Khmer
Cộng đồng người Khmer cư trú lâu đời trên địa bàn Trà Vinh, có nền văn hóa dân tộc đặc trưng về tiếng nói, chữ viết, ẩm thực và đặc biệt là hệ thống chùa rất đặc thù. Phần lớn người dân khmer sống theo phum, sóc, nơi có địa hình giồng cát cao, chỉ một số ít sống đan xen; ngành nghề chính là sản xuất nông nghiệp và ngành nghề truyền thống. Để thực hiện tốt công tác giảm nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer, tỉnh Trà Vinh đã triển khai nhiều chương trình, dự án giúp chuyển biến khá toàn diện vùng có đông đồng bào Khmer trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt thông qua các chính sách, chương trình, dự án có liên quan đến công tác dân tộc như: Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo; thực hiện các chính sách hỗ trợ về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí, cho vay vốn phát triển sản xuất, vay vốn học sinh sinh viên . . . đã góp phần quan trọng vào sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội nói chung, trong vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh nói riêng.
Mô hình làm chổi giúp người Khmer ở Trà Vinh thoát nghèo.
Cùng với các chính sách chung của Trung ương, Trà Vinh đã vận dụng ban hành một số chính sách đặc thù của địa phương, cụ thể: UBND tỉnh đã ban hành Đề án số 1 ngày 20/2/2002 về thực hiện thí điểm hỗ trợ nhà ở cho hộ cực nghèo đồng bào Khmer trong tỉnh Trà Vinh và đã hỗ trợ 12.851 căn nhà, kinh phí gần 65,9 tỷ đồng; phê duyệt Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo dân tộc thiểu số, đã triển khai xây dựng và đưa vào sử dụng 13.182 căn nhà, với tổng kinh phí là 82,5 tỷ đồng.
Đời sống người dân Trà Vinh đã có bước phát triển, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm tăng 7,14%, bình quân đầu người tiếp tục nâng lên từ 16,7 triệu đồng/người/năm vào năm 2010 tăng lên 33,2 triệu đồng/người/năm vào năm 2015, tăng gấp gần 2 lần; tỷ lệ lao động thất nghiệp giảm còn 3,09%. Tỷ lệ lao động được đào tạo nghề là 35,70%, trong đó số lao động dân tộc Khmer qua đào tạo nghề là 5.928 lao động (tăng hơn 68% so năm 2011). Trong giai đoạn 2011- 2015, Trà Vinh đã giải quyết việc làm mới cho 119.981 lao động, trong đó có 30.128 lao động dân tộc Khmer (chiếm 25,11%).
Người nghèo chủ động vươn thoát khỏi nghèo khó
Nhờ triển khai đồng bộ và có hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án phù hợp, thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu, kết hợp với phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đã giảm từ 23,63% (51.306 hộ) năm 2011 xuống còn 7,41% (20.417 hộ) năm 2015. Riêng hộ nghèo dân tộc khmer từ 27.285 hộ giảm còn 12.072 hộ.
Trong quá trình thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững gắn với ổn định kinh tế - xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu vùng đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh Trà Vinh rút ra nhiều bài học kinh nghiệm. Công tác giảm nghèo muốn thực hiện hiệu quả, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành các cấp phải nhận thức đúng đắn về công tác giảm nghèo, nhất là vùng có đông đồng bào Khmer, coi đây là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên. Trong xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phải gắn với nhiệm vụ giải pháp giảm nghèo bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu vùng đồng bào Khmer, lồng ghép thích ứng biến đổi khí hậu, những diễn biến thời tiết cực đoan ảnh hưởng đến sự phát triển của địa phương và đề xuất giải pháp khắc phục để giúp người dân chủ động xây dựng phương án trong sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt thích ứng với vấn đề biến đổi khí hậu.
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của khối đại đoàn kết dân tộc, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội để thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững. Đồng thời, phát huy vai trò của lực lượng nòng cốt, người có uy tín trong tôn giáo, dân tộc.
Chỉ đạo triển khai thực hiện tốt chủ trương, Nghị quyết, các chính sách đầu tư hỗ trợ giảm nghèo của Trung ương và địa phương. Đồng thời quán triệt trong đảng viên, nhân dân nhận thức đúng, đủ về vai trò, ý nghĩa của chính sách giảm nghèo đối với sự phát triển bền vững, ổn định của địa phương, tạo đồng thuận cao trong xã hội.
Một kinh nghiệm rất quan trọng trong công tác giảm nghèo là phải nắm chắc danh sách hộ nghèo theo địa chỉ: Cập nhật thường xuyên danh sách hộ nghèo theo từng tổ dân cư, nắm chắc hoàn cảnh sống, số người có khả năng lao động, nghề nghiệp, nguyên nhân chính dẫn đến nghèo, nhu cầu và năng lực của bản thân hộ gia đình để có biện pháp hỗ trợ đạt hiệu quả. Hỗ trợ nguồn lực cho người nghèo phải đi kèm với nâng cao năng lực về mọi mặt trong đó đặc biệt quan trọng là kiến thức sản xuất, tiếp cận dự đoán giá cả thị trường và ý thức tiết kiệm trong đời sống của mỗi hộ gia đình.
Tách biệt giảm nghèo với an sinh xã hội, xóa dần cơ chế bao cấp, giảm cho không, chuyển dần sang cơ chế cho mượn, cho vay trả góp dần, lãi suất ưu đãi, có cơ chế chính sách hỗ trợ chuyên sâu về sinh kế cho người nghèo, giúp người nghèo có ý thức tự lực vươn lên và có trách nhiệm cao khi tiếp nhận chính sách hỗ trợ. Một kinh nghiệm có tính mấu chốt tạo nên thành công của công tác giảm nghèo là phải phát huy được vai trò của bản thân người nghèo. Đảng, Nhà nước và cộng đồng chỉ đóng vai trò hỗ trợ, tạo điều kiện về mọi mặt chứ không làm thay, không cứu tế cấp phát đơn thuần, bản thân người nghèo phải tích cực, chủ động vươn lên tự cứu mình để thoát khỏi nghèo khó.