THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:35

Gần 5.350 tỷ đồng hợp nhất chi trả trợ giúp xã hội và giảm nghèo

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Hồng Lan dự và chủ trì hội nghị

 

Tạo nền tảng giảm nghèo bền vững

Dự án Tăng cường hệ thống trợ giúp xã hội Việt Nam do Bộ LĐ-TB&XH thực hiện với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF). 

Được triển khai từ năm 2014 - 2019 và thí điểm tại bốn tỉnh Hà Giang, Quảng Nam, Trà Vinh, Lâm Đồng. Mục tiêu chính của dự án là xây dựng các giải pháp hiện đại hóa hệ thống trợ giúp xã hội, hợp nhất chương trình và quy trình triển khai các chương trình trợ giúp tiền mặt và thí điểm quá trình hiện đại hóa hệ thống tại bốn tỉnh tham gia dự án. Qua đó, dự án dự kiến sẽ đặt nền tảng vững chắc cho việc mở rộng quy mô hợp nhất và triển khai hệ thống hiện đại trên toàn quốc cho những năm sau năm 2020.

Dự án nhằm tạo nền tảng giảm nghèo bền vững thông qua nhấn mạnh vai trò của hệ thống trợ giúp xã hội đầu tư cho trẻ em nghèo để tăng cơ hội trong cuộc sống của các em và phá vỡ vòng đói nghèo. Do đó, hệ thống hỗ trợ xã hội sẽ bổ trợ các hoạt động can thiệp song hành của bên cung cấp dịch vụ trong giáo dục, y tế và dinh dưỡng theo hướng tập trung vào các hộ nghèo và cận nghèo.

Ông Đặng Kim Chung, Vụ trưởng – Giám đốc Ban Quản lý Dự án cho biết, đến nay, Dự án đã đi được nửa chặng đường và cũng đã thực hiện được hơn một nửa công việc của Dự án. “Một trong những nội dung quan trọng của Dự án là thực hiện tích hợp các chính sách trợ giúp xã hội hiện hành trong Gói trợ cấp hộ gia đình để mang lại tiện ích cho người dân. Bên cạnh đó, còn bổ sung thêm chính sách hỗ trợ phụ nữ mang thai thuộc hộ nghèo, trẻ em từ 0 - 3 tuổi thuộc hộ nghèo”, Giám đốc Ban Quản lý Dự án cho hay.

Ông Đặng Kim Chung, Vụ trưởng – Giám đốc Ban Quản lý Dự án báo cáo kết quả dự án năm 2017 

 

Thực hiện Gói trợ cấp hộ gia đình sẽ tạo điều kiện cho người thụ hưởng chính sách được tạo thuận lợi hơn trong việc đi lại, thủ tục. Chẳng hạn, hiện nay một hộ nghèo đang được hưởng các chính sách hỗ trợ tiền điện, hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ tiền ăn và tiền ở cho học sinh PTTH vùng có điều kiện KT-XH khó khăn, hỗ trợ thường xuyên tại cộng đồng, hỗ trợ phụ nữ mang thai, hỗ trợ trẻ 0 – 3 tuổi.

Gói trợ cấp hộ gia đình này sẽ tập hợp tất cả các chính sách trợ cấp xã hội mà gia đình được hưởng để thống nhất tại một đầu mối là Dự án, Phòng LĐ,TB&XH hoặc Bưu điện huyện, thậm chí có địa phương áp dụng phương pháp chi trả tại nhà.

Số đối tượng được chi trả tích hợp tăng 1,6 lần

Theo số liệu của Ban Quản lý Dự án, năm 2017, số đối tượng được chi trả tích hợp là 538.742 người, tăng 1,6 lần so với năm 2016. Tuy nhiên, theo đại diện các Sở LĐ-TB&XH đang có Dự án triển khai cho biết, hiện nay các hộ gia đình vẫn chưa thể nhận được một gói trợ cấp hộ gia đình hàng tháng như đã kỳ vọng do đối tượng thụ hưởng chưa được cập nhật đầy đủ tại hệ thống thông tin tích hợp các chính sách và do các chính sách quy định thời gian chi trả khác nhau.

Trong khi đó, nhiều địa phương chưa thực hiện được việc sử dụng hệ thống công nghệ thông tin chung của Dự án mà vẫn đang sử dụng phần mềm riêng của mình… Do đó, “Để đẩy mạnh tiến độ triển khai Dự án, Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo cần chỉ đạo các địa phương hoàn thành cập nhật danh sách hộ nghèo năm 2016 - 2017 và thông tin các thành viên trong hộ trong tháng 5.2018”, ông Chung  kiến nghị.

 

Cục Bảo trợ xã hội yêu cầu các địa phương hoàn thành cập nhật thông tin các hộ có đối tượng bảo trợ xã hội năm 2016 - 2017 trong tháng 5/2018 để phục vụ cho việc triển khai hệ thống thông tin quản lý tích hợp các chính sách trợ giúp xã hội…

“Việc triển khai áp dụng hệ thống MIS POSASoft vào công tác quản lý sẽ giúp giảm thiểu áp lực về hành chính, nhân sự, tăng cường hiệu quả giám sát báo cáo và đảm bảo tính minh bạch trong việc thực hiện chi trả các khoản hỗ trợ”, ông Đặng Kim Chung, Giám đốc Ban quản lý dự án cho biết.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Đào Hồng Lan biểu dương và đánh giá cao sự nỗ lực, chủ động, tích cực triển khai nhiệm vụ của tập thể Ban Quản lý dự án trong năm 2017, đồng thời hoan nghênh các kết quả đạt được của dự án, đặc biệt là bộ cơ sở dữ liệu về giảm nghèo, an sinh xã hội; mô hình hệ thống chi trả trợ giúp xã hội thông qua bưu điện và hệ thống quản lý của dự án.

Thứ trưởng đánh giá, Hội nghị đã nêu được các kết quả công việc đã triển khai trong thời gian vừa qua, đồng thời cũng nêu lên các tồn tại, khó khăn, vướng mắc; qua đó tìm giải pháp tháo gỡ để thúc đẩy công việc trong năm 2018 để đảm bảo mục tiêu và kế hoạch đã đề ra.

Đối với nhiệm vụ công tác năm 2018, Thứ trưởng Đào Hồng Lan đề nghị, Ban Quản lý dự án cần phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả hơn nữa với các đơn vị liên quan nhằm hoàn thiện trang bị hạ tầng công nghệ thông tin ở các cấp, đặc biệt, Thứ trưởng nhấn mạnh, đây sẽ là một thuận lợi khi triển khai dự án vì năm 2018, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ là đẩy mạnh CCHC gắn với ứng dụng CNTT.

Theo đó, vấn đề quan trọng là đẩy mạnh công tác đào tạo, tổ chức rà soát, cập nhật cơ sở dữ liệu để vận hành tốt nhất hệ thống thông tin quản lý trợ giúp xã hội (MIS) trong công tác quản lý của ngành. “Đến nay hoạt động Dự án đang được triển khai tốt ở các hợp phần. Nhiều nội dung quan trọng được thực hiện”, Thứ trưởng ghi nhận.

Sau hơn 2,5 thực hiện dự án thí điểm, các đối tượng tham gia đã tăng đáng kể nhờ vào kết quả tuyên truyền và nỗ lực của các địa phương trong việc xét duyệt các đối tượng tham gia dự án. Trong năm 2017, tổng giá trị giải ngân của toàn dự án là 194,58 tỷ đồng, tương đương với 62,51% kế hoạch năm.

Dự án Tăng cường hệ thống trợ giúp xã hội Việt Nam có tổng vốn đầu tư là 62,5 triệu USD, triển khai trong giai đoạn 2014 đến hết 31/12/2019 tại 4 tỉnh thí điểm là Hà Giang, Quảng Nam, Lâm Đồng và Trà Vinh.

THANH NHUNG - MẠNH DŨNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh