THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 08:03

Lào Cai tập trung nguồn lực đầu tư giảm nghèo

 

Lào Cai đặt mục tiêu giảm từ 3% - 4% hộ nghèo/năm. Để hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Lào Cai đã ban hành Đề án số 9 về “Giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2016 - 2020”. Mục tiêu của đề án là cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống của các hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số thuộc huyện nghèo, xã, thôn đặc biệt khó khăn; tạo chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về công tác giảm nghèo ở vùng khó khăn. Thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng, các dân tộc và các nhóm dân cư; tạo cơ hội để người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số ổn định và đa dạng hóa việc làm, tăng thu nhập. Đồng thời, tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Huy động nguồn lực đầu tư các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người nghèo, nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững.

Mô hình trồng cây ăn quả có múi mang lại hiệu quả kinh tế cao ở Lào Cai.

 

Để thực hiện mục tiêu đề án, tỉnh Lào Cai đã ưu tiên lồng ghép các nguồn lực từ ngân sách nhà nước, xã hội hóa và lồng ghép từ Nghị quyết 30a, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững… Cùng với đó, các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể đã có những giải pháp phù hợp với tình hình thực tế, đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ. Qua đó, đã kịp thời giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo sớm ổn định cuộc sống, từng bước nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo.

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Lào Cai Đinh Thị Hưng cho biết: Trong 2 năm (2016 - 2017), tổng vốn huy động cho công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh là 4.800 tỷ đồng. Nhiều chương trình, dự án được đầu tư, hỗ trợ kịp thời và phát huy hiệu quả, như đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, cho vay vốn ưu đãi, đào tạo nghề, tạo việc làm, hỗ trợ về y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi và chuyển giao khoa học - kỹ thuật, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả… giúp nhiều hộ nghèo có điều kiện phát triển kinh tế.

Qua kết quả điều tra hộ nghèo năm 2017 cho thấy, tỉnh có 7.798 hộ thoát nghèo (tương đương giảm 5,49%); còn 36.037 hộ nghèo, chiếm 21,91% (trong đó, 34.989 hộ nghèo về thu nhập, chiếm 97,09%; 1.048 hộ nghèo đa chiều, chiếm 2,91%); 17.486 hộ cận nghèo, chiếm 10,63%. Huyện Bắc Hà vẫn là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh, với 38,92%; huyện Bảo Thắng có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất, với 14,4%; 43 xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 50% - 69%, giảm 11 xã so với năm 2016.

Theo bà Đinh Thị Hưng, mặc dù tỷ lệ giảm nghèo đạt cao, nhưng thiếu bền vững, bởi tốc độ giảm nghèo ở các địa phương không đồng đều và Lào Cai vẫn thuộc tỉnh trong nhóm có tỷ lệ hộ nghèo cao của cả nước. Các chính sách, dự án giảm nghèo đầu tư dàn trải; còn bất cập trong thực hiện chính sách đối với nghèo đa chiều. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu đất canh tác nông nghiệp xảy ra nhiều vùng. Không ít người lao động, nhất là lao động nông thôn và dân tộc thiểu số chưa tích cực tham gia học nghề, chủ động tìm việc làm. Thái độ, kỹ năng nghề nghiệp của người lao động chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động…

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh