THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:54

An Giang: Giảm nghèo gắn với nông thôn mới thiết thực, hiệu quả

 

Đường giao thông NTM ở huyện Tịnh Biên (An Giang).

 

Từ cuộc tuyên truyền vận động triển khai chương trình xây dựng NTM, tỉnh An Giang đã xuất hiện nhiều nông dân không chỉ  sản xuất kinh doanh giỏi mà còn tích cực đóng góp tiền của, công sức cho xây dựng kết cấu cơ sở hạ tầng NTM; đồng thời góp phần đáng kể vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi để giảm nghèo bền vững.

Trên địa bàn nhiều huyện của An Giang đã xuất hiện các mô hình làm kinh tế gia đình hiệu quả, góp phần hình thành những vùng sản xuất chuyên canh và những cánh đồng mẫu, để liên kết thực hiện đồng bộ từ khâu sản xuất đến chế biến tiêu thụ. Đó là những cánh đồng mẫu chuyên canh sản xuất lúa ở các xã: Long Điền A, Nhơn Mỹ, Hòa Bình, Kiến Thành, Tân Mỹ huyện Chợ Mới, với tổng diện tích trên 1.470ha.

Với tinh thần tương thân, tương ái, tình làng nghĩa xóm, lá lành đùm lá rách, nhiều nông dân đã hỗ trợ, giúp đỡ nhau, liên kết thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã để mở rộng quy mô sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế, cùng vươn lên thoát nghèo và phấn đấu làm giàu. Hiện toàn huyện có hàng chục hợp tác xã nông, ngư nghiệp với hàng ngàn xã viên, sản xuất trên hàng ngàn ha.

 Trong đó có những mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ mới như xã Bình Phước Xuân có 317,04ha vườn chuyên canh cây ăn trái có giá trị kinh tế cao gồm: Mít Thái siêu sớm, xoài 3 màu, bưởi da xanh, dừa dứa, mận An Phước, cho thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng/ha/năm.

Mặc dù An Phú là huyện biên giới khó khăn của tỉnh An Giang nhưng ngay từ những ngày đầu triển khai chương trình xây dựng NTM, chính quyền địa phương từ huyện đến xã đã có nhiều cố gắng trong công tác tuyên truyền vận động người dân thực hiện xây dựng hiệu quả nhiều công trình cơ sở hạ tầng. Điển hình là công trình “đường ra cánh đồng” dài 1,2km được xi măng hóa, trị giá khoảng 3,2 tỷ đồng ở xã Khánh An.

Núi Tô (huyện Tri Tôn) là một xã có tỷ lệ đồng bào dân tộc Khmer chiến 76%. Những năm qua, nhiều công trình hạ tầng nông thôn trên địa bàn xã được xây dựng bằng nỗ lực đóng góp của toàn dân. Với nhận thức mỗi người dân là một chủ thể trong xây dựng NTM, xã Núi Tô đã tích cực tuyên truyền vận động nhân dân tham gia bằng những việc làm cụ thể thiết thực, nổi bật là việc đóng góp tiền của, công sức để xây dựng đường giao thông nông thôn.

Từ việc xây dựng kết cấu cơ sở hạ tầng, bộ mặt NTM đã thực sự thay đổi, đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân được cải thiện, nâng cao, giảm đáng kể tỷ lệ hộ nghèo.

Thông qua phong trào đã xuất hiện nhiều gương điển hình nông dân vừa sản xuất, kinh doanh giỏi, vừa có tấm lòng nhân ái luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ vốn giúp đỡ những hộ nông dân nghèo trong cộng đồng, tích cực tham gia đóng góp xây dựng hạ tầng cơ sở ở nông thôn.

 Qua đó cho thấy, công tác xóa nghèo, gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM ở An Giang đã đi vào chiều sâu thiết thực và đang phát huy hiệu quả đáng kể, cần được nhân rộng.

TRANG THUÝ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh