Gần 16.000 thanh niên có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ học nghề
- Giáo dục nghề nghiệp
- 18:26 - 24/09/2018
Lớp dạy nghề pha chế tại khách sạn cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn Sheraton Hà Nội.
Trưởng thành từ Dự án LABS (được Tổ chức quốc tế Plan International hỗ trợ từ năm 2004), trải qua 10 năm (2008 - 2018), với mục tiêu không ngừng giúp đỡ các bạn thanh niên có hoàn cảnh khó khăn ở Việt Nam có điều kiện được học nghề và có một công việc ổn định, từ khi thành lập năm 2008 đến nay, trải qua không ít khó khăn REACH đã có nhiều sự phát triển mạnh mẽ.
Quy mô hoạt động không ngừng mở rộng, nhiều chương trình mới được mở ra, số nhân sự cũng tăng lên đang kể, từ 5 nhân sự lên đến hơn 70 nhân sự hiện nay.
Theo thống kê, trung bình một năm đơn vị hỗ trợ trên dưới 1.000 học viên. Riêng trong năm 2017, con số này là 1.110 học viên tốt nghiệp.
Các học viên được trang bị kỹ năng nghề trong thời gian từ 3,5 tháng đến 6 tháng, với 10 ngành nghề khác nhau phù hợp với nhu cầu mong muốn của các bạn trẻ.
Chẳng hạn như, tóc móng, Thiết kế đồ họa website, Bán hàng Marketing, Nghiệp vụ bàn bar, Kỹ thuật chế biến món ăn Á - Âu, Thiết kế đồ họa 3D 6 tháng, Nghiệp vụ Buồng phòng, Chăm sóc da và trang điểm, Nghiệp vụ khách sạn 5 sao..
Đáng chú ý, những học viên có hoàn cảnh khó khăn sẽ được hỗ trợ từ 80-100% học phí, những bạn khó khăn nhất sẽ được hỗ trợ thêm một phần chi phí tiền ăn và tiền trọ.
Ngoài kiến thức chuyên môn, các học viên còn được trang bị thêm tiếng Anh, kỹ năng sống, tin học văn phòng cơ bản, định hướng nghề nghiệp, quản lý chi tiêu, kỹ năng phỏng vấn thành công...
Đặc biệt, khi tốt nghiệp, học viên được giới thiệu đến làm tại các doanh nghiệp trong mạng lưới REACH trên cả nước với một mức lương khá và ổn định với nhiều cơ hội phát triển. REACH đã trở thành “ngôi nhà thứ hai” của nhiều thanh niên quyết tâm vượt khó để lập nghiệp.
Chia sẻ về một trong những câu chuyện về nghị lực vươn lên khiến bản thân ấn tượng, bà Phạm Thị Thanh Tâm, Giám đốc điều hành của Trung tâm Reach cho biết, Nguyễn Thị Phượng sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân ở tỉnh Thanh Hóa, một căn bệnh bất ngờ đã khiến Phượng bị điếc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng nói.
Thế nhưng, Phượng vẫn kiên trì theo học đến hết cấp trung học phổ thông. Khi em bắt đầu tìm việc làm thì có không ít khó khăn. Phượng từng làm việc trong một nhà máy may nhưng không thể giao tiếp với đồng nghiệp do bị khiếm thính. Được sự hướng dẫn và trợ giúp của REACH, Phượng nộp đơn và tham gia khóa học tại khách sạn Sheraton Hà Nội.
Tại đây, cô gái nhỏ nhắn xứ Thanh đã khám phá ra niềm đam mê của bản thân khi làm việc trong bếp, học cách làm bánh tinh xảo. Rất chăm chỉ làm việc, sau khi tốt nghiệp, Phượng nỗ lực theo đuổi đam mê của mình, và cô đã trở thành đầu bếp bánh ngọt tại một khách sạn năm sao với mức lương ổn định.