Ông Phạm Đức Vinh - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Hà Nội phát biểu tại lễ tổng kết
Nhằm mang đến cơ hội việc làm và cuộc sống tốt đẹp hơn cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn thông qua chương trình đào tạo nghề có chất lượng và phù hợp với định hướng thị trường, dự án “Dạy nghề cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn tại Hà Nội” được triển khai tại 2 trường Cao đẳng Nghề Công nghiệp Hà Nội và trường Cao đẳng Xây dựng Công trình Đô thị từ tháng 9 năm 2015 đến tháng 6 năm 2018 với tổng ngân sách là hơn 39 tỷ đồng.
Dự án hỗ trợ tổng thể và toàn diện về cơ sở vật chất, năng lực giáo viên, giáo trình đào tạo tạo ra một môi trường đào tạo có chất lượng, sự vào cuộc của các doanh nghiệp trong xây dựng chương trình, phối hợp đào tạo và thực tập, định hướng nghề nghiệp và tuyển dụng lao động giúp cho chương trình đào tạo lại gần với nhu cầu thị trường lao động và mong đợi của thanh niên học nghề. Ngoài các kỹ năng nghề, các em sinh viên còn được trang bị các kỹ năng cơ bản về an toàn lao động và các kỹ năng sống cần thiết để phát triển bản thân và sẵn sàng làm việc.
Đại diện Văn phòng KOICA Việt Nam phát biểu
Trong 3 năm triển khai, dự án đã hỗ trợ hai nhà trường đổi mới môi trường đào tạo nghề có chất lượng và phù hợp với định hướng thị trường: Cải tạo và trang bị hiện đại cho 4 nhà xưởng đào tạo về đường ống công nghệ, nghề hàn, công nghệ ô tô, sơn và sửa chữa khung vỏ ô tô và xưởng đào tạo An toàn xây dựng. Nâng cao năng lực giáo viên cả về kỹ năng nghề và phương pháp giảng dạy tích hợp với sự hỗ trợ của các chuyên gia trong và ngoài nước. Xây dựng mới 3 giáo trình sơ cấp (Hàn, sơn và sửa chữa khung vỏ ô tô); chỉnh sửa 2 giáo trình về đường ống công nghệ, và công nghệ ô tô và đưa vào áp dụng đào tạo khóa ngắn hạn An toàn trong xây dựng và công nghiệp cho công nhân xây dựng và sinh viên. Có tổng số 11 giáo trình ngắn hạn 3 tháng, 6 tháng đến 18 tháng được hoàn thành trong khuôn khổ dự án.
Đại diện Tổ chức Plan International tại Việt Nam phát biểu.
Tạo cơ hội việc làm bền vững và cuộc sống tốt đẹp hơn cho 467 bạn thanh niên có hoàn cảnh khó khăn thông qua việc hỗ trợ các khóa học nghề Trung cấp, sơ cấp và kết nối việc làm tại các doanh nghiệp. Cùng hai nhà trường thiết lập và phát triển mạng lưới 100 doanh nghiệp trong đó có 50 doanh nghiệp dịch vụ sửa chữa và bảo dưỡng ô tô và 50 doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng trong đào tạo, thực tập và tuyển dụng người lao động.
Đặc biệt, dự án đã xây dựng được một bộ giáo trình Đào tạo kỹ năng Phát triển bản thân và sẵn sàng làm việc, bao gồm giáo trình cho giáo viên và sách học dành cho học sinh, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của các trường cao đằng nghề và các doanh nghiệp trong việc đổi mới chương trình đào tạo, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng lao động. 1.559 em sinh viên đã được đào tạo, cấp chứng chỉ và sẵn sàng tham gia thị trường lao động. Ước tính,hàng năm sẽ có khoảng 2000 thanh niên đang theo học tại nhà trường sẽ tiếp tục được trang bị các kỹ năng thiết yếu này.
Quan trọng hơn, lần đầu tiên, một xưởng đào tạo An toàn xây dựng và công nghiệp được xây dựng cùng với giáo trình 60h dành cho sinh viên học nghề và 16h cho người lao động đã được xây dựng và đưa vào sử dụng. Hơn 1,698 học sinh tại hai trường đã được đào tạo và cấp chứng chỉ về An toàn lao động.
Các em sinh viên dân tộc thiểu số tham gia dự án
Hiệu trưởng của hai trường nhận xét: “đây là một dự án toàn diện và tổng thể và là dự án hiệu quả nhất trong số các dự án mà nhà trường từng được tài trợ”.“Dự án đã mang lại thay đổi về cơ sở vật chất, và quan trọng hơn là thay đổi về tư duy và ý thức của đội ngũ lãnh đạo và giáo viên của nhà trường” chia sẻ của thầy Bùi Hồng Huế, hiệu trưởng trường Cao đẳng xây dựng công trình đô thị nói.
Dự án được tài trợ bởi Cơ quan phát triển Hàn Quốc KOICA, công ty Hyundai E&C và công ty Hyundai Motor.