THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:59

Gần 10 năm vượt biên phiêu bạt tìm con

Định mệnh buồn

Nằm biệt lập cách trung tâm huyện hơn 10km đường đất đá hiểm trở, xã miền núi Tân Lập,( huyện Hữu Lũng,Lạng Sơn) heo hút cô quạnh. Trò chuyện với bà con nơi đây,chúng tôi bất ngờ khi thấy người ta dừng lại, kẻ lặng thinh, họ nhìn nhau với ánh mắt đầy sự đồng cảm mỗi khi nhắc đến gia đình ông Ban Văn Mình người cùng xã.

Chúng tôi tìm đến nhà ông Mình, có con gái duy nhất-Ban Thị Hoạt bị lừa bán sang Trung Quốc. Người đàn ông nhỏ thó, khuôn mặt khắc khổ, đôi mắt sâu hoắm nếp nhăn hằn lên bao nỗi khắc khổ ấy đã kể  cho chúng tôi nghe câu chuyện đau lòng xảy ra với gia đình ông. Năm 1993, Ban Thị Hoạt đã bị lừa bán sang Trung Quốc khi mới vừa tròn 14 tuổi. Tuy mới tuổi 14, nhưng Hoạt càng lớn càng xinh đẹp được nhiều trai trong vùng theo đuổi. Hoạt cũng được học lấy cái chữ của người Kinh, cũng biết đọc biết viết, nhưng vì gia cảnh nghèo khó Hoạt nghỉ học ở nhà để phụ giúp gia đình. Những tưởng có đứa con ở nhà phụ giúp thì bố mẹ đỡ phần vất vả hơn, nào ngờ một ngày định mệnh đã đến với Hoạt.

Ông Mình kể lại hành trình tìm con 

Ông Mình còn nhớ như in: “Ngày 29/11/1993 trời mưa phùn, gió bấc và rét cắt da cắt thịt, lúc đó tôi đang mang hộ tiền cưới đi thay cho nhà thông gia. Ngày tôi đi, đứa con gái còn dắt trâu ra đồng cho ăn cỏ, khi tôi về thì không nhìn thấy mặt đứa con đâu nữa. Ban đầu tưởng  nó bỏ đi chơi, nhưng mấy ngày sau không thấy nó về. Hỏi ra mới biết nó bị người bạn cùng xóm, tên Huệ lừa bán sang bên kia biên giới”. Biết tin con gái bị lừa bán, ông Mình như điếng người, tá hỏa triệu tập tất cả các con cháu tỏa đi các hướng để tìm. Một mặt ông báo cho công an địa phương để phối hợp cùng. Ngay lập tức kẻ tiếp tay cho bọn buôn người tên Huệ bị bắt sau đó vài ngày.

Thâm nhập vào tụ điểm buôn người

Khi những hi vọng về đứa con chưa bị bán sang bên kia biên giới không còn nữa, ông Minh quyết tâm sang bên kia biên giới để tìm con càng sớm càng tốt. “Để đi được qua bên kia biên giới là chuyện không phải dễ dàng, gia đình tôi nghèo nhưng tôi quyết định bán mảnh vườn còn lại và chạy vạy hết làng xóm anh sau đó tôi nhờ một người quen cùng đi sang Trung Quốc theo đầu mối buôn người qua lời khai của tên Huệ bị bắt trước đó”, ông Mình kể lại. 

Điểm dừng chân đầu tiên của ông Mình là ở Ninh Minh (tỉnh Nam Ninh-Trung Quốc). Vào hang ổ bọn buôn người phải đi qua “ba cửa”, đút lót cho chúng ít tiền thì mới được đến nơi giam lỏng những người bị lừa bán.

Mỗi khi nhớ con, ông Mình, bà Thêu chỉ biết lấy tấm ảnh duy nhất của chị Hoạt ra ngắm.

Người ta đưa ông đến nhiều tụ điểm, đó là những ngôi nhà nhỏ ẩm thấp nằm biệt lập với các khu dân cư. Tại đây ông Mình chứng kiến cảnh hàng trăm người trẻ tuổi như con gái ông đang bị"giam giữ". Kiếm tìm trong số hàng trăm đứa trẻ, nhưng bóng dáng về đứa con của mình không thấy đâu. Không thấy được mặt con, ông Mình phải ở lại Ninh Minh làm thuê đủ nghề để có tiền tiếp tục hành trình tìm con.

Một tháng sau, ông Mình đang đi làm phu hồ ở thì lại nhận được thông tin từ công an huyện Hữu Lũng báo về nhà nhận con. Lập tức ông bắt xe về Việt Nam. “Đáng buồn là không phải tìm được con gái mà lúc này công an Việt Nam đã bắt được kẻ môi giới Hứa Hồng Chương kẻ trực tiếp bán Hoạt sang bên kia biên giới”, ông Mình buồn rượi.

Hành trình gian nan tìm con

Chờ mãi, từ ngày này sang ngày khác, ông Minh vẫn không có thêm thông tin gì về Hoạt. Thương con bằng bất kỳ giá nào ông cũng phải vay mượn để đi tìm con gái mà vợ chồng ông yêu quý nhất. Tài sản trị giá nhất mà ông Mình có lúc bấy giờ là con trâu để cày bừa. Bán trâu có được 4 triệu đồng cùng với vay mượn thêm anh em, bạn bè ông Mình cùng lại tiếp tục hành trình vượt biên với hi vọng sẽ tìm được con.

Từ manh mối mà đối tượng Hứa Hồng Chương khai nhận, công an Nam Ninh đã tiến hành rà soát trên địa bàn nhưng mọi thông tin về Hoạt đều bặt vô âm tín. Số tiền bán trâu chỉ đủ chi tiêu, chi phí đi lại mấy ngày cho chuyến hành trình bên kia biên giới đã cạn, ông Mình ở lại làm thuê phiêu bạt tìm manh mối con gái, mặt khác ông nhờ hai đứa cháu (lúc đó đi theo ông) về nhà lên đồn công an để tìm hiểu thêm manh mối từ kẻ buôn người.

Những ngày sau khi hai đứa cháu ông Mình cùng với công an đến nhà, nhưng không hiểu lý do gì mất liên lạc với ông Mình. Từ đó thông tin về ông Mình cũng bặt vô âm tín.   Nỗi nhớ vợ thương con gái đầu lòng càng thôi thúc ông Mình ngày làm việc, tối lại đi khắp các ngóc ngách nơi xứ lạ hỏi về tông tích con.  

Gần mười năm trôi qua, cuộc tìm kiếm gần như đã trở thành vô vọng, chỉ duy nhất tấm ảnh của vợ chụp lúc còn trẻ ông giữ bên mình, vì con gái ông giống vợ lúc trẻ nên ông Mình đã nghĩ cách lấy cái ảnh đó làm “ảnh Hoạt” để phục vụ công việc kiếm tìm. Trong linh tính, vợ chồng ông Mình vẫn tin và đinh ninh rằng Hoạt vẫn còn sống. Tuy không tìm được con, trong suy nghĩ người cha già ấy vẫn làm tròn bổn phận của người làm cha.  Gần 10 năm, tích cóp từng đồng, nhịn ăn, mỗi đàn lợn, gà chưa đủ lớn lại phải bán tống bán tháo lấy tiền đi tìm con. Hàng trăm chuyến đi dài ngày mà kết quả là con số không tròn trĩnh.

Cổ tích trùng phùng trong nước mắt

 Năm 2002, sự kiện bất ngờ với gia đình ông khi nhận được lá thư của  Hoạt từ Trung Quốc gửi về. Trong thư Hoạt viết: “Con vẫn còn sống và khỏe mạnh, con đã có hai đứa con. Sau khi bị lừa bán, con bị ép gả cho người đàn ông Trung Quốc rồi họ bắt phải sinh sinh con đẻ cái…”.

Nhận dạng được là thư gửi từ bưu cục Nam Ninh (Trung Quốc) ông Mình quyết định sang để thăm con một lần. Vay mượn anh em, họ hàng được 3 triệu đồng. Ông mình cùng với vợ và đứa cháu họ biết tiếng Trung tức tốc lên đường.

Để qua được những cửa khẩu nơi biên giới, tránh được sự dòm ngó, quản lí khắt khe của công an nước bạn thì ông Mình phải nhờ đến đứa cháu “ngụy trang” cho ông bị mắc phải bệnh câm và đưa ông đi chữa bệnh.

Vật vã 2 ngày 2 đêm mới đến được địa phận tỉnh Nam Ninh (Trung Quốc) nơi xác định là con gái ông hiện đang sinh sống ở đó. Ông mang theo tấm hình của người con gái gửi về để lần theo dấu vết, địa chỉ và hỏi han. Câu chuyện về hành trình người cha tìm con như giống như số phận mà ông trời đã sắp đặt.

Trong cái lạnh cóng trên nước bạn, trên khúc đường hỏi thăm địa chỉ đến nhà đứa con, ông Mình mang tấm ảnh cô con gái ra hỏi đường một người con gái chăn trâu ven đường. Vô tình, đó chính là Hoạt và hai đứa con của chị.

Còn nhớ ngày định mệnh của chị Hoạt cũng vào một buổi chăn trâu thì giờ đây chị gặp lại người cha cũng trong một lần chăn trâu. Hai cha con ôm nhau khóc nức nở. Ông Mình xin gia đình bên nhà chồng chị Hoạt cho phép chị Hoạt về thăm mẹ 1 tháng rồi quay lại. Chị Hoạt được về gặp lại gia đình rồi lại khăn gói về bên đó. Giờ đây, mỗi khi nhớ đến người con bên kia biên giới, vợ chông ông Minh chỉ biết mang tấm hình của chị Hoạt ra ngoài cổng hướng ánh mắt về phía đại ngàn ở bên kia biên giới.

TUẤN PHẠM

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh