Tăng cường phổ biến pháp luật cho người lao động
- Pháp luật
- 17:00 - 02/01/2015
Ưu tiên dạy nghề, giải quyết việc làm tại chỗ
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, tình trạng lao động các tỉnh khu vực phía Bắc và miền Trung sang các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia làm thuê xuất phát từ mối quan hệ hữu nghị biên giới giữa hai nước, trong đó có mối quan hệ gia đình, quan hệ làng xóm giữa hai biên giới và một phần do hiện tượng dẫn dắt lao động từ Việt Nam sang nước ngoài làm thuê.
Ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh: “Đây là qui luật tất yếu của mối quan hệ hợp tác quốc tế, mối quan hệ láng giềng gần nhau chứ không phải là hiện tượng quá gay gắt của xã hội, nhưng nếu như chúng ta không có những hiệp định, những cam kết sự phối kết hợp giữa hai nước để quản lý lao động thì hệ lụy xảy ra thường là các vấn đề về tệ nạn xã hội, buôn bán người, sử dụng lao động trẻ em...
Vấn đề đặt ra cho chúng ta là hiện nay việc quản lý lao động ở các khu vực giáp biên giới di cư sang nước ngoài làm việc như thế nào?. Không có ai khác chính quyền địa phương cơ sở từ cấp xã, huyện, tỉnh phải làm việc này. Công an quản lý hộ tịch, hộ khẩu cả người đi và người đến. Ngành lao động phải nắm được tình hình biến động lao động trên địa bàn: Có bao nhiêu lao động nhập cư, di cư, tay nghề của lao động, người nước khác đến địa bàn mình thì họ làm cái gì và lao động của mình đi sang nước ngoài thì làm việc gì”.
Ông Bùi Sỹ Lợi
Cũng theo ông Bùi Sỹ Lợi, di cư là tất yếu trong quá trình phát triển và chịu tác động của qui luật kinh tế, di cư có những mặt tích cực và tiêu cực. Đặc biệt, di cư lao động tự do tại vùng biên là một vấn đề mang tính khách quan và đang là vấn đề toàn cầu, không một quốc gia nào có thể đứng ngoài hoặc tự mình giải quyết được vấn đề di cư lao động tự do. Để có thể quản lý được lao động ở những vùng biên giới và bảo vệ quyền lợi cho họ trước hết chúng ta phải hoàn thiện sửa đổi hệ thống pháp luật, đảm bảo có hệ thống chính sách pháp luật điều chỉnh vấn đề động ở các vùng biên giới di cư sang nước khác làm việc.
Các địa phương phải nắm được tình hình diễn biến lao động ở địa phương. Tạo các cơ hội cho lao động có việc làm bằng cách – cho vay vốn, đào tạo nghề dạy nghề cho lao động nông nghiệp nông dân, hỗ trợ vay vốn cho lao động vùng biên giới để họ tự tạo việc làm tại chỗ, sản xuất hàng hóa qui mô lớn có thể xuất khẩu sang nước bạn. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật để người dân hiểu biết chính sách luật và hiểu biết các vấn đề phong tục tập quán để tránh xảy ra các các vấn đề xã hội.
Thiếu thông tin, người lao động dễ rơi vào bẫy của “cò” lao động
Trước tình hình lao động “chui”, đặc biệt là vùng biên gia tăng, ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, người lao động có nhu cầu đi xuất khẩu lao động là người dân vùng sâu, vùng xa, những miền quê nghèo thường dễ bị cò mồi, môi giới, trung gian lừa đảo vì hiểu biết pháp luật còn hạn chế, không biết thông tin chính thống về xuất khẩu lao động. Đặc biệt, nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc người dân dễ dàng sập bẫy lừa của các đối tượng xấu chính là tâm lý nôn nóng muốn làm giàu ngay tức khắc.
Thực tế nhu cầu đi xuất khẩu lao động rất lớn, trong khi chỉ giải quyết được số lượng hạn chế, nên người dân sợ nếu không "nhanh” sẽ không được đi xuất khẩu lao động để "đổi đời”. Với những người nông dân nghèo hai sương một nắng thì việc được ra nước ngoài làm việc với lương hàng tháng tính bằng tiền đô la là thu nhập "khủng” mà chưa bao giờ họ dám nghĩ tới.
Do vậy, thay vì phải có thời gian để kiểm chứng thông tin về doanh nghiệp và nguồn đi xuất khẩu lao động, thay vì phải có thời gian đi học tiếng và kỹ năng làm việc, thì đa số người dân đều muốn đi ngay nên đã bị lừa đảo.
Lao động ngày càng khó tìm được việc làm (ảnh MH)
Ông Đào Công Hải nhấn mạnh: “Trong số các quốc gia có vùng biên giới giáp Việt Nam, Lào cũng có số lao động tự do sang làm việc tại Lào khá đông, thường theo tính chất mùa vụ, làm kinh doanh, buôn bán nhỏ tại Lào. Hiện Chính phủ Việt Nam và Chính phủ nước Lào đã ký Hiệp định về việc cử và tiếp nhận chuyên gia Việt Nam đi làm việc tại Lào ngày 24/3/2009. Hiệp định hợp tác lao động giữa hai nước ngày 01/7/2013 thay thế cho Hiệp định hợp tác lao động giữa hai nước ngày 29/6/1995 và Nghị định thư sửa đổi ngày 8/4/1999.
Bộ LĐ-TB&XH đang chuẩn bị xin ý kiến các bộ, ngành về kế hoạch triển khai thực hiện Hiệp định hợp tác lao động Việt – Lào để báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thời gian qua, chính quyền các cấp của 2 bên đã thực hiện các giải pháp linh hoạt trong việc quản lý lao động Việt Nam làm việc tại Lào”.
Không nên vì lợi ích trước mắt
Theo ông Hà Minh Trần, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Cao Bằng, thời gian qua Ban chỉ đạo đã mở nhiều hội nghị triển khai, tư vấn tại các xã, cụm xã trong huyện. Tuy nhiên, số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài chưa nhiều.
Nguyên nhân do ảnh hưởng tình hình mất ổn định chính trị của một số nước Trung Đông, động đất và sóng thần ở Nhật Bản, năm 2012 thị trường Hàn Quốc tạm dừng tiếp nhận lao động Việt Nam, nên nhiều lao động học xong tiếng Hàn không được thi tuyển nên người lao động có tâm lý e ngại; người lao động dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa còn có tâm lý ngại xa nhà. Vì vậy, trong 2 năm gần đây, người lao động của tỉnh Cao Bằng có xu hướng đi làm việc tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp trong nước nhiều hơn.
Lao động ở khu vực biên giới Việt -Trung (ảnh MH)
Bên cạnh đó còn có một số lao động vì lợi ích trước mắt đã vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê theo mùa vụ. Ông Hà Minh Trần nhấn mạnh: “Hàng năm, Cao Bằng có hàng nghìn lao động ở các huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm, Thông Nông, Hà Quảng, Hạ Lang, Trùng Khánh, Phục Hòa... vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm việc theo mùa vụ.
Đặc biệt là có cả lao động ở các tỉnh khác cũng vượt biên sang làm việc tại Trung Quốc theo môi giới. Những trường hợp gặp phải rủi ro, nhưng chủ yếu là không được trả tiền công như “môi giới” đã thông báo. Do không có hợp đồng lao động giữa chủ sử dụng lao động với người lao động nên khi thanh toán bị bắt chẹt, khấu trừ... Do nhập cảnh trái phép nên khi bị chính quyền sở tại kiểm tra, trục xuất không kịp nhận tiền làm thuê.
Để ngăn chặn tình trạng trên chính quyền các cấp của tỉnh Cao Bằng đã đưa ra nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng lao động vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê.
Trong đó, phối hợp với UBND các huyện tăng cường phổ biến các chính sách hỗ trợ việc làm trong nước, xuất khẩu lao động và vay vốn giải quyết việc làm tại chỗ cho đồng bào dân tộc thiểu số và các xã biên giới, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền chính sách hỗ trợ việc làm, thông tin thị trường lao động và phổ biến Chỉ thị số 15/2011/CT-UBND ngày 28/9/2011 của UBND tỉnh Cao Bằng về việc tăng cường công tác quản lý, ngăn chặn tình trạng công dân Việt Nam xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê...”.