Tiếng gà gáy đánh thức mỗi sớm mai
- Văn hóa - Giải trí
- 13:05 - 29/12/2015
Nhớ chiều hôm trước, bác tôi ở quê lên thăm mang theo chiếc lồng gà đan tre với hai con gà trống. Nhìn cảnh bác tay xách, nách mang xe đò thật ái ngại. Thực ra, cũng đã lâu lắm rồi, tôi không tự tay thịt gà đãi khách nên cũng thấy ngần ngại. Nhưng sáng ra, thay vì tiếng chuông báo thức phát ra từ chiếc smartphone quen thuộc, bỗng từ hàng hiên nhà vang lên một tiếng gà gáy.
Con gà trống hàng ngày chắc hẳn được ngạo nghễ vút lên cây rơm, cây tre để vươn cổ gáy báo sáng giờ phải khom lưng, luồn cổ qua ô lồng để cất lên tiếng gáy.
Bị tỉnh giấc sớm hơn mọi ngày, nhưng thay vì sự bực tức như khi nghe một tiếng chuông điện thoại hay tiếng động cơ xe máy, tôi chợt nhớ về tiếng gà gáy ngày xưa đến thế.
Tiếng gà gáy đánh thức mỗi sớm mai
Với những cư dân lúa nước, tiếng gà chính là tín hiệu báo ngày mới thật ý nghĩa. Từ khi phía đông hé sáng, theo tiếng gà, họ đã ra đồng cày cấy. Những buổi trưa nghỉ chân dưới gốc cây, tiếng gà trưa nôn nao gợi nhớ bao kí ức xa xôi của dân tộc. Cứ thế, tiếng gà dẫn dắt họ qua những ngày thường, báo một ngày bình yên đến với làng mạc.
Ngày còn nhỏ, tôi đã từng thích thú chờ đợi đến ngày những chú gà trống nhỏ mà mình nuôi cất tiếng gáy. Tiếng gà trống choai gáy như bị tắc trong thanh quản mà không phát ra được thành tiếng, nghe rất ngộ. Người ta bảo gà tức nhau tiếng gáy. Nhưng đúng hơn là chúng đua nhau, cùng gọi cả làng thức dậy. Con gà trống cũng đã đi vào tranh làng Đông Hồ trong vòng tay của em bé. Cũng với tiếng gà báo sáng ấy, đã bao người đã phải đi xa quê hương ngậm ngùi bước dưới ánh nắng sớm mai, bao cuộc “sinh ly, tử biệt”.
Năm tháng qua đi, những làng lên phố dần thay đổi diện mạo. Những cây rơm, lũy tre ít dần, tiếng gà cũng trở nên thưa vắng. Đôi khi, nghe tiếng gà từ bên kia thành phố vọng lại chợt thấy nao lòng. Dường như, đó là những lựa chọn không thể tránh khỏi. Nhưng có lẽ, một tiếng gà gáy đánh thức mỗi sớm mai vẫn mãi là một kỷ niệm đẹp trong lòng chúng ta.