Những hy sinh không thể nói bằng lời
- Văn hóa - Giải trí
- 16:13 - 22/12/2015
Trinh sát đặc nhiệm phòng hóa tiếp cận đối tượng
Thao trường đổ mồ hôi
Hơn 9 giờ sáng, khu vực Nhơn Trạch (Đồng Nai) phủ ngập màu vàng của nắng. Nhiệt độ ngoài trời tôi ước phải trên 37, 38 độ. Trên thao trường, các chiến sỹ Lữ đoàn 87, (Binh chủng Hóa học) đang say sưa rèn luyện thể lực kết hợp với trang bị khí tài chạy dài. Đứng dưới bóng cây quan sát, tôi đã muốn chóng mặt, hoa mắt. Lúc này chỉ một cơn gió thoảng cũng là mong ước xa xỉ.
Khoác lên người bộ quần áo khí tài và đeo chiếc mặt nạ phòng độc, thân hình của các chiến sỹ trẻ trở nên nặng nề hơn trong từng bước di chuyển. Từng thao tác dù đã được huấn luyện thuần thục nhưng độ dày và độ nặng của bộ quần áo không dễ để hoàn tất nhanh theo quy định (theo tiêu chuẩn rèn luyện kỹ thuật phòng chống hủy diệt lớn, mặc khí tài bộ phòng da L1 phải có thời gian trên 4 phút 30 giây mới đạt loại giỏi, riêng đeo mặt nạ phải trên 7 giây mới đạt loại giỏi).
Bài huấn luyện thể lực hàng ngày của các chiến sỹ
Kín bưng trong trang bị đặc biệt của người lính hóa học, bài tập chạy bộ 3000m - một thử thách không nhỏ về thể lực, độ dẻo dai và bản lĩnh. Tôi hình dung, trong bộ đồ “cách ly”, kín hơn cả áo mưa và hít thở trong chiếc mặt nạ chỉ hở đôi mắt, khác nào ta đang ở trong một phòng xông hơi với nhiệt độ nóng hơn mức cho phép và tôi có cảm giác tức thở khi dõi theo từng bước chân của những người lính dưới cái nắng như rang. Đại úy Nguyễn Hữu Dự, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 908 cho tôi biết: “Lát nữa nhà báo sẽ thấy, kết thúc bài chạy 3km, trong đôi ủng của từng người chứa cả lít mồ hôi. Mỗi lần luyện tập xong, có khi sút cả kí lô, mệt nhọc và vất vả thế nhưng anh em chiến sĩ ở đây chưa có ai nản lòng”.
Toàn bộ sĩ quan và chiến sỹ đều bình đẳng như nhau trước yêu cầu về sức khỏe và nhiệm vụ. Công việc càng khó khăn, phức tạp và nguy hiểm, những người đứng đầu càng phải lăn xả cùng anh em để hoàn thành nhiệm vụ. Là người trực tiếp thực hiện Dự án XD-2 (dự án xử lý chất độc tồn lưu sau chiến tranh tại sân bay Biên Hòa giai đoạn II), Đại úy Nguyễn Anh Thắng, Phó Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 908 kể: “Làm việc trực tiếp tại hiện trường tuy không khác mấy so với những bài huấn luyện nhưng thực tế thì mệt và vất vả hơn rất nhiều. Song cảm giác khó chịu nhất vẫn là ngộp thở, vì khi đeo mặt nạ phòng độc thì lượng không khí giảm đi khoảng 30%. Nhưng với chúng tôi - những lính hóa học đã được huấn luyện cơ bản thuần thục từng động tác, cách xử lí khi gặp các tình huống xảy ra nên không ai lúng túng cả. Và hơn thế nữa là anh em đã xác định tốt tư tưởng, nên quyết tâm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao”.
Cảm ơn em, người vợ lính!
Dẫn tôi đi thăm khuôn viên văn hóa đầy hoa và cây cảnh, thăm vườn rau sạch, đàn gà và bầy heo do tự tay mình chăm sóc, đại úy Nguyễn Anh Thắng bảo: “ Công việc của chúng tôi sau giờ công tác, huấn luyện còn là ở đây nữa, người lính tìm được niềm vui hòa quyện với thiên nhiên, gắn bó với từng mảnh đất nơi mình đóng quân. Chúng tôi tìm được niềm vui từ việc trồng rau, chăn nuôi vừa để cải thiện đời sống và điều quan trọng hơn nữa là chăm sóc sức khỏe cho bản thân và đồng đội trong môi trường sống bị độc hóa như hiện nay”.
Bài huấn luyện trang phục khí tài hàng tuần
Niềm vui của người lính đôi khi chỉ giản đơn thế thôi nhưng không phải ai cũng hiểu, dù chỉ là người lính của thời bình, họ cũng phải chịu nhiều gian khổ, hy sinh.
Thiệt thòi nhiều nhất vẫn là thiếu thốn tình cảm gia đình, phải xa vợ, xa con, xa người mình yêu dấu. “Ở Lữ đoàn 87 này có đến 99% cán bộ chiến sỹ có gia đình ở ngoài Bắc. May mắn và thuận lợi thì một năm được về phép thăm gia đình một lần. Nhưng có những cán bộ có khi 2,3 năm mới được về thăm nhà. Công việc cứ nối công việc, chúng tôi không biết dành lúc nào cho riêng mình. Nhưng ngẫm ra, chúng tôi thấy mình còn sung sướng hơn nhiều Vợ con ở quê nhà. Thiếu bờ vai của người đàn ông trong gia đình, cuộc sống của những người phụ nữ sẽ khó khăn hơn bội phần”, Trung tá Bùi Đình Huyền, Phó Chính ủy Lữ đoàn 87 cho biết thêm. Có lẽ đối với họ - những người lính của Lữ đoàn 87, Binh chủng Hóa học niềm vui đong đầy không chỉ là hoàn thành nhiệm vụ rất đặc biệt của mình mà còn là niềm tin ở tình yêu nơi quê nhà. Ở mặt trận dù không ầm ì tiếng súng nhưng cũng đầy gian khổ và nhiều nguy hiểm, đơn vị chính là nhà và anh em, đồng chí là người thân, thì quê hương của họ luôn là nỗi khắc khoải nhớ thương.
Tiếp cận khu vực bị khủng bố bị chất độc
Và tôi biết, mỗi người lính ở đây đều yêu thương và biết ơn người phụ nữ của riêng mình rất nhiều. Bởi hơn ai hết, các anh đều hiểu, làm Vợ, làm người yêu của lính, chỉ có niềm tin và tình yêu thương vô bờ bến mới giúp những người phụ nữ ấy đi qua những tháng năm hao gầy. Chính các chị là điểm tựa vững chắc để các anh, những người lính thời bình vượt qua gian khó quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Một số hình ảnh luyện tập của các chiến sỹ Lữ đoàn 87.
Tạm biệt các anh, những người lính Lữ đoàn Phòng hóa 87, xin dành tặng các anh đôi dòng bài thơ “Tiếng biển” của một người lính ẩn danh. Có thể các anh đã hoặc chưa kịp đọc, nhưng tôi tin, dù ở đất liền hay biển khơi, tiếng của trái tim người lính đều cùng nhịp đập như thế:
“Hậu phương đất liền yên tâm nhé vợ ơi/ Cuối tuần về quê cho anh nhắn đôi lời/ Thưa với cha và thắp hương khấn mẹ/ Anh vẫn vững vàng nơi biển đảo xa xôi.../ Em hãy đưa điện thoại kề gần nôi/ Để con chúng mình nghe tiếng của biển khơi/ Anh không thể ẵm bồng ru con ngủ/ Gửi tiếng biển về yên giấc con thôi...”
Ngày 20/8/2008, Trung đoàn Phòng hóa 87 (Nay là Lữ đoàn 87) thuộc Binh chủng Hóa học được thành lập theo Quyết định số 2469/QĐ-BQP của Bộ Quốc phòng. Là lực lượng chiến đấu, cơ động có nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; tham gia phòng chống khủng bố, chống bạo loạn, khắc phục sự cố hóa chất độc, xạ, ô nhiễm môi trường, xử lý chất độc tồn lưu sau chiến tranh; đào tạo hạ sĩ quan – chỉ huy hóa học, xây dựng lực lượng dự bị động viên hóa học cho các đơn vị trên địa bàn phía Nam Tổ quốc. Theo thượng tá Nguyễn Việt Công, Chính ủy Lữ đoàn 87: “Nhiệm vụ thu gom, xử lý chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh và xử lý sự cố ô nhiễm môi trường của Lữ đoàn 87 là công việc lâu dài, khó khăn, độc hại và rất phức tạp. Nếu không có các biện pháp đề phòng tốt có thể để lại di chứng lâu dài cho cán bộ, chiến sỹ trực tiếp làm nhiệm vụ. Xác định đây là một nhiệm vụ đặc thù của bộ đội hóa học thời bình, vì vậy, trong bất cứ điều kiện hoàn cảnh nào cán bộ, chiến sỹ của Lữ đoàn 87 luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Nhờ làm tốt công tác giáo dục, động viên tư tưởng nên hàng ngàn lượt cán bộ, chiến sỹ của Lữ đoàn đã xử lý triệt để hàng trăm tấn chất độc CS (một loại chất độc hóa học quân sự, cũng là một loại vũ khí nguy hiểm, tác động trực tiếp đến con người và môi trường), đất bị phơi nhiễm điôxin, xử lý các bình chứa khí Clo hóa lỏng bị rò rỉ… theo đúng quy trình kỹ thuật, bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và trang bị, góp phần to lớn vào sự phát triển kinh tế xã hội, tạo tâm lý cho đoàn thể chính trị xã hội và nhân dân trên địa bàn an cư lạc nghiệp”. |