THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 02:35

Đưa chương trình giáo dục giới tính vào lớp 1 là phù hợp

 

Học về giới tính bằng tài liệu “ngoài luồng

"Chúng em hầu như không được học bài giảng về giới tính đúng nghĩa. Chương cuối môn Sinh học năm lớp 8 có phần về bộ phận sinh dục nhưng các bạn toàn cười đùa, còn cô giáo cũng ngại nên chẳng nói nhiều. Đến khi xem phim trên mạng, em mới hình dung rõ thế nào là quan hệ tình dục", Hải Anh, học sinh một trường THPT ở Hà Nội, chia sẻ.

Câu chuyện tò mò tìm hiểu giới tính qua kênh "ngoài luồng" không chỉ xảy ra với Hải Anh. Là chủ tịch Hội đồng Trẻ em TP. Hồ Chí Minh, Mai Hải Yến, lớp 9 trường THCS Đoàn Kết, TP. Hồ Chí Minh có điều kiện trao đổi với học sinh về nhiều vấn đề học đường, trong đó có giáo dục giới tính ở lứa tuổi thiếu niên. 

 

Câu chuyện giáo dục giới tính ở Việt Nam vẫn gây nhiều trăn trở khi đa phần học sinh sử dụng kênh "ngoài luồng" để tìm hiểu.


Hải Yến xác nhận tình trạng học sinh quan hệ tình dục sớm, nhưng vì vấn đề nhạy cảm nên ít bạn chủ động bày tỏ với gia đình, người thân. "Em cũng tìm hiểu một số bạn, đa phần vì tò mò nên thường vào trang web có nội dung xấu xem. Từ đó, một số bạn quan hệ tình dục sớm và không biết cách phòng tránh, bảo vệ bản thân", Hải Yến nói. Nữ sinh này cho rằng hiện nay, nhiều người lớn không chia sẻ, trao đổi, chỉ biết phán xét hành vi quan hệ tình dục sớm của thanh thiếu niên. Không ít phụ huynh vội vã kết luận con em mình "hư hỏng" khi quan hệ tình dục, rồi chửi bới, đánh đập. Họ quên rằng việc trò chuyện hàng ngày, cung cấp kiến thức phổ thông để phòng tránh rất quan trọng.

"Em nghĩ học sinh tò mò về giới tính là hết sức bình thường. Dĩ nhiên, các bạn chưa suy nghĩ thấu đáo, quan hệ sớm là điều không nên. Nhưng cá nhân em không dựa vào việc đó mà đánh giá bạn đó là hư hay ngoan. Em nghĩ thay vì mắng mỏ và phán xét, gia đình phải quan tâm đến tâm lý con em mình. Nhà trường cũng nên có nhiều buổi học về giới tính, định hướng cho học sinh suy nghĩ tích cực, đúng đắn", Hải Yến nêu quan điểm.

Chị Kim Thanh có con trai đang học lớp 8 tại Hà Nội cho biết, bản thân rất bối rối khi lần đầu phát hiện con xem phim sex và thủ dâm. "Chồng mình khi biết chuyện đã đánh mắng con khiến hàng xóm cũng nghe thấy. Cậu bé mấy ngày sau chỉ nhốt mình trong phòng", chị Thanh nói.

Theo chị Bích Ngọc, thành viên của hội phụ huynh trường một trường tư thục ở Hà Nội, cha mẹ nên chọn lúc con có vẻ thoải mái để tâm sự trước chuyện của mình ngày xưa bằng tuổi con có người yêu thế nào, cảm giác ra sao (tất nhiên phải cố gắng nói theo chiều hướng tình cảm của con). Con có vẻ muốn nghe thì lúc đó bắt đầu mới vào chủ đề chính. 

“Thú thực, mỗi khi con hỏi về chuyện giới tính thì mình lại ngại ngùng và cố lái câu chuyện của con sang một đề tài khác. Thấy thái độ của mình như vậy, con cũng thôi không dám hỏi han gì thêm nữa”, đó là chia sẻ của chị Thu Hồng và nhiều phụ huynh khác tại Hà Nội.

Cải thiện chất lượng giảng dạy sức khỏe sinh sản

Mới đây, tại Hội thảo phổ biến báo cáo “Rà soát chương trình giáo dục sức khỏe sinh sản và tình dục trong trường THCS và THPT ở Việt Nam” tổ chức tại Hà Nội, bà Quách Thu Trang, tư vấn độc lập của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc đã thông tin về kết quả báo cáo đánh giá giáo dục sức khỏe sinh sản (SKSS) và sức khỏe tình dục (SKTD) trong trường THCS và THPT. Theo đó, nội dung chương trình giáo dục SKSS và SKTD rộng nhưng không sâu.

 

Nhiều học sinh cho rằng, nhà trường cũng nên có nhiều buổi học về giới tính, định hướng cho học sinh suy nghĩ tích cực, đúng đắn.

 

Đi vào cụ thể, môn Sinh học nói về dậy thì, hiệu quả của mang thai tuổi vị thành niên, nạo phá thai một cách sơ lược, theo duy nhất cách tiếp cận kiêng nhịn tình dục. Trong sách Sinh học không kết nối biện pháp tình dục hay thương thuyết sử dụng biện pháp tránh thai tới quan hệ tình dục. Môn Ngữ văn nhấn mạnh thân phận người phụ nữ thời phong kiến, không có các bình luận về bất bình đẳng trong xã hội hiện tại như thế nào, không liên hệ cuộc sống thực tế của học sinh.

Từ kết quả khảo sát, bà Thu Trang nhận định, có khoảng trống về kiến thức trong sách giáo khoa. Cụ thể là nói ít, nói tránh khi đề cập đến quan hệ tình dục, không cập nhật thông tin điều trị HIV. Trong khi đó lại nói quá tác hại của việc mang thai ngoài ý muốn, nạo phá thai. Đặc biệt, phần lớn kiến thức đưa vào lứa tuổi muộn so với chuẩn quốc tế. Về phương pháp giảng dạy chưa đa dạng và hạn chế tương tác. Giáo viên hầu hết sử dụng các kỹ thuật hỏi - đáp, bài tập nhóm vô cùng ngắn và thuyết trình là chính. Giáo viên thừa nhận lúng túng khi phản hồi câu hỏi của học sinh. Điều đáng nói, chủ đề giảng “nhạy cảm” được tích hợp rải rác trong một số môn và giảng ở nhiều thời điểm trong năm học nên cả giáo viên và học sinh đều không thoải mái. Do không có tài liệu và chưa được tập huấn nên giáo viên chưa tự tin về kiến thức họ đưa ra giảng dạy cho học sinh.

Trước thực tế này, nhóm nghiên cứu khuyến nghị Bộ GD&ĐT đặt mục tiêu đáp ứng chuẩn quốc tế về giáo dục SKTD phù hợp với lức tuổi, bắt đầu từ lớp 1. Đồng thời hướng tới môn học riêng về phát triển cá nhân hoặc giáo dục sức khỏe với trọng tâm về giới và SKTD toàn diện. Về trước mắt, Bộ GD&ĐT cần cải thiện chất lượng nội dung giáo dục SKSS, SKTD trong sách giáo khoa và cập nhật nội dung không còn chính xác. Đặc biệt là cải thiện chất lượng giảng dạy SKSS, SKTD và kỹ năng sống trong tình hình mới.

TS Vũ Thu Hương (giảng viên Trường ĐHSP Hà Nội) cho rằng: “Giáo dục giới tính không thể nói vài lần là hết, mà phải có sự đồng hành của cả xã hội từ lúc trẻ bắt đầu đến trường cho đến khi có đủ kiến thức để tự bảo vệ hoặc chịu trách nhiệm về việc mình làm”.

Còn TS Đinh Thị Kim Thoa, Chủ biên Chương trình hoạt động trải nghiệm cho rằng, việc bắt đầu giáo dục giới tính cho học sinh ở lớp 5 là muộn. Theo TS Thoa, nên đưa chương trình giáo dục giới vào lớp 1 là phù hợp. 

HÒA THANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh