“Lỗ hổng” của việc lơ là giáo dục giới tính
- Sức khỏe
- 16:21 - 18/05/2015
*Thực trạng đáng báo động
Hằng ngày, Trung tâm Tư vấn sức khỏe sinh sản và KHHGĐ (Bệnh viện Phụ sản Trung ương) luôn có những cô cậu học trò đến khám, tư vấn do trót dại. Một cậu vẫn mặc đồng phục học sinh, vừa vỗ về bạn gái vào “giải quyết” vừa luôn mồm nói xin lỗi.
Đôi trẻ này đang học lớp 10, mới yêu nhau được 4 tháng, nhưng cô gái đã có bầu 2 tháng. Lo sợ bố mẹ biết, nên cả hai đến bệnh viện để “giải quyết”. Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Minh, Giám đốc Trung tâm cho biết, ngày nào cũng phải tiếp nhận vài trường hợp các em gái tuổi vị thành niên tới xin “giải quyết”, nhiều em ở độ tuổi 13 - 18 đã có thai.
Theo các chuyên gia, trẻ vị thành niên đang có nhu cầu quan hệ tình dục sớm hơn, nhưng lại thiếu những kiến thức về tình dục và sức khỏe sinh sản, nên nhiều trẻ đã "dính bầu" trong âu lo, hoảng hốt.
Điều tra quốc gia về “Vị thành niên và thanh niên Việt Nam” lần thứ 2 cho thấy, có tới 36% thanh, thiếu niên ở nhóm tuổi từ 14 - 17 đã quan hệ tình dục.
Cá biệt, có những em 10 - 12 tuổi đã có quan hệ tình dục và hoàn toàn tự nguyện. Đặc biệt, có 8,4% phụ nữ hoạt động tình dục ở độ tuổi từ 15 - 24 cho biết đã ít nhất một lần nạo phá thai. Số liệu của Tổng cục Dân số-KHHGĐ(Bộ Y tế) cho biết, tỉ lệ trẻ vị thành niên, thanh niên nạo phá thai đang chiếm hơn 20% trong các trường hợp nạo phá thai.
Ảnh minh họa.
Độ tuổi quan hệ tình dục đang trẻ hóa - đây là một thực tế mà người lớn phải thừa nhận.Nạo phá thai ở lứa tuổi này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, bởi cơ quan sinh dục chưa phát triển đầy đủ, nên thường có biến chứng nhiều hơn. Việc phá thai để lại nhiều hậu quả về thể xác như chảy nhiều máu, thủng tử cung, nhiễm khuẩn dẫn đến dính vòi trứng gây vô sinh hoặc chức năng sinh sản bị ảnh hưởng, sau này dễ sẩy thai liên tiếp...
Theo BS Nguyễn Thị Hồng Minh, hiện nay, hơn 1/3 thanh niên Việt Nam chưa được tiếp cận với các biện pháp tránh thai an toàn và đặc biệt là chưa biết cách xử trí khi mang thai ngoài ý muốn. Có đến 90,3% các em biết nguy cơ mang thai khi quan hệ tình dục, nhưng có tới hơn 80% số các em không dùng biện pháp tránh thai nào. Nguy hiểm hơn, có em gái chỉ nghĩ đơn giản nếu có thai, thì đi phá.
*Thiếu kiến thức về tình dục an toàn
Tình trạng học sinh THCS, THPT yêu sớm, phá thai là chuyện hiện khá phổ biến. Trong khi đó, nội dung giáo dục sức khỏe sinh sản, giới tính đã được lồng ghép trong các môn giáo dục thể chất và y tế trường học, nhưng do tâm lý ngại ngùng, cho là “chuyện tế nhị của cả thầy và trò”, nên chỉ được giảng dạy qua loa. Hậu quả là trẻ đã không có kiến thức để yêu, để quan hệ tình dục an toàn.
Thạc sĩ, bác sĩ Phan Bích Thuỷ, cố vấn cao cấp về đào tạo và dịch vụ (Tổ chức Concept Foundation) cho rằng, vấn đề đặt ra ở đây đối với nhà trường và các bậc phụ huynh là sự phát triển về thể chất, tâm sinh lý ngày càng sớm của các em đòi hỏi sự định hướng và trang bị đầy đủ kiến thức về giới tính.
Thế nhưng, tâm lý người phương Đông và những định kiến xã hội khiến hầu hết người lớn e ngại, không nhìn thẳng vào những vấn đề liên quan đến tình dục. Việc giáo dục giới tính cho trẻ em rất quan trọng, các bậc cha mẹ rất cần phải có kiến thức để giáo dục và hướng dẫn cho các cháu về cách quan hệ ứng xử tốt nhất trong vấn đề giới tính.
Thế nhưng, những bậc phụ huynh như thế không nhiều, nhiều người chưa coi việc trang bị kiến thức về sức khỏe sinh sản, an toàn tình dục cho con cái là quan trọng. Nếu có chăng chỉ là thực tế xã hội đòi hỏi sự vào cuộc của gia đình và nhà trường, nhưng dường như cả gia đình và nhà trường hiện vẫn né tránh khi con trẻ hỏi 'chuyện người lớn'.
Hiện nay, trong chương trình giáo dục phổ thông, mãi khi học đến lớp 8, học sinh mới bắt đầu được tiếp cận về giáo dục giới tính trong bài về giới thiệu cơ thể người (môn sinh vật). Tuy nhiên, cũng chỉ với vài thông tin sơ lược nhưng nhiều khi cô giáo cũng không dám đi thẳng vào vấn đề. Trong khi đó, không ít học sinh tiểu học (lớp 4, lớp 5) hiện nay đã có hiện tượng dậy thì.
Những bài học như thế liệu có hiệu quả hay không khi các em luôn phải đối mặt với những phức tạp của cuộc sống, không loại trừ những rủi ro do thiếu kiến thức cơ bản về giới tính.
Rõ ràng, vấn đề giáo dục giới tính hiện nay rất cấp thiết, cần được phổ biến và đưa vào giáo dục trong các nhà trường hơn nào hết. Tuy nhiên, bắt đầu từ đâu, mức độ và liều lượng thế nào để trang bị kiến thức cho các em một cách hiệu quả nhất thì vẫn còn là một dấu hỏi lớn.
Cần có sự vào cuộc của hệ thống giáo dục, các chuyên gia tâm lý đầu ngành nhằm xây dựng một chương trình phù hợp để đưa vào cộng đồng nói chung và chương trình giáo dục cho các em học sinh nói riêng.