CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:51

Thầy cô ngượng "đỏ mặt” khi giáo dục giới tính cho học sinh

 

Trao đổi trong buổi tọa đàm “Giáo dục giới tính cho trẻ: Bắt đầu từ khi nào là sớm” được tổ chức mới đây, các chuyên gia đã đưa ra bức tranh về vấn đề giáo dục giới tính ở Việt Nam những năm gần đây.
Theo con số thống kê của Tổng cục dân số, kế hoạch hóa gia đình, vào năm 2015, mỗi năm cả nước vẫn còn gần 6.000 ca nạo phá thai tuổi vị thành niên. Mặc dù tỷ lệ phá thai ở Việt Nam những năm gần đây giảm nhưng tỷ lệ nạo phá thai ở trẻ vị thành niên, thanh niên lại có dấu hiệu tăng, chiếm hơn 20% các trường hợp nạo phá thai. Điều đáng nói ở đây là tỷ lệ trẻ em gái từ 15 tuổi đến 19 tuổi có chồng là 9,6%, cao gấp 3 lần tỷ lệ nam giới trẻ lấy vợ. Con số về trẻ em gái kết hôn trong độ tuổi từ 15-19 tuổi cũng tăng liên tục trong 5 năm trở lại đây.
Việc nạo phá thai ở trẻ vị thành niên ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý, sức khỏe sinh sản của trẻ em gái, có nguy cơ tước đi quyền làm mẹ của các em trong tương lai. Song nhiều chuyên gia cho rằng việc giáo dục giới tính cho trẻ em hiện nay chưa được nhà trường và gia đình nhìn nhận một cách thẳng thắn.

Người lớn chưa dám nhìn thẳng sự thật

 Thầy Vũ Khắc Sáng, Hiệu trưởng trường THPT Kim Thành II, Hải Dương chia sẻ, trong suốt 25 năm giảng dạy, năm nào cũng chứng kiến những trường hợp học sinh phải nghỉ học kết hôn do lỡ mang bầu, nạo phá thai, sinh con ngoài ý muốn.

 

thay co nguong do mat khi giao duc gioi tinh cho hoc sinh hinh 1Thầy Vũ Khắc Sáng, Hiệu trưởng trường THPT Kim Thành II.

 

Theo thầy Sáng, rơi vào các trường hợp trên, các em sẽ phải chịu tác động rất lớn, đặc biệt là các em gái. Nhiều em phải nghỉ học về nhà lấy chồng, sinh con khi còn quá trẻ. Tâm lý bị ảnh hưởng, “dù đã có những chia sẻ nhiều hơn từ phía bạn bè, nhưng đôi khi các em vẫn phải chịu đựng ánh mắt bị kì thị, xa lánh”, thầy Sáng tâm sự.
Thầy Sáng cho biết, hiện nay trong chương trình học, vấn đề về giáo dục giới tính và tình dục chưa được đưa thành một chương trình riêng, vẫn lồng ghép trong các bộ môn như Sinh học, Giáo dục công dân. Thực tế, có những giáo viên khi nói về vấn đề này với học sinh vẫn còn “đỏ mặt”. Thầy Sáng cho hay, đến nay, hầu hết giáo viên chưa được tham gia các khóa tập huấn chuyên sâu về vấn đề này, nếu có cũng vẫn nặng tính hình thức. Do vậy khó tránh khỏi kỹ năng truyền đạt còn thiếu tự nhiên. Hiệu trưởng trường THPT Kim Thành II khuyến nghị nên có những khóa học, thậm chí nên cấp chứng chỉ cho giáo viên về giáo dục giới tính như với Ngoại ngữ và Tin học.

Chia sẻ về vấn đề này, TS tâm lý học Nguyễn Thành Nam, giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng không nên dồn trách nhiệm giáo dục giới tính lên vai thầy cô, trong khi vai trò thực sự lại thuộc về bố mẹ, gia đình.

Giáo dục giới tính, tình dục cho trẻ ở Việt Nam chưa thực sự đi đúng hướng. Trong khi các em cần những hiểu biết cơ bản về giới tính, thậm chí là sức khỏe sinh sản để phát triển một cách toàn diện và an toàn thì nhiều bậc phụ huynh lại lảng tránh những câu hỏi của con.
TS Nam lấy ví dụ: “Nhiều trường hợp, con hỏi bố mẹ, con được sinh ra từ đâu, mẹ lại trả lời rằng con được sinh ra từ nách, hay nhặt ở chỗ này chỗ kia về nuôi. Ít nhất trong trường hợp này cũng cần nói con được sinh ra từ bụng mẹ, hay nếu trẻ lớn hơn có thể nói con được sinh ra từ tử cung của mẹ”.
thay co nguong do mat khi giao duc gioi tinh cho hoc sinh hinh 2
TS Nguyễn Thành Nam cho rằng phụ huynh không nên nói tránh về vấn đề giới tính, tình dục mà nên nói đúng khoa học với các con.

 

Theo TS Nguyễn Thành Nam, ba tuổi, trẻ đã có xu hướng khám phá bộ phận sinh dục. Lớn hơn một chút trẻ sẽ có nhu cầu tìm hiểu về giới tính, tình dục. “Đây là lúc bố mẹ có thể dạy cho con. Nếu không nói thì thôi, nếu nói bố mẹ phải nói chính xác với kiến thức khoa học để khi lớn lên các kiến thức được xâu chuỗi lại”, TS Nam trình bày quan điểm.

 Bên cạnh đó, chuyên gia này còn cho rằng sự nhầm lẫn giữa giới tính và tình dục khiến nhiều bậc phụ huynh né tránh khi con đặt câu hỏi. Trên thực tế đây là hai vấn đề không hề đồng nhất với nhau. Việc giáo dục giới tính cho trẻ nên bắt đầu từ khi còn học mầm non, giúp trẻ nhận thức được các bộ phận trên cơ thể… còn giáo dục về tình dục nên thực hiện ở một độ tuổi lớn hơn khoảng 12-13 tuổi.

TS Nam cho biết, đến độ tuổi dậy thì, nhu cầu về hấp dẫn giới tính là một bản năng tự nhiên của con người, nên thay vì cấm đoán, tránh đề cập đến vấn đề tình yêu, tình dục, cha mẹ nên có sự quan tâm gần gũi, để cùng chia sẻ với con.
Giáo dục giới tính, bố mẹ nên làm thầy
Theo ông Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em, ở nước ngoài giáo dục giới tính được thực hiện từ rất sớm giúp các em nhận biết cơ thể, giới, kỹ năng bảo vệ mình, cách tôn trọng đối phương và cách phòng chống bệnh lây truyền qua đường tình dục. Tại Việt Nam, đến tận lớp 8 học sinh mới được học về những vấn đề này ở trường, là quá muộn.
thay co nguong do mat khi giao duc gioi tinh cho hoc sinh hinh 3Ông Nguyễn Trọng An cho rằng nên bắt đầu giáo dục giới tính cho trẻ từ khi còn học mầm non.

 

Ông An cũng cho rằng các bậc phụ huynh nên bắt đầu giáo dục giới tính cho trẻ ngay từ khi còn học mầm non, càng sớm càng tốt, giúp trẻ có những nhận thức đúng đắn, hình thành nhân cách đúng hướng và biết cách bảo vệ bản thân.

 Chia sẻ về phương pháp giáo dục, từng có nhiều năm học tập và nghiên cứu tại Mỹ, TS tâm lý học Nguyễn Thành Nam cho biết, ở nước này trẻ được giáo dục một cách thẳng thắn về vấn đề giới tính, tình dục. Bằng cách chiếu hình một người thật, khỏa thân, có che mặt trên màn hình máy chiếu, giáo viên sẽ giải thích cho học sinh hiểu về từng bộ phận trên cơ thể, trong đó có cả các cơ quan sinh dục. Với phương pháp này, trẻ em không còn ngần ngại khi đề cập tới giới tính hay thậm chí là tình dục.

TS Nam cho biết thêm, ở nước ngoài việc giáo dục giới tính được bắt đầu từ gia đình với 2 chương trình. Một là làm thế nào để trì hoãn độ tuổi quan hệ lần đầu. Một quan điểm khác là trì hoãn tình dục lần đầu chỉ là một giải pháp, quan trọng hơn là hướng dẫn tình dục an toàn cho trẻ để có thể tự bảo vệ chính bản thân mình.
Chuyên gia tâm lý khuyên các bậc phụ huynh cần chủ động trang bị cho mình những kiến thức về giới tính cũng như dành thời gian để theo dõi sự phát triển và giáo dục con cái đúng thời điểm.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành công văn gửi các Sở GD&ĐT, Cục Nhà trường, Ban Phụ nữ Quân đội (Bộ Quốc phòng) hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm...
3 năm trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh