THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 12:10

Dự thảo xác định chỉ tiêu tuyển sinh: Vì sao không đưa tiêu chí có việc

 

Bộ vẫn kiểm soát tuyển sinh của các trường ĐH bằng thủ tục hành chính. Ảnh: Như Ý.

 

So với Thông tư 32 hiện hành, dự thảo mới đã bỏ một tiêu chí xác định chỉ tiêu tuyển sinh, đó là tổng quy mô đào tạo chính quy của các trường ĐH. Thực tế, tiêu chí này từ khi thông tư  32 được ban hành năm 2015 đến nay, chưa mùa tuyển sinh nào được áp dụng do các trường ĐH phản đối. Hai tiêu chí còn lại là tiêu chí giảng viên quy đổi và diện tích sàn xây dựng  đã được Bộ GD&ĐT đưa vào một số nội dung mới.

Điểm mới thứ nhất là giảm tỷ trọng quy đổi đối với giảng viên có trình độ ĐH ở các cơ sở giáo dục ĐH từ 0,5 xuống 0,3. Điểm mới thứ hai, đó là giảng viên thỉnh giảng được tính vào quy đổi xác định chỉ tiêu. Cụ thể, đối với khối ngành I (Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên), với các ngành đào tạo giáo viên, không tính giảng viên thỉnh giảng để xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Đối với các ngành khác tính tối đa bằng 5% tổng số giảng viên cơ hữu quy đổi. Đối với nhóm ngành II (Nghệ thuật) tính tối đa bằng 30% tổng giảng viên cơ hữu quy đổi. Các khối ngành còn lại tính tối đa bằng 5% tổng số giảng viên cơ hữu quy đổi.  Đối với giảng viên tham gia giảng dạy ở nhiều khối ngành thì chỉ tính vào 1 khối ngành để xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Mỗi giảng viên chỉ được tính quy đổi một lần ở mức quy đổi cao nhất. 

Thứ hai là số sinh viên chính quy/1 giảng viên quy đổi chỉ có 1 nhóm ngành được điều chỉnh so với thông tư 32 hiện hành. Đó là với nhóm ngành I giảm từ 25 sinh viên/1 giảng viên xuống còn 20 sinh viên/giảng viên.

Một điểm mới nữa của dự thảo lần này đó là đưa tiêu chí kiểm định vào để kiểm soát chỉ tiêu tuyển sinh. Với các cơ sở giáo dục chưa được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng thì không được tăng chỉ tiêu so với năm trước liền kề. Đặc biệt, dự thảo lần này, Bộ GD&ĐT đã dành hẳn  điều  7 để đưa ra nguyên tắc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đối với các ngành đào tạo giáo viên. Trong đó căn cứ để xác định chỉ tiêu của ngành này là nhu cầu tuyển dụng giáo viên theo trình độ, ngành đào tạo và địa chỉ sử dụng nhân lực sau khi đào tạo của địa phương, của các tổ chức giáo dục, có các minh chứng kèm theo.

Chưa rõ ràng

Nói về dự thảo xác định chỉ tiêu tuyển sinh lần này, TS. Lê Viết Khuyến,  Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho rằng  Bộ cần xác định lại khái niệm giảng viên thỉnh giảng và giảng viên cơ hữu. Xu  hướng chung  hiện nay bỏ biên chế nhà nước, thực hiện theo cơ chế hợp đồng. Vậy giảng viên cơ hữu là hợp đồng ngắn hạn hay dài hạn? Vì chưa rõ hai khái niệm này, nên những trường chạy theo xu hướng thương mại  có thể trục lợi từ sự chưa rõ ràng này. “Thậm chí, Bộ cũng phải làm rõ hơn hợp đồng như thế nào được gọi là cơ hữu, hợp đồng như thế nào là thỉnh giảng.  Nhiều trường mời người này người khác về giảng dạy nhưng thực ra chỉ trên danh nghĩa hoặc có ký hợp đồng để có tên. Nhưng  những người đó không phải là đội ngũ cơ hữu” - TS. Lê Viết Khuyến khẳng định. 

Ông cũng cho biết ở nước ngoài, các trường ĐH có quy định rất rõ về vấn đề này. Giảng viên làm việc toàn thời gian cho cơ sở đào tạo thì mới gọi là cơ hữu.  Còn chỉ  hợp đồng dạy một môn học như ở Việt Nam thì họ không gọi là cơ hữu.  Vì giảng viên cơ hữu phải tham gia mọi hoạt động của nhà trường. Giảng viên thỉnh giảng chỉ tham gia vào một hoạt động nào đó như giảng dạy hay hướng dẫn thực hành.... 

TS. Lê Viết Khuyến khẳng định một số trường ĐH hiện nay đang  ký hợp đồng danh nghĩa.  Vì quy định của Bộ GD&ĐT, giảng viên trình độ thạc sĩ trở lên mới được đứng lớp nên mới có hiện tượng giáo sư ở Hà Nội nhưng ký hợp đồng trong TPHCM, thi thoảng vào gặp mặt.

Vấn đề thứ hai mà TS. Lê Viết Khuyến băn khoăn là tại sao Bộ GD&ĐT không đưa tiêu chí sinh viên ra trường có việc làm vào xác định chỉ tiêu của các trường ĐH. “Chỉ cần tiêu chí thực tế này là đã nói lên được chất lượng của một trường ĐH. Nếu bỏ qua tiêu chí này, các trường sẽ đào tạo tràn lan vượt quá nhu cầu thực tế của xã hội” – ông Khuyến cho hay. Chính vì vậy, tiêu chí sàn xây dựng giảng viên quy đổi là cách làm cổ điển, lạc hậu. Vì hiện nay, các trường đang đào tạo tín chỉ, sinh viên học cả ngày ở trường. Hơn nữa, các trường đang tiến tới đào tạo online thì việc xác định mỗi sinh viên bao nhiêu mét vuông xây dựng không còn phù hợp với thực tế.

Một chuyên gia về giáo dục cũng khẳng định, tiêu chí Bộ đưa ra vẫn lạc hậu. Đặc biệt trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển, tiêu chí sàn xây dựng để xác định chỉ tiêu là không phù hợp vì hạn chế sự sáng tạo của các trường. Quy định quy đổi  25 sinh viên/giảng viên là tiêu chí chưa hợp lý, tạo điều kiện cho các trường đối phó.  “Có thể thấy, ở bản dự thảo này, những tiêu chí Bộ đưa ra đều hạn chế quyền tự chủ của các trường. Có một cách mà Bộ có thể kiểm soát được tất cả các vấn đề này đó là sự minh bạch thông tin, các trường phải công khai thông tin chính xác đến người học. Người học có quyền lựa chọn trường này trường kia cho mình” - vị chuyên gia cho hay.

 

“Chỉ cần tiêu chí thực tế này là đã nói lên được chất lượng của một trường ĐH. Nếu bỏ qua tiêu chí này, các trường sẽ đào tạo tràn lan vượt quá nhu cầu thực tế của xã hội” - TS. Lê Viết Khuyến nói về việc Bộ GD&ĐT không đưa tiêu chí sinh viên ra trường có việc làm vào xác định chỉ tiêu tuyển sinh của các trường ĐH.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh