THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:11

Tuyển sinh ĐH, CĐ 2018: Cần cập nhật xu hướng nghề từ phổ thông

 

 Nâng cao chất lượng đào tạo nghề góp phần làm tốt công tác phân luồng học.

Thêm nhiều ngành đào tạo mới

Bộ GD&ĐT vừa ban hành Thông tư về danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV trình độ đại học (ĐH), có thêm hơn 100 ngành đào tạo mới, tăng khoảng 40% so với danh mục năm 2010.

Theo đó, tại kỳ tuyển sinh ĐH 2018, các thí sinh sẽ có thêm nhiều cơ hội lựa chọn ngành đăng ký xét tuyển. PGS-TS Bùi Đức Triệu, trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội cho biết, dự kiến năm nay các chuyên ngành trước đây của trường đã đào tạo sẽ được nâng cấp lên thành ngành, nói cách khác là tách ra thành những ngành độc lập. Nhà trường cũng dự kiến mở một số ngành mới là logistics và quản lý chuỗi cung ứng, thương mại điện tử, các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh như quản trị khởi nghiệp, định phí bảo hiểm và quản trị rủi ro.

PGS-TS Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, về cơ bản, các ngành đào tạo của trường không có biến động, nhà trường chỉ có 2 điều chỉnh nhỏ. Thứ nhất, ngành cơ khí động lực trước đây chưa xuất hiện bảng mã danh mục ngành cấp IV của Bộ GD&ĐT thì năm nay đã có. Thứ hai, do cơ chế đặc thù được Thủ tướng phê duyệt đối với các trường đào tạo công nghệ thông tin (CNTT), cần hết sức nỗ lực để gia tăng số nhân lực đào tạo CNTT với toàn bộ nền kinh tế quốc dân trong thời gian tới. ĐH Bách khoa sẽ cân nhắc việc gia tăng thêm một số chỉ tiêu các lĩnh vực CNTT.

Năm 2018, ĐH Thủy lợi cũng tuyển thêm 4 ngành: Kỹ thuật cơ điện tử, công nghệ chế tạo máy, kỹ thuật điều khiển tự động hóa và công nghệ sinh học. “Dựa vào số sinh viên nhập học năm 2017, ĐH Thủy lợi đã điều chỉnh lại chỉ tiêu tuyển sinh, giảm một số ngành truyền thống thuộc khối xây dựng và chuyển chỉ tiêu sang những ngành mới phù hợp hơn với nhu cầu của xã hội”, ông Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Thủy lợi cho hay.

Chia sẻ về nhu cầu nhân lực ngành học logistics, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu lao động và thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh cho biết, từ nay đến năm 2020, các nhóm ngành kinh tế trong đó có logistics ở TP. Hồ Chí Minh có nhu cầu đến 25.000 lao động. “Logistics không phải là một ngành mới lạ tại Việt Nam, bởi hiện có rất nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực này. Thế nhưng nguồn nhân lực logistics hiện chưa đáp ứng đủ yêu cầu. Ngành logistics sẽ tiếp tục cần nhiều nhân lực trong những năm tới. Mức thu nhập của ngành này cũng cao hơn mặt bằng chung song nguồn cung cấp lao động mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu”, ông Tuấn nhận định.

Học sinh cần định hướng nghề nghiệp để chọn trường phù hợp

Theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Nhiếp, trong xu hướng toàn cầu hóa, đặc biệt là tác động của cách mạng công nghiệp 4.0, xã hội đang có sự dịch chuyển cơ cấu ngành nghề. Học sinh phổ thông là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất của sự dịch chuyển này. Vậy nên việc định hướng sớm trong học tập để lựa chọn nghề nghiệp phù hợp là rất cần thiết trong nhà trường.

Ông Phùng Đức Việt, Giám đốc Công ty dịch vụ tư vấn POCD cho rằng, phụ huynh học sinh cần được cập nhật bức tranh toàn cảnh về thị trường lao động Việt Nam hiện nay và trong 5 năm tới. Theo ông Phùng Đức Việt, ngành nghề có xu hướng dịch chuyển tập trung vào một số lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, ngân hàng, tài chính...

Trao đổi với các bậc phụ huynh, bà Nguyễn Thị Nhiếp cho rằng, những ngành học mới hứa hẹn sẽ là những công việc “hot” trong vòng 4 - 5 năm tới được các trường ĐH đón đầu mở ngành tuyển sinh và coi đó là một trong những chiến lược hút sinh viên mùa thi ĐH, CĐ 2018. “Các em cần hiểu mình có năng lực gì, làm được gì trong tương lai. Sau đó soi chiếu lại với hệ thống các ngành đào tạo trong các trường ĐH để lựa chọn trường, ngành đào tạo phù hợp về lĩnh vực đào tạo và yêu cầu đầu vào”, bà Nhiếp nhấn mạnh.

HÒA THANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh