Đồng Tháp phấn đấu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 69%
- Giáo dục nghề nghiệp
- 22:28 - 31/01/2017
Triển khai thực hiện công việc, tỉnh đã đưa công tác đào tạo nghề vào nhiệm vụ trọng tâm, chương trình hành động của địa phương, của từng ngành, đơn vị, lồng ghép vào các chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó là việc đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để thực hiện đào tạo nghề đạt hiệu quả cao, gắn với nhu cầu xã hội, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động.
Nghề trồng hoa mang lại hiệu quả kinh tế cao ở Đồng Tháp
Hoạt động tuyên truyền cũng được thực hiện thường xuyên rộng rãi trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về vai trò của đào tạo nghề cho lao động là nhằm trang bị những kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, trình độ cho lao động để tìm kiếm việc làm hoặc tự tạo việc làm ổn định, lâu dài phù hợp với bản thân, tăng thu nhập, nâng cao mức sống dân cư. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác dạy nghề được các cấp, các ngành quan tâm, chú trọng triển khai với nhiều hình thức phong phú. Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh và các huyện, thị thành phố đã phát trên 1.500 tin bài tuyên truyền chủ trương chính sách, đường lối của Đảng, Nhà nước về công tác dạy nghề, có 200 tin bài in trên báo, tạp chí địa phương và trên 60 ngàn tờ rơi. Sở Lao động – TB&XH tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, mở lớp tập huấn giới thiệu, phổ biến, ban hành các văn bản liên quan đến chính sách dạy nghề.
Đồng Tháp cũng làm tốt việc thực hiện đổi mới quản lý nhà nước về phát triển nhân lực theo nội dung hướng dẫn của trung ương, kết hợp với tình hình, yêu cầu thực tế của địa phương, đảm bảo đạt kết quả tốt theo mục tiêu đổi mới của cả nước.Thực hiện tốt hoạt động thu thập, xây dựng hệ thống thông tin về cung - cầu nhân lực trên địa bàn tỉnh làm cơ sở thực hiện quy hoạch ban hành chính sách, cơ chế tạo nguồn nhân lực, xây dựng hệ thống dữ liệu về thị trường lao động và khả năng đào tạo gắn với công tác quản lý, dự báo, cân đối nhu cầu, đào tạo nhân lực và hỗ trợ việc làm cho lao động sau đào tạo giữa các ngành, địa phương, cơ sở đào tạo và các tổ chức kinh tế. Định kỳ hàng tháng, Trung tâm dịch vụ việc làm đã phối hợp tổ chức thành công các phiên giao dịch việc làm, qua đó giúp cho các đơn vị dạy nghề, các doanh nghiệp tham dự, tư vấn cho thanh niên, người lao động về học nghề và việc làm.
Nghề đan lát vẫn được duy trì đều đặn
Tính đến nay, toàn tỉnh có 23 cơ sở dạy nghề, trong đó có 10 Trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện được sát nhập vào Trường trung cấp, Trung tâm dạy nghề và hoạt động theo mô hình mới – Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp. Tỉnh cũng không ngừng tăng cường kêu gọi đầu tư và lồng ghép các nguồn vốn đầu tư các dự án theo lộ trình đã đề ra. Đa dạng hoá các hình thức đào tạo nghề, đổi mới nội dung, chương trình dạy nghề theo địa chỉ, ứng dụng có hiệu quả những thành tựu khoa học - kỹ thuật mới, công nghệ - thông tin vào quá trình giảng dạy, đáp ứng tốt nhất yêu cầu của thị trường lao động. Khuyến khích các cơ sở đào tạo nghề đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất, đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, giáo viên.
Kết thúc giai đoạn 2011-2015 tỉnh Đồng Tháp có 102.865 học viên học nghề theo 3 cấp trình độ đào tạo, đạt 102,87% so với kế hoạch 5 năm. Từ kết quả trên đã góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đến cuối năm 2015 lên 55,5% - tăng 15,5% so với đầu kỳ, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 40% - tăng 13,4% so với năm 2010, đạt mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra. Đồng Tháp cũng thực hiện tốt hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn. Trong những năm đầu thực hiện Đề án tỉnh chọn 02 xã của huyện Thanh Bình làm 02 mô hình thí điểm, trồng ớt tại xã Tân Thạnh (nghề nông nghiệp) và đan ghế nhựa tại xã Tân Phú (phi nông nghiệp). Kết quả 2 mô hình này mang lại hiệu quả rất tốt.
Mô hình nuôi heo ở Đồng Tháp
Hiện nay ở Đồng Tháp mạng lưới cơ sở dạy nghề đã được phủ kín đến tận các huyện và với chủ trương tăng cường năng lực đào tạo của các cơ sở đào tạo, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp đã tạo điều kiện tốt cho học sinh vừa học văn hóa kết hợp với học nghề giúp cho công tác tư vấn tuyển sinh học nghề được thuận lới hơn.
Thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển nhân lực, đi đôi với tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển mạng lưới giáo dục - đào tạo, dạy nghề trên địa bàn tỉnh thông qua việc thực hiện tốt các chính sách khuyến khích, ưu đãi về thuế, tín dụng, lãi suất, đất đai, ghi công, khen thưởng... Thực hiện cơ chế lồng ghép, liên thông đối với các chính sách đào tạo nghề, khuyến nông, khuyến ngư và vay vốn tạo việc làm, xuất khẩu lao động ra ngoài Tỉnh; hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề cho các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp sử dụng lao động tại chỗ. Huy động các nguồn lực theo hướng tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm về trang thiết bị dạy nghề cho các trường, trung tâm dạy nghề, trường cao đẳng, đại học có tham gia dạy nghề từ ngân sách Trung ương, địa phương và các nguồn vốn huy động khác. Tăng cường mối liên kết giữa cơ quan quản lý với các cơ sở đào tạo, dạy nghề; mối liên hệ giữa nhà nước, đơn vị sử dụng lao động, người lao động và đơn vị đào tạo. Đào tạo theo yêu cầu của thị trường, nghiên cứu và cải tiến chương trình giảng dạy đảm bảo phù hợp với yêu cầu của thị trường và đảm bảo chất lượng đầu ra. Phối hợp xây dựng, phát triển cơ sở hệ thống dữ liệu về thị trường cung cầu lao động và các cơ sở đào tạo; gắn kết cơ sở đào tạo với doanh nghiệp để có hướng đào tạo theo yêu cầu sử dụng của doanh nghiệp, đảm bảo giải quyết việc làm cho người lao động./.