Quy định mức hỗ trợ đào tạo nghề cho công an, bộ đội xuất ngũ
- Tây Y
- 16:33 - 23/01/2017
Theo đó, kể từ ngày 12/2/2017, các đối tượng nêu trên có nhu cầu đào tạo nghề trình độ sơ cấp đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Điều 15 Nghị định số 61/2015/NĐ-CP mà được cơ quan có thẩm quyền cấp Thẻ đào tạo nghề thì được các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp nhận, tổ chức đào tạo nghề trình độ sơ cấp.
Bộ đội hoàn thành nghĩa vụ nếu có nhu cầu học nghề sẽ được hỗ trợ
Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục sẽ chi hỗ trợ đào tạo theo quy định tại Điều 10 Thông tư số 152/2016/TT-BTC ngày 17/10/2016 của Bộ Tài chính, gồm; Chi tuyển sinh, khai giảng, bế giảng, cấp chứng chỉ; Chi mua tài liệu, văn phòng phẩm, giáo trình, học liệu đào tạo; Chi thù lao giáo viên, người dạy nghề tham gia đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng; Phụ cấp lưu động cho giáo viên, người dạy nghề, cán bộ quản lý đào tạo thường xuyên phải xuống thôn, bản, phum, sóc thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ 15 ngày trở lên trong tháng; Chi mua nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ hoạt động đào tạo; Thuê lớp học, thuê thiết bị giảng dạy chuyên dụng (nếu có); Thuê phương tiện vận chuyển thiết bị giảng dạy đối với trường hợp đào tạo lưu động; Trích khấu hao tài sản cố định phục vụ lớp học theo quy định; Chỉnh sửa, biên soạn lại chương trình, giáo trình (nếu có); Chi cho công tác quản lý lớp học và các chi phí khác.
Các đối tượng theo học sẽ được hỗ trợ với từng hoàn cảnh mỗi người
Theo đó, mức chi hỗ trợ tiền ăn, đi lại theo quy định tại điểm b, c khoản 2 Điều 7 Thông tư số 152/2016/TT-BTC ngày 17/10/2016 của Bộ Tài chính, cụ thể: Mức hỗ trợ tiền ăn là 30.000 đồng/người/ngày thực học; Mức hỗ trợ tiền đi lại là 200.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 15km trở lên; Riêng đối với người khuyết tật và người học cư trú ở xã, thôn, bản thuộc vùng khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ với mức hỗ trợ tiền đi lại là 300.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 5 km trở lên; Ưu tiên các nội dung chi hỗ trợ đào tạo trong giá trị tối đa của Thẻ, giá trị còn lại của Thẻ (nếu có) chi hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại.
Trường hợp tổng chi hỗ trợ đào tạo và chi hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại vượt quá giá trị tối đa của Thẻ thì người học tự chi trả phần kinh phí chênh lệch cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trường hợp tổng chi hỗ trợ đào tạo và chi hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại thấp hơn giá trị tối đa của Thẻ thì ngân sách nhà nước quyết toán số chi thực tế.
Thông tư cũng quy định rõ, trong thời gian đào tạo nghề, nếu thanh niên bỏ học thì cơ sở giáo dục nghề nghiệp lập biên bản hoặc ban hành quyết định và được quyết toán chi phí hỗ trợ đào tạo và hỗ trợ tiền ăn kể từ ngày khai giảng đến ngày thanh niên đó thôi học.
Thông tư 43/2016/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 12/02/2017.