Đồng Tháp: Chung tay chăm sóc Người có công
- Người có công
- 00:05 - 02/02/2017
Phóng viên: Hiện nay 98% gia đình chính sách, người có công ở Đồng Tháp đã có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân cùng nơi cư trú. Xin ông cho biết những thành tích cụ thể trong công tác này?
Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Đồng Tháp Bùi Thành Nhơn
Giám đốc Bùi Thành Nhơn: Tính đến nay Đồng Tháp đã công nhận và giải quyết chế độ được trên 55 ngàn đối tượng thuộc diện gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Trong đó có 21 ngàn đối tượng còn sống và số đang hưởng trợ cấp hàng tháng là trên 13 ngàn đồi tượng.
Những năm qua, các chế độ chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước đối với người có công không ngừng được cải thiện nhằm từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần đối với các thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng. Bên cạnh đó, phong trào toàn dân chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh cũng đạt được những thành tựu to lớn, phát huy được sức mạnh của toàn xã hội tham gia, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng chăm sóc người có công”. Các chế độ chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước đã được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng theo quy định.
Từ những việc làm cụ thể và thiết thực, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Đến nay toàn tỉnh vận động đóng góp quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được trên 137,5 tỷ đồng; xây dựng và sửa chữa 15.287 căn nhà tình nghĩa (xây dựng 11.569 căn, sửa chữa 3.718 căn), với tổng số trên 274 tỷ đồng; hỗ trợ đời sống được 4.967 suất, với tổng số trên 21,4 tỷ đồng. Toàn tỉnh hiện còn sống 118 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng. Tất cả các mẹ đều được các đơn vị và cá nhân nhận phụng dưỡng đến cuối đời, với mức phụng dưỡng hàng tháng từ 500.000 đồng trở lên. Hằng năm, nhân dịp kỷ niệm Ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7) và Tết Nguyên đán, ngoài các đối tượng được tặng quà theo quy định của Trung ương, tỉnh và huyện đã trích ngân sách và vận động các tổ chức, nhà hảo tâm tham gia ủng hộ, thăm hỏi, tặng quà các đối tượng chính sách còn lại, với tổng số trên 8 tỷ đồng.
Phóng viên: Thưa ông, Đồng Tháp còn triển khai những giải pháp gì để không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng?
Giám đốc Bùi Thành Nhơn: Tôn vinh, chăm sóc đời sống mọi mặt cho đối tượng chính sách, người có công là hoạt động được lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo sát sao. Ngành Lao động TB&XH đã triển khai thực hiện nhiệm vụ này không chỉ bằng trách nhiệm mà còn với cả lương tâm, tình cảm trân trọng với những người đã không ngại cống hiến hy sinh sức lực, xương máu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Ngoài giải quyết tốt các chế độ, chính sách, hàng năm, Đồng Tháp còn giải quyết chế độ trợ cấp ưu đãi trong giáo dục-đào tạo cho trên 1.000 lượt học sinh, sinh viên là con của người có công. Cùng với đó, bình quân hàng năm tỉnh đều tổ chức điều dưỡng tập trung ngoài tỉnh và tại gia đình cho trên 4.000 người có công với cách mạng.
Năm 2016, tỉnh tổ chức đưa 24 đoàn người có công đi điều dưỡng ngoài tỉnh, tổng số 1.515 đối tượng, trong đó có 01 đoàn về thăm Thủ đô Hà Nội với 85 người. Ngoài ra, người có công còn được hưởng các chế độ chăm sóc sức khỏe, cải thiện nhà ở, ưu đãi trong giáo dục, đào tạo và dạy nghề, tạo việc làm…
Phóng viên: Xin ông cho biết những kết quả đã đạt được trong hoạt động Tổng rà soát thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công ở Đồng Tháp?
Giám đốc Bùi Thành Nhơn: Để đáng giá đầy đủ, toàn diện việc thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 23/CT-TTg, ngày 27/10/2013 về Tổng rà soát việc thực hiện chính sách ứu đãi đối với người có công với cách mạng. Việc rà soát tập trung vào 7 nhóm đối tượng là liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, người có công giúp đỡ cách mạng, cựu thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến. Tỉnh Đồng Tháp đã hoàn thành chương trình Tổng rà soát với 22.850 người có công với cách mạng trên địa bàn, trong đó có 22.820 đối tượng hưởng đúng chế độ, 04 đối tượng hưởng chưa đầy đủ, 26 đối tượng hưởng sai; đề nghị xác nhận 157 đối tượng. Ngành LĐ-TB&XH đã chủ động phối hợp với các ngành có liên quan và xin ý kiến hướng dẫn của cơ quan cấp trên đã tháo gỡ giải quyết công nhận được 15 trường hợp; hoàn chỉnh xong hồ sơ gửi các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết 53 trường hợp; hướng dẫn người có công và thân nhân tiếp tục lập hồ sơ 24 trường hợp; còn lại 65 trường hợp không đủ điều kiện giải quyết chế độ theo quy định.
Phóng viên: Thưa ông, những hoạt động trọng tâm mà Ngành sẽ tập trung triển khai thực hiện trong thời gian tới về chính sách người có công là gì?
Giám đốc: Bùi Thành Nhơn: Phát huy những thành tích đã đạt được, thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH sẽ tập trung tổ chức thực hiện hoàn thành công tác điều tra thông tin về liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ theo kế hoạch của Cục Người có công. Phối hợp tổ chức lễ cải táng hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Campuchia vào Nghĩa trang liệt sĩ Tam Nông và Nghĩa trang liệt sĩ huyện Tháp Mười; viếng Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh; tổ chức cúng giỗ các anh hùng liệt sĩ tại các Nghĩa trang liệt sĩ và Đền thờ liệt sĩ trong các dịp lễ, tết.
Tỉnh Đồng Tháp tiếp tục tăng cường xã hội hóa, đẩy mạnh phong trào chăm sóc người có công trên địa bàn tỉnh để trở thành phong trào sâu rộng, vận động toàn dân tham gia các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa” nhằm huy động các nguồn lực từ cộng đồng xã hội cùng Nhà nước quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần đối với người có công. Tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu đến cuối năm, không còn hộ chính sách nghèo, 100% hộ gia đình chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú; 100% xã, phường, thị trấn được công nhận làm tốt công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ; không còn hộ gia đình chính sách ở nhà tạm, bợ; cơ bản hoàn thành việc xây dựng nhà tình nghĩa. Tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt hơn các phong trào “đền ơn đáp nghĩa” trên từng địa bàn, đưa phong trào chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công trở thành các hoạt động thường xuyên của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các ngành, các địa phương, các nhà hảo tâm và toàn thể nhân dân trong tỉnh.
Đối với những người có công chưa được hưởng đầy đủ chính sách, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với các cơ quan tổ chức thực hiện đầy đủ chính sách của nhà nước đối với đối tượng. Đối với những trường hợp kê khai là người có công nhưng chưa được xác nhận, chưa được hưởng chính sách ưu đãi, các cơ quan chức năng, căn cứ vào tiêu chuẩn, điều kiện xác nhận của từng đối tượng để đối chiếu với các trường hợp kê khai chưa được hưởng chính sách.
Xin cảm ơn ông!