THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 12:21

“Điều tôi lo nhất là chất lượng lao động, chất lượng việc làm”

Trước câu hỏi của đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh về tình trạng  sinh viên, thanh niên ra trường rất nhiều người thất nghiệp, chưa tìm được việc làm, suy nghĩ, trách nhiệm của Bộ trưởng về việc đó như thế nào?

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, tình trạng sinh viên ra trường thất nghiệp, tỉ lệ này ngày càng tăng là hệ lụy kéo dài. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng chúng ta phải nhìn nhận khách quan, một năm số lao động mới vào thị trường và sinh viên tốt nghiệp là 700.000 người số sinh viên thất nghiệp là 200.000 người. Toàn cầu hiện nay thất nghiệp 13%, riêng khu vực châu Á - Thái Bình Dương có 11%  thất nghiệp.

 

 

“So với tỷ lệ chung, tôi cho rằng chúng ta cũng không cần quá lo lắng về vấn đề này. Cái mà tôi lo lắng nhất là chất lượng lao động, chất lượng việc làm. Về giải pháp, tôi cho rằng phải phát triển doanh nghiệp, tạo ra nhiều việc làm thanh niên. Nâng cao chất lượng dự báo thị trường lao động, làm cơ sở để đào tào, cung cấp nguồn nhân lực. Nếu không làm tốt công tác dự báo thì chúng ta đang đào đạo cái mà nhà trường có chứ không phải thị trường cần. Ngoài ra, Bộ sẽ tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng nghề nghiệp, chất lượng lao động. Có đề án giúp sinh viên khởi nghiệp. Chúng tôi sẽ tuyên truyền để thanh niên không coi vào đại học là con đường duy nhất trong lập thân, lập nghiệp”- Bộ trưởng thông tin.

 

Đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh chất vấn Bộ trưởng về tình trạng sinh viên thất nghiệp

 

Đại biểu Trương Thị Bích Hạnh chất vấn về giải pháp để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn lực từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp nhằm đảm bảo việc làm ổn định cho người lao động?

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, hiện Quỹ bảo hiểm thất nghiệp kết dư 67.000 tỷ đồng. 10 năm qua quỹ này đã hỗ trợ 3,6 triệu lượt người thất nghiệp; 3,2 nghìn người học nghề. Doanh nghiệp muốn được hỗ trợ từ quỹ này thì phải đảm bảo 3 điều kiện: Đất nước suy giảm kinh tế; thay đổi cơ cấu doanh nghiệp; lý do bất khả kháng. Bộ trưởng cho biết, tới đây Bộ sẽ đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho giảm nhẹ các điều kiện để doanh nghiệp có thể cận được vốn từ quỹ này. Bộ cũng sẽ hoàn thiện chính sách bảo hiểm xã hội, nhất là bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp theo thông lệ các nước đang áp dụng.

Đại biểu Triệu Thanh Dung (Cao Bằng) đặt câu hỏi: Việt Nam là nước nông nghiệp, trên 64% dân số sống ở nông thôn, 68% lao động làm trong lĩnh việc nông nghiệp, lĩnh vực này chỉ mang tính thời vụ nên tình trạng thiếu việc làm ở nông thôn rất cao. Giải pháp giải quyết tình trạng thiếu việc làm của lao động ở nông thôn?

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, khu vực nông thôn lực lượng lao động lớn, nhưng tỷ lệ thiếu việc làm nhiều. Hiện nay, việc thực hiện tổng thể đề án tái cơ cấu nền kinh thế, trong đó tái cơ cấu vùng nông thôn rất quan trọng.

Theo Bộ trưởng, phải thực hiện tốt mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, chuyển dịch cơ cấu xây dựng công nghệ cao. Muốn người lao động không phải dịch chuyển lên thành phố thì phải tạo việc làm tại chỗ. Tập trung tạo điều kiện cho vay vốn từ ngân hàng chính sách, đẩy mạnh dạy nghề nông thôn và chỉ đào tạo khi dự báo được việc làm, dự báo được nhu cầu nguồn lao động.

 

Đại biểu Dương Trung Quốc nêu vấn đề về thực trạng ngư dân  bỏ nghề ra nước ngoài làm việc


Đại biểu Dương Trung Quốc nêu câu hỏi về thực trạng bà con ngư dân phải bỏ nghề ra nước ngoài tìm việc, đó là sau sự kiện Formosa, Bộ đã đưa 18.000 người dân 4 tỉnh ra nước ngoài làm việc. Theo đại biểu, xu hướng người dân lên bờ làm việc nhiều hơn nghề đi biển gian khổ, nguy hiểm, vất vả. Vậy Bộ có chủ trương gì để khuyến khích bà con bám biển, vì đó không phải chỉ là lao động mà lực lượng bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc?

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, câu hỏi của đại biểu Dương Trung Quốc rất khó bởi riêng câu hỏi này, một mình Bộ LĐ-TB&XH  không làm được.

“Việc chúng tôi cố gắng đưa được 18.000 lao động ở 4 tỉnh sau khi xảy ra sự cố Formosa đi làm việc tại nước ngoài là sự giải quyết mang tính chất tình thế, tạm thời. Chúng tôi không coi đây là giải pháp lâu dài.Giải pháp lâu dài là phải ổn định đời sống cho bà con vùng biển. Tôi xin tiếp thu ý kiến của đại biểu và sau kỳ họp này sẽ bàn với Bộ NN&PTNT tập trung cụ thể hóa chiến lược biển, trong đó có đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm cho bà con”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

CHÂU GIANG- THANH NHUNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh