THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:09

Không có chuyện sa thải hàng loạt lao động sau 35 tuổi

Đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Đào Ngọc Dung Đại biểu Phùng Thị Thường đề nghị Bộ trưởng cho biết các giải pháp trước mắt và lâu dài để bảo vệ người lao động tại khu vực FDI, đồng thời đề cập đến xu hướng lao động tại khu vực này thất nghiệp ngày càng nhiều ở tuổi 35 nhất là nữ?

 

 

Đại biểu Phùng Thị Thường chất vấn về giải pháp bảo vệ người lao động khu vực FDI


Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, khu vực FDI đóng góp rất lớn về kinh tế, đến nay riêng khu vực FDI có tổng cộng 2,68 triệu lao động làm việc. Tại một số tập đoàn lớn như Samsung là 170.000 người, Nike là 400.000 người… Các doanh nghiệp lớn rất quan tâm đến đời sống lao động, những sự việc vừa qua xảy ra chủ yếu tập trung ở doanh nghiệp nhỏ lẻ.

Bộ trưởng cho biết, việc bảo vệ người lao động là vấn đề quan trọng, Thủ tướng, phó thủ tướng đã đi kiểm tra thực tiễn rất nhiều, đối thoại với doanh nghiệp FDI, với công nhân, yêu cầu DN FDI quan tâm nhiều hơn đến phúc lợi xã hội...

“Về thông tin doanh nghiệp  FDI sa thải lao động tuổi 30-35 với tỷ lệ lớn, thậm chí  có một viện nghiên cứu đưa ra con số là có doanh nghiệp sa thải 80% người lao động trong độ tuổi này. Tôi xin khẳng định không có chuyện này”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh và cho biết, ngay sau khi có thông tin trên,   Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp đi khảo sát ở một số doanh nghiệp của 3 tỉnh là Đồng Nai, Bắc Ninh và TP.Hồ Chí Minh và con số thực tế  không phải như vậy. Chỉ có 11% lao động nghỉ việc, xin nghỉ với nhiều lý do khác nhau nằm trong số này. Tính ra là chỉ 1,9% so với tổng số lao động cửa doanh nghiệp  trong độ tuổi 30-35 nghỉ việc.

“Cách đây một tuần, tôi có trực tiếp đi nghe ở Samsung họ chi tiền đào tạo 1.986 công nhân học cao đẳng trong đó 555 người tốt nghiệp họ nâng lương thêm 977.000 đồng/tháng. Trong số những người cử đi học này cũng có 551 người trong độ tuổi 35. Tuy nhiên, dúng là vẫn phải chăm lo cho lao động khu vực này, Bộ LD-TB&XH sẽ xây dựng đề án đào tạo lại cho công nhân, người lao động FDI nếu thất nghiệp. Chuyển nghề khi DN thay đổi cơ cấu dẫn tới nguy cơ người lao động mất việc”- Bộ trưởng cho biết.

 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định không có chuyện sa thải hàng loạt lao động nữ sau 35 tuổi


Đối với câu hỏi của đại biểu Đôn Tuấn Phong (An Giang) về tình trạng lao động giáp biên tự do sang nước ngoài làm việc tự do khá phổ biến, đề nghị Bộ trưởng cho biết thực trạng và giải pháp để quản lý và bảo vệ người lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, về giải pháp bảo vệ lao động qua biên giới, thời gian vừa qua Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm, chỉ đạo tập trung xử lý vấn đề này.  Hiện nay có khoảng 139.000 lao động thường xuyên qua lại biên giới và các tỉnh giáp danh chủ yếu là Trung Quốc 100.000 người, Thái Lan 20.000 người và Lào là 13.000 người… Điều này phụ thuộc chủ yếu và tập tục địa phương, văn hóa, mối quan hệ thuận lợi, thu nhập cao. Số lao động này khi sang làm việc đều đảm bảo về mặt pháp lý có hộ chiếu, visa nhưng lại không có giấy phép hành nghề.

“Hiện nay chúng ta thiếu ở khuôn khổ pháp lý trong luật chưa quy định. Bộ đã cố gắng đàm phán với các nước để có hiệp định nhưng có nước đàm phán được, có nước chưa chấp nhận. Riêng 7 tỉnh phía bắc Bộ đã ký biên bản ghi nhớ với các tỉnh Trung Quốc để đảm bảo 2 bên thống nhất quản lý tránh rủi ro, dự kiến tháng 7 xong biên bản. Còn Thái Lan đã đàm phán 3 lần nhưng chưa xong. Tuy nhiên mới đây, Thủ tướng 2 bên đã trao đổi để đi đến thống nhất, Thái Lan sẽ áp dụng cơ chế với Việt Nam như 3 nước biên giới. Dự kiến số lao động tại đây cũng sẽ tăng lên 50.000 người...”, Bộ trưởng thông tin. 

CHÂU GIANG- THANH NHUNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh