THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 10:43

Điều chuyển tuyến vận tải từ bến xe Mỹ Đình về bến xe Nước Ngầm: UBND tỉnh Nghệ An lên tiếng

Vi phạm luật?

Theo lý giải của Sở GTVT tỉnh Nghệ An, căn cứ vào Khoản 1 Điều 4 Nghị định 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô qui định: “Doanh nghiệp, hợp tác xã được cấp Giấy phép kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô được đăng ký khai thác trên tuyến trong quy hoạch và được cơ quan quản lý tuyến chấp thuận”.

Căn cứ Khoản 2 Điều 14 Thông tư 63/2014/TT-BGTVT ngày 7/11/2014 của Bộ Giao thông Vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ qui định: “Doanh nghiệp, hợp tác xã đang khai thác trên tuyến không nằm trong quy hoạch mạng lưới tuyến được cơ quan có thẩm quyền công bố có quyền tiếp tục khai thác theo phương án đã đăng ký trong thời gian không quá 24 tháng, kể từ ngày công bố quy hoạch”. Như vậy, trong trường hợp Bộ Giao thông Vận tải điều chỉnh quy hoạch theo hướng xóa bỏ các tuyến vận tải hành khách từ tỉnh Nghệ An đến bến xe Mỹ Đình thì các đơn vị kinh doanh vận tải vẫn có quyền được tiếp tục khai thác trong thời gian tối đa là 24 tháng.

Căn cứ Quyết định số 2288/QĐ - BGTVT ngày 26/6/2015 của Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt Quy hoạch chi tiết tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ toàn quốc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 quy định: “Đối với bến xe Giáp Bát, Mỹ Đình giữ ổn định tần suất phương tiện hoạt động đến năm 2020, chỉ tăng cường vào các dịp lễ, tết”. Do đó, việc điều chuyển các phương tiện hoạt động trên tuyến vận tải hành khách từ bến xe Mỹ Đình về bến xe Nước Ngầm vào thời điểm hiện nay là không đảm bảo tính pháp lý.

Theo đó, Sở GTVT Nghệ An cho biết, thực tế trên tuyến vận tải hành khách bằng xe ô tô từ tỉnh Nghệ An ra Hà Nội thì nhu cầu đi Bến xe Mỹ Đình của người dân là rất cao. Trên cơ sở đó, các đơn vị kinh doanh vận tải đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng thay mới phương tiện (hiện nay đều 100% xe giường nằm), nâng cao chất lượng phục vụ để ngày càng văn minh, lịch sự, đã xây dựng được thương hiệu và đi vào ổn định kinh doanh, phục vụ thuận tiện và đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân trên tuyến, được nhân dân cũng như các cơ quan nhà nước ghi nhận, đánh giá cao. Do đó việc điều chuyển sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của các đơn vị và nhu cầu đi lại của người dân.

UBND tỉnh Nghệ An, Sở GTVT tỉnh Nghệ An cho rằng việc điều chuyển không đảm bảo tính pháp lý, gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của các đơn vị và nhu cầu đi lại của người dân.

Cũng theo Sở GTVT tỉnh Nghệ An, hiện nay lưu lượng xe xuất bến tại đầu Bến xe Nước Ngầm đi đến các bến xe của tỉnh Nghệ An đã gần đạt ngưỡng theo Quyết định 2288/QĐ-BGTVT ngày 26/6/2015 của Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt Quy hoạch chi tiết tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ toàn quốc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Ngoài ra tần suất xe xuất bến vào giờ cao điểm tại Bến xe Vinh - BX Nước Ngầm là 10 phút/chuyến, BX Vinh - BX Mỹ Đình là 5 phút/chuyến. Do đó, nếu thực hiện điều chuyển thì sẽ không thể sắp xếp được các nốt xuất bến tại các đầu bến xe. Từ những thực tế trên, Sở GTVT Nghệ An kiến nghị Sở GTVT Hà Nội tham mưu cho UBND TP.Hà Nội giữ nguyên hiện trạng như hiện nay, chưa thực hiện việc điều chuyển các phương tiện vận tải hành khách đang hoạt động trên tuyến Nghệ An đi Hà Nội.

Còn theo Công văn số 3752/UBND của UBND tỉnh Nghệ An, do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Huỳnh Thanh Điền kí về việc điều chuyển một số luồng tuyến vận tải khách liên tỉnh tại các bến xe trên địa bàn Hà Nội, UBND tỉnh Nghệ An đã đề nghị UBND TP. Hà Nội, Sở GTVT Hà Nội xem xét đề nghị của Hiệp hội Vận tải Nghệ An giữ nguyên hiện trạng, không thực hiện điều chuyển các xe đang hoạt động ổn định trên tuyến vận tải khách cố định từ các huyện, thành phố, thị xã của các tỉnh Nghệ An đến Bến xe Nước Ngầm và BX Mỹ Đình. Việc điều chuyển sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của các đơn vị và nhu cầu đi lại của người dân.

Nhiều doanh nghiệp vận tải lo bị phá sản

Theo đơn cầu cứu của các doanh nghiệp vận tải đang nằm trong diện phải điều chuyển trong đợt 1, nếu phải chuyển sang Bến xe Nước Ngầm thì nguy cơ bị phá sản rất cao, sẽ làm cho hàng ngàn người lao động mất việc làm. Bên cạnh đó, theo các nhà xe này, do sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, đã bắt buộc gần như 100% doanh nghiệp đầu tư vốn lớn bằng cách nâng cao chất lượng dịch vụ, mua sắm nhiều xe giường nằm, mỗi xe cũng hơn 3 tỷ đồng, mà phần lớn là phải vay lãi ngân hàng.

Đại diện các doanh nghiệp vận tải Nghệ An cho biết, lý do tắc đường để điều chuyển là chưa thuyết phục, bởi các xe chạy tuyến Mỹ Đình - Nghệ An, Hà Tĩnh, Đắk Lắk chủ yếu đi đường vành đai trên cao. Các tuyến xe chạy lòng vòng, bắt khách dọc đường vành đai 3 không phải là các tuyến xe Thanh-Nghệ-Tĩnh, Đắk Lắk. Mặt khác, nếu “gom” hết các xe này về bến Nước Ngầm sẽ gây tắc đường nghiêm trọng tại khu vực nút ra đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, vì bến này chỉ có 1 lối ra duy nhất, còn bến xe Mỹ Đình các xe có nhiều hướng đi.

Nếu điều chuyển 75 lượt xe tại bến Mỹ Đình về Nước Ngầm thì hàng ngày sẽ có khoảng 2.000 người phải di chuyển từ khu vực này sang bến Nước Ngầm, họ phải di chuyển bằng các phương tiện khác và tốn kém chi phí và gây thêm áp lực giao thông khu vực vành đai 3, Nước Ngầm.

Ông Nguyễn Đàm Văn, đại diện nhà xe Văn Minh cho biết, sở dĩ nhu cầu đi lại của người dân Thanh-Nghệ-Tĩnh luôn tăng cao, nhưng lượng xe các tỉnh này đăng ký về Bến xe Nước Ngầm rất ít, mặc dù Bến xe Mỹ Đình “bị cấm cửa” nhiều năm nay là vì lượng khách chủ yếu về khu vực Mỹ Đình. Nếu bắt chúng tôi phải chuyển về hết Nước Ngầm đồng nghĩa với việc hành khách bắt buộc phải về đây bắt xe, nếu trường hợp có thêm hàng trăm xe đăng ký chạy tuyến Thanh-Nghệ-Tĩnh về bến này thì việc cạnh tranh khách hàng sẽ khốc liệt hơn, và chúng tôi sẽ dẫn đến phá sản là điều đương nhiên.

CHU LƯƠNG/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh