THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:05

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội: Bến xe Mỹ Đình không quá tải

 

Các tuyến xe Thanh – Nghệ - Tĩnh đi bến Mỹ Đình không chạy vào giờ cao điểm

Mới đây (29/6), Sở GTVT Hà Nội đã có buổi làm việc với các DN vận tải và Bến xe về thực hiện chỉ đạo điều chuyển các tuyến xe Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Đắk Lắk, Gia Lai từ bến xe Mỹ Đình về bến xe Nước Ngầm. Tại cuộc họp này, lãnh đạo bến xe Mỹ Đình cũng như các doanh nghiệp vận tải bị ảnh hưởng bởi kế hoạch điều chuyển của Sở GTVT Hà Nội đều khẳng định các tuyến xe bị ảnh hưởng đều không chạy vào giờ cao điểm.

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội đánh giá việc điều chuyển dựa trên cơ sở tổ chức giao thông TP Hà Nội, góp phần giảm ùn tắc giao thông, giảm TNGT và thực hiện giảm mật độ xe nhằm tránh đi qua khu vực nội đô. Theo ông Linh, tuyến đường Vành đai 3 trên cao và đường Phạm Hùng dẫn vào Bến xe Mỹ Đình hiện nay thường xuyên xảy ra ùn tắc, giao thông lộn xộn, gây mất trật tự an toàn giao thông (ATGT). Nguyên nhân của tình trạng này là do nhiều nhà xe chạy sai luồng tuyến, chạy vòng vo, dừng, đỗ, đón trả khách sai quy định, nhất là trước cổng Bến xe Mỹ Đình. Do đó, kế hoạch điều chuyển trên cần phải sớm thực hiện, nhằm giảm tải, hạn chế ùn tắc giao thông và tình trạng mất trật tự ATGT tại các bến xe. Đây là chủ trương trọng tâm của TP Hà Nội trong việc sắp xếp lại lộ trình hướng tuyến và quy hoạch các bến xe.

Theo đó, giai đoạn 1, sở sẽ điều chuyển các tuyến từ Bến xe Mỹ Đình đi các Bến xe Nghệ An (66 lượt xe/ ngày), Hà Tĩnh (5 lượt xe/ngày), Gia Lai (1 lượt xe/ngày), Đắk Lắk (4 lượt xe/ngày) về bến xe Nước Ngầm.Giai đoạn 2 điều chỉnh các tuyến từ Bến xe Mỹ Đình đi các Bến xe Thanh Hóa (68 lượt xe/ngày) về Bến xe Nước Ngầm….

Trước phương án điều chỉnh này, ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Nghệ An cho rằng, tôi đã trực tiếp ra bến xe Mỹ Đình ăn ngủ 3 ngày đêm liền để thăm dò, đánh giá, và thực tế hiện nay bến xe Mỹ Đình không quá tải, không ùn tắc cả trong và ngoài bến. Các đơn vị vận tải Nghệ An hoạt động chủ yếu vào các khung giờ thấp điểm, từ 20 đến 24h đêm, không chạy dưới đường vành đai 3, mà chủ yếu chạy đường trên cao, không phải là nguyên nhân chính dẫn đến việc ùn tắc gao thông. Trong khi đó người dân Nghệ An đi Hà Nội chủ yếu về bến Mỹ Đình, nếu bị điều chuyển về bến xe Nước Ngầm, hành khách phải dùng các phương tiện khác như taxi, xe buýt, xe ôm, xe cá nhân... sẽ gây thêm áp lực giao thông, ùn tắc trên địa bàn thành phố, gây khó khăn cho hành khách vì phát sinh thêm chi phí di chuyển.

Trong khi đó, đại diện doanh nghiệp vận tải Đức Bình chạy tuyến Nghệ An – Mỹ Đình phản ứng, việc nhiều nhà xe chạy vòng vo bắt khách hiện nay trên đường Vành đai 3 trên cao và đường Phạm Hùng, gây ùn tắc, lộn xộn không phải do các xe khách của Nghệ An, vì múi giờ xe Nghệ An về Bến xe Mỹ Đình từ 3 – 6 giờ sáng, xuất bến lúc 3 giờ chiều là khung giờ thấp điểm. Nếu lý do xe chạy lòng vòng, bắt khách thì đề nghị nếu lực lượng chức năng Hà Nội phát hiện, bắt giữ xe vi phạm thì phải xử lý nghiêm, thậm chí đình chỉ hoạt động để chúng tôi không bị ảnh hưởng. Chưa kể, việc điều chuyển tuyến sẽ gây xáo trộn đi lại của người dân và càng gây thêm ùn tắc giao thông vì xe dù, bến cóc.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Nghệ An khẳng định các tuyến xe Nghệ An chạy Mỹ Đình không chạy vào giờ cao điểm

Mặt khác, theo ông Bình, khu vực Mỹ Đình tập trung rất nhiều sinh viên và người lao động Nghệ An, phương án để người dân trung chuyển từ bến Mỹ Đình về bến Nước Ngầm bằng xe buýt sẽ gây thêm khó khăn, vì khi đi về quê hay ra Hà Nội, đặc biệt là các dịp lễ tết người dân thường mang rất nhiều đồ, do đó không thể đi xe buýt.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Quang Thắng, Giám đốc Cty du lịch Anh Thắng bức xúc, nếu phải chuyển về bến Nước Ngầm thì chúng tôi sẽ dừng hoạt động. lý do ông Thắng đưa ra là nếu về bến Nước Ngầm sẽ không có khách, dẫn đến thua lỗ, và thực tế trước đây doanh nghiệp này đã từng kinh doanh ở bến xe Nước Ngầm.

 Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện trao đổi với PV báo chí về việc có hay không bến xe Mỹ Đình quá tải

Bến xe Mỹ Đình không quá tải

Đó là khẳng định của Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện khi trao đổi với PV Báo LĐ&XH về việc có hay không bến xe Mỹ Đình quá tải?. Ông Viện cho biết, không phải là bến Mỹ Đình quá tải, việc điều chuyển hợp lý các luồng tuyến là theo quy hoạch nhằm tránh các tuyến xe chạy qua trung tâm thủ đô, dẫn đến ùn tắc giao thông. Trả lời về việc tăng cường xe buýt trung chuyển từ Mỹ Đình về bến Nước Ngầm trong kế hoạch điều chuyển không giải quyết được vấn đề ùn tắc, vì như thế không giảm được lượng xe về bến Mỹ Đình, xe buýt không chạy trên cao mà phải bắt khách, và hiện nay lượng xe buýt ở Hà Nội đã bão hòa?, ông Viện cho rằng, không nhất thiết phải tăng lượng xe buýt, mà có thể kết nối, và theo kế hoạch sắp tới sẽ mở thêm 8 tuyến để đảm bảo kết nối tốt hơn.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Uy, Giám đốc Bến xe Mỹ Đình khẳng định không quá tải. Bến xe Mỹ Đình mới được đầu tư nâng cấp, mở rộng, do vậy không những mong muốn giữ ổn định hoạt động vận tải của các doanh nghiệp, mà ông Uy còn đề nghị Sở GTVT Hà Nội cho Mỹ Đình tiếp nhận thêm xe vào bến.

Bến xe Mỹ Đình không quá tải

Trước đây, nhưng năm 2004, khi Bến xe Mỹ Đình vắng khách, các nhà xe đã chấp nhận bù lỗ hàng tỷ đồng đầu tư phương tiện, khai thác tuyến. Đến nay, các tuyến đã hoạt động thì đột ngột điều chuyển sẽ khiến doanh nghiệp kinh doanh khó khăn. Bến xe Mỹ Đình nằm trên trục chính đường Vành đai 3 nên thuận tiện cho các phương tiện hoạt động ngoài trung tâm thành phố, do đó không thể nói  các tuyến vận tải thuộc diện phải điều chuyển hoạt động đi xuyên tâm thành phố - ông Uy cho biết.

Còn ông Nguyễn Văn Lập, Giám đốc Bến xe Nước Ngầm cho hay, rất chia sẽ với các đơn vị vận tải thuộc diện điều chuyển. Theo tính toán, bến Nước Ngầm còn khả năng tiếp nhận thêm các tuyến vận tải khi thực hiện việc điều chuyển về, cũng như xây dựng biểu đồ trên cơ sở giữ nguyên các giờ xe xuất bến tại Bến xe Mỹ Đình chuyển về, và sẽ có cơ chế khuyến khích cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo ông Lập thì đơn vị này không có khả năng tổ chức, bố trí tuyến xe buýt phục vụ hành khách di chuyển từ bến Mỹ Đình về Nước Ngầm, mà đề xuất sử dụng các xe trung chuyển của các đơn vị vận tải để vận chuyển hành khách.

Có thể nói việc điều chuyển các tuyến xe, mà đặc biệt là các tuyến Các tỉnh Thanh – Nghệ - Tĩnh từ Bến xe Mỹ Đình sang Bến xe Nước Ngầm không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp vận tải, mà còn ảnh hưởng đến rất nhiều người dân, bởi đây là những tỉnh thành có dân số đông nhất cả nước, và có rất nhiều người sinh sống, học tập, làm việc tại thủ đô. Mặt khác, có ai dám khẳng định việc điều chuyển này sẽ “giảm được ùn tắc, và không phát sinh tình trạng xe dù, bến cóc, vốn đã tồn tại bấy lâu nay”?.

Chu Lương

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh