THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 12:25

Điều chuyển một số tuyến ra khỏi bến xe Mỹ Đình: Người dân và doanh nghiệp chưa đồng thuận

Doanh nghiệp vận tải lo ngại

Sở GTVT Hà Nội vừa ban hành công văn số 1339/SGTVT-QLVT về góp ý dự thảo “Kế hoạch sắp xếp, điều chuyển một số luồng tuyến vận tải khách liên tỉnh tại các bến xe trên địa bàn TP. Hà Nội”. Theo kế hoạch dự thảo sẽ điều chuyển hàng loạt xe khách chạy tuyến cố định từ bến xe Mỹ Đình về bến xe Nước Ngầm. với lý do đưa ra là “nhằm chấm dứt hiện tượng mất trật tự ATGT và ùn tắc giao thông tại khu vực các bến xe, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân cần thiết phải sắp xếp, điều chuyển lại một số luồng tuyến vận tải hành khách liên tỉnh tại các bến xe trên địa bàn thành phố cho phù hợp.

Nhu cầu đi lại ở Bến xe Mỹ Đình luôn cao

Giai đoạn 1, Sở GTVT Hà Nội sẽ lựa chọn các tuyến có cự ly 240km trở lên để điều chuyển từ bến xe Mỹ Đình đi các tỉnh phía Nam sang bến xe Nước Ngầm. Cụ thể, bến xe Mỹ Đình các tuyến đi Nghệ An (66 lượt xe/ngày), Hà Tĩnh (5 lượt xe/ngày), Gia Lai (1 lượt xe/ngày) và Đắk Lắk (4 lượt xe/ngày) nằm trong diện điều chuyển lần 1. Các tuyến này có lộ trình đi từ bến Mỹ Đình- Phạm Hùng- Khuất Duy Tiến- đường Vành đai 3 trên cao- Quốc lộ 1 và ngược lại.

Giai đoạn 2 sẽ tiếp tục điều chuyển các tuyến xe từ bến Mỹ Đình về Nước Ngầm. Cụ thể, bến xe Mỹ Đình đi Thanh Hóa (68 lượt xe/ngày). Thời gian điều chuyển giai đoạn 1 dự kiến vào tháng 7/2016 hoặc tháng 1/2017. Sau khi đánh giá kết quả thực hiện giai đoạn 1 sẽ tiến hành điều chuyển các tuyến còn lại theo hướng tuyến (dự kiến sau 6 tháng).

Sau khi có thông tin trên, các doanh nghiệp vận tải hoạt động tại Bến Mỹ Đình, cũng như nhiều hành khách đã phản ứng, vì họ cho rằng việc này sẽ làm xáo trộn việc di chuyển, tăng chi phí đi lại, gây thiệt hại kinh tế không nhỏ.

Anh Trương Xuân Thu, quản lý phòng vé nhà xe Văn Minh tại Bến xe Mỹ Đình cho biết, chúng tôi hoạt động tại đây từ năm 2007. Mỗi ngày có 6 chuyến tại Mỹ Đình, và 9 chuyến ở Bến Nước Ngầm. Như vậy chúng tôi đã phân bổ đầu xe để phục vụ cho cả hành khách đi Nước Ngầm cũng như Mỹ Đình. Việc phân bổ như vậy là dựa trên nhu cầu thực tế của khách hàng. Nếu di chuyển hết về bến xe Nước Ngầm thì hiệu quả khai thác sẽ sụt giảm, vì hành khách sẽ chuyển sang xe khác, thậm chí là các xe dù chạy tuyến Mỹ Đình. Mặt khác việc này sẽ gặp phải sự phản đối của nhiều hành khách, vì họ phải di chuyển xa hơn, chi phí cũng cao hơn.

Sảnh chờ ở Bến xe Mỹ Đình luôn thông thoáng sau khi được đầu tư, mở rộng

Còn anh Nguyễn Đại Thắng, đại diện Cty vận tải Thanh Xuân (Nhà xe H&N) phản ứng, nhà xe H&N hoạt động ở bến Mỹ Đình đã 10 năm nay, và lượng khách rất ổn định. Lý do chúng tôi chỉ đăng ký tại bến xe Mỹ Đình là do hiệu quả và nhu cầu di chuyển của người dân khu vực này cao, lượng khách ổn định. Mặt khác kể từ khi bến xe Mỹ Đình được sửa chữa, nâng cấp, tất cả các nhà xe hoạt động tại đây đều đi vào hoạt động quy củ, không còn tình trạng lộn xộn... Nếu bắt chúng tôi sang hoạt động ở bến khác thì chắc chắn sẽ bị thua lỗ.

Người dân chịu thiệt

Không chỉ các doanh nghiệp vận tải hành khách tuyến Vinh –Mỹ Đình phản ứng với việc di chuyển sang bến khác, mà nhiều người dân cũng không đồng tình trước việc này. Anh Trần Đức Hùng, quê huyện Yên Thành, Nghệ An cho hay, nhà tôi ở gần bến xe Mỹ Đình, mỗi  lần về quê đồ đạc lỉnh kỉnh, nhưng gần nên chỉ cần người nhà chở ra. Còn nếu phải đi sang bến xe Nước Ngầm, xa hơn chục cây số thì phải mất thêm 100 nghìn tiền đi taxi, tính cả hai lượt đi về phải bỏ ra 200 nghìn.

Anh Hùng bức xúc, giá vé tôi đi về Nghệ An chỉ mất 200 nghìn đồng, tính ra cả đi cả về chỉ mất 400 nghìn, nhưng phải bỏ thêm 200 nghìn đi taxi nữa, như thế thì mỗi lần về quê chúng tôi mất gần triệu bạc, thiệt hại là rất lớn. Còn đi xe buýt thì chắc chắn không, vì từ Nghệ An ra Hà Nội, chúng tôi phải ngồi trên xe 6-7 tiếng đồng hồ, giờ lại phải ngồi trên xe buýt vừa lâu, vừa chật chội thì ai mà chịu nổi, rồi xe buýt họ cũng chỉ dừng ở trạm, lại phải bắt xe về, như vậy chúng tôi khổ đủ đường.

Cổng xe ra vào tại Bến xe Mỹ Đình  đều được kiểm soát bằng hệ thống phần mềm 

Việc điều chuyển từ bến xe Mỹ Đình đi các bến khác sẽ làm xáo trộn việc đi lại của nhân dân cũng như gây khó khăn cho doanh nghiệp vận tải. Trong khi đó, các doanh nghiệp liên quan trong quá trình thay đổi luồng tuyến phản ứng dữ dội. Nghiêm trọng hơn, nếu di chuyển qua bến xe khác thì nguy cơ phát sinh xe dù, xe cóc rất dễ xẩy ra, vì trên thực tế thời gian qua, tại khu vực bến xe Mỹ Đình có một số bến xe dù hoạt động ngày đêm, nhưng cho đến nay vẫn chưa cơ quan chức năng nào có thể dẹp bỏ được.

Có thể  thấy tình trạng ách tắc giao thông, bến cóc, xe dù không chỉ xẩy ra tại Hà Nội, mà rất nhiều địa phương khác, mà đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa thể giải quyết triệt để. Mặt khác, chuyện các bến xe ở trung tâm đông khách hơn các bên xe khác là điều đương nhiên, vì đó là do nhu cầu đi lại thiết thực của người dân. Vì vậy việc điều chuyển một số tuyến từ Bến xe Mỹ Đình ra một số bến xe khác là khó có thể chấp nhận. Vì nó phải phục vụ cho nhu cầu và lợi ích của người dân, chứ không thể phục vụ lợi ích cho một ai đó. Việc này không những không được các doanh nghiệp vận tải đồng thuận, mà còn vấp phải sự phản ứng gay gắt từ phía khách hàng, và gây ra thiệt hại kinh tế cho người dân không hề nhỏ, vì nó tăng khoảng cách di chuyển, và nghiêm trọng hơn là tăng chi phí của người dân.

 

Bến xe Mỹ Đình đã thay đổi diện mạo

Được biết năm 2015, Bến xe Mỹ Đình đã đầu tư hơn 50 tỷ đồng để nâng cấp, mở rộng bến. Sau khi đưa vào vận hành bến mới thì phần lớn đã giải quyết được những tồn tại của bến cũ và đáp ứng rất tốt nhu cầu đi lại của hành khách, đảm bảo thuận tiện cho doanh nghiệp vận tải.

Ghi nhận của phóng viên cho thấy, hiện tại toàn bộ hành khách đi xe đều có hành lang mái che để đảm bảo không bị nắng mưa. Trong sảnh chờ sạch sẽ khang trang có wifi miễn phí.

Khu vực trả khách, đón khách, chờ tài, điểm chờ taxi và xe ôm cũng như điểm trông giữ xe, điểm dịch vụ có khu vực riêng biệt, ngăn lắp, sạch sẽ. Bên cạnh đó, dòng phương tiện và dòng hành khách đi, đến, được quy hoạch và xây dựng tách riêng, không còn giao cắt. Khi xuất bến, nhà xe sẽ đi lên đường cao tốc trên cao, vì vậy tình trạng ách tắc giao thông không xẩy ra.

Đặc biệt khâu quản lý bến được áp dụng kỹ thuật công nghệ cao. Không chỉ bố trí đội ngũ an ninh bến xe, mà tất cả các khu vực đều được lắp Camera chụp ảnh biển số, Camera an ninh, hệ thống quản lý bằng phần mềm. Tất cả mọi hình ảnh đều được theo dõi trực tiếp và truyền về phòng trung tâm của các lãnh đạo, vì vậy nếu có sự cố xẩy ra sẽ được chỉ đạo giải quyết nhanh chóng.     

CHU LƯƠNG/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh