THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:35

Đi săn sá sùng...như đào vàng trên cạn

Khi bình minh lên cũng là lúc những người phụ nữ này ra bờ biển đào sá sùng.

Chưa trực tiếp chạm tay vào sá sùng, nhưng trước khi đặt chân đến bãi Dài, Vân Đồn (Quảng Ninh), anh bạn đồng nghiệp đã vỗ vai tôi mà rằng, chú về đó mà không thưởng thức món sá sùng thì xem như phí cả một chuyến đi. Ngoài Nha Trang, Quảng Ngãi, Côn Đảo thì Đông Hưng (Trung Quốc) cũng có loại sản vật ấy, nhưng chất lượng tuyệt hảo nhất vẫn là sá sùng ở Vân Đồn. Chao ôi! Ngon tuyệt, ngọt tuyệt, thơm, rất thơm. Chỉ nấu chay thôi đã ngọt gấp vạn lần món canh rươi rồi, ngon đến mức thật chẳng có từ nào tả xiết…

Chẳng thế mà có chuyện, một đầu bếp thành Nam mang theo bí quyết nấu phở gia truyền lên đất Hà thành lập nghiệp, khi nấu nước phở, ông không quên cho mấy con sá sùng vào. Nước phở ngọt, thanh, mát nên bán rất chạy, khách đến nườm nượp, cơ ngơi từ đó mà thành. Rồi thời thế thay đổi, ông vào Sài Gòn nhưng không kiếm đâu ra được sá sùng ngon nên đành đóng cửa tiệm, lòng mang bao tiếc nuối, cái món phở trứ danh đất Hà thành cũng vì thế mà giảm đi nhiều... Rồi sá sùng còn được dùng làm thuốc trong đông y nữa, công dụng nhiều lắm...

Giờ đã đặt chân đến nơi sản sinh ra sá sùng, thật chẳng có lý do gì để từ chối cái món khoái khẩu thủa nào của đế vương. Ngẫm là làm, tôi bỏ kế hoạch thưởng lãm non xanh vùng vịnh với các đồng nghiệp để ra bãi cát… tìm vàng – săn sá sùng. Nơi bãi cát mặn mòi hơi muối, chị Mơ, chị Hồng, chị Thuý cùng hàng chục phụ nữ khác đang khom lưng tìm kế sinh nhai. Đón nhận tôi, chị Hồng đặt vào tay tôi những con sá sùng mới đào được, nó hãy còn sống, ngoe nguẩy, cầm mà cảm thấy gai người, nó mềm mềm, mũn mũn, chẳng khác nào những con giun đất, màu hồng, bóng, dài từ 10-15cm.

Thấy tôi còn mãi loay hoay tò mò về mấy con sá sùng, chị Hồng bảo: “Lần đầu tiên thấy sá sùng đấy hử? Thế thì chú chưa biết loại đặc sản này rồi. Sá sùng ngon nhất phải là sá sùng ở đảo Quan Lạn, Minh Châu. Ngoài đó cát trắng, sá sùng mập, hồng, trông rất bắt mắt, còn sá sùng ở đây không được đẹp cho lắm, vì cát sẫm màu, song chất lượng cũng khá ổn và không thua kém so với ngoài đảo đâu”.

Theo lời các chị thì bờ biển Vân Đồn cũng được xem là nơi trú ngụ đáng kể của sá sùng. Về đêm, sá sùng vào bãi cát gần bờ để làm tổ, khi nước rút, sá sùng nằm lại trong cát, nắng càng to sá sùng chui xuống càng sâu, cạn thì 20-30cm, sâu thì 50-60 cm. Để bắt được sá sùng, cách hữu hiệu nhất là sắm một cái xẻng đặc dụng, có lưỡi dài khoảng 30-40cm, có chỗ đặt chân để đạp. Mà đào sá sùng không phải như đào giun, cứ cuốc đại bất cứ chỗ nào lên là sẽ có, đào sá sùng khác hoàn toàn như vậy.

Những con sá sùng mới đào được.

Để bắt được sá sùng, trước tiên là phải biết phát hiện ra vị trí của nó. Khi chui sâu xuống cát, sá sùng luôn để lại dấu vết, dấu vết đó có hình bông hoa, hay còn gọi là vân hoa, trông y như tổ của cua đồng, người đào cứ nhằm thẳng chỗ đó mà cắm xẻng xuống rồi bẩy cát lên, nếu có, sá sùng sẽ hiện lên ngay, nếu không thấy thì chứng tỏ con đó đã chui xuống đất khá sâu rồi, đào thêm chỉ mất thời gian. Mà đào cũng phải khéo léo làm sao cho sá sùng không bị đứt, nếu đứt sá sùng sẽ không được tươi, khi mua người ta mua cũng sẽ loại ra. Mà sá sùng bé quá cũng chẳng ai mua.

Đào là vậy, vất vả là vậy nhưng “cắm mười mới được một”, tức mười lần đào mới được một con là những gì chị Mơ chia sẻ cho tôi nghe. Không phải nhát xẻng nào cắm xuống cũng được sá sùng, nằm trong cát nên sá sùng chui rất nhanh, khi thấy tổ của nó rồi thì phải thật nhanh tay mà đào. Có kiệt sức cũng phải đào.

Thấy chị Thuý thở dài, tôi mới thực sự chú tâm đến những người phụ nữ tay đang cầm xẻng, đi đi lại lại trên bãi cát, họ khom lưng đào đào bới bới, thi thoảng mới được một vài con sá sùng quẳng vào giỏ, trông cảnh đó, tôi đồ rằng một ngày các chị đào được dăm bảy lạng đã khó chứ chưa nói gì đến vài ba cân hay thu bạc trăm, bạc triệu gì. Mồ hôi mồ kê đua nhau chảy dòng xuống khuôn mặt đen sạm, còn sá sùng thì cứ như trốn biệt trong cát. Quanh đi quẩn lại đã thấy có hàng trăm cái hố cát, đụn cát nhấp nhô, hàng trăm động tác và thủ thuật nhưng nhìn giỏ mới chỉ được vài ba chục con sá sùng.

Chị Mơ có đến vài chục năm kinh nghiệm đào sá sùng nên chị đào được nhiều hơn, và chị cũng chia sẻ với đồng nghiệp trẻ là chị Thuý về bí quyết đào sá sùng. Tôi để ý thấy nhiều người đi đào sá sùng như vậy, liền hỏi chị Mơ, nghe nói đào sá sùng kiếm được bạc triệu, thế công việc này có mang lại thu nhập chính cho gia đình chị không? Chị Mơ như thở dài: Lấy đâu ra hở chú? Không phải ngày nào cũng đào được thế này đâu. Có hôm đi cả buổi mới được dăm bảy lạng, may mắn thì được 1kg, hôm nay chắc do động biển, ảnh hưởng của bão số 1 nên tôi mới may mắn như vậy, mặt khác cũng tuỳ từng khu vực, như mọi khi đào ở đây không có đâu, nay lại có nhiều đến vậy. Hầu hết đàn ông ở đây đều đi biển, còn lại phụ nữ ở nhà, tự lựa chọn cho mình một công việc, đẽo hà hoặc đào sá sùng. Với một số hộ không đi biển được, công việc đào sá sùng lại trở thành thu nhập chính trong gia đình, cũng chẳng đáng là bao.

Có lẽ cũng bởi công việc bắt sá sùng quá ư cơ cực nên chẳng mấy người theo nó. Nhân lúc các chị dừng tay, lấy đồ ăn ăn tạm cho đỡ đói rồi đào tiếp, tôi tiến lại chỗ những phụ nữ khác đang đi đẽo hà, như mọi ngày họ sẽ ra khơi từ lúc 3 giờ sáng để đẽo hà, nhưng hôm nay biển động, mọi tàu bè bị cấm nên các chị ra đây đẽo. Là người miền biển, mưu sinh trên biển nên các chị cũng từng là những “cao thủ đào sá sùng”. Tôi hỏi họ vì sao không đi đào sá sùng, lại đi đẽo hà? Chị Minh – một người đẽo hà, đáp rằng: Ai có sức khoẻ mới đi đào sá sùng được, trước đây chúng tôi cũng đi đấy chứ, nhưng giờ sức yếu rồi, nhọc lắm, với lại nắng nôi thế này cầm xẻng đi đi lại lại đào đào khoét khoét đã không nổi nữa rồi...

Sá sùng được bán cho du khách ngay tại bờ biển.

Cũng đã gần trưa, mặt trời lên cao, nước biển dâng lên, cũng là lúc các chị ra về. Hôm nay được xem là ngày đào được nhiều sá sùng hơn cả nhưng gom cả mấy người lại mới được một vài kg sá sùng tươi. Mà theo các chị, sá sùng tươi có giá 200 nghìn đồng/kg, sá sùng khô khoảng 4 triệu đồng/kg, nhưng phải phơi ít nhất là 15kg sá sùng tươi mới được 1kg khô. Như vậy, cả buổi sáng hôm nay, công sức các chị bỏ ra rất nhiều  nhưng thu lại chẳng được bao nhiêu, chẳng như lời người ta đồn thổi là kiếm được bạc triệu mỗi ngày.

May thay, sá sùng là món dễ chế biến, chỉ cần lột từ trong ra ngoài và rửa sạch là có thể chế biến, có thể nấu canh, xào, hoặc mua về làm quà nên các chị không phải lo đầu ra, chỉ cần bán lại cho các nhà hàng ở khu vực là được. Riêng hôm nay, khi tôi cùng các chị lên bờ đã có ít nhất 3 du khách đến mua, vậy là các chị cũng có tiền luôn, tuy ít nhưng dù sao đó cũng là những đồng tiền có được từ mồ hôi công sức một cách chân chính.

Để có được món ngon, đâu phải chuyện đơn giản. Nhớ lại cái vỗ đùi đen đét, cái cửa miệng tấm tắc khen ngon, cái khuôn mặt nhăn nheo biểu cảm của anh bạn, tôi không nhịn được cười. Có về đây cầm xẻng, tự đi đào sá sùng mới thấm thía, mới thấy món sá sùng có vị ngon như thế nào. Trải nghiệm rồi, tôi cũng mạnh dạn đi đến kết luận rằng, đào sá sùng rất dễ, đại ý là: Dễ đào, dễ bắt, dễ bán, và... dễ rơi nước mắt.

Hái lộc biển mà, khi được thì chẳng sao, ngược lại thì dễ tủi hờn lắm!

HẠNH NGUYÊN

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh