THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 06:55

Ngẩn ngơ giữa đại ngàn Thành Xuân

Có một Thành Xuân như thế

Như những miền đất khắc nghiệt khác, ở Thành Xuân người dân cũng có lúa, gạo nhưng vẫn phải sống dựa vào nguồn lương thực hỗ trợ từ Nhà nước và các nhà hảo tâm, vẫn phải ăn độn ngô và lá rừng... Nói như trưởng làng Triệu Tài Cảnh, ở Thành Xuân thứ gì cũng nhiều, như nhiều cây, nhiều rừng, nhiều đất và… nhiều người đói.

Làng Thành Xuân giữa chốn đại ngàn.

Chứng minh lời mình nói, ông Cảnh đưa tôi đến nhà ông Phùng Xuân Khánh, người từng tham gia giúp nước bạn Lào những năm sau 1975. Đó là căn nhà trống rỗng, chỉ có mấy tấm phên nứa, mấy khúc củi kê thành giường, tấm bạt rách bươn chắp vá thành mành che. Bếp núc thì đã lạnh nguội từ thuở nào, trong lu chỉ còn vài bát gạo xấu, một ít ngô, một ít sắn băm, lúa không có, đèn điện cũng không.

Thường thì vợ chồng ông Khánh vào rừng đi kiếm cái ăn từ sáng sớm, tối mịt mới về, và vẫn phải ăn rau rừng, ăn cơm độn ngô hàng ngày, hàng năm vẫn nằm trong danh sách cứu tế. Và đúng, chuyện ăn ngô với rau rừng, hay ăn cơm độn chan nước sôi để nguội thì đất này ai cũng đã từng, dĩ nhiên gia đình ông Khánh cũng không ngoại lệ.

Ngôi nhà tạm bợ của gia đình ông Khánh. 

Sau khi xuất ngũ, ông Khánh đưa vợ con về đây khai khẩn đất hoang, nhưng vì sức khoẻ yếu, vợ chồng ông chỉ phát được ít rừng, khai phá được vài mảnh ruộng ven suối để trồng lúa, nhưng cũng vì không biết chăm sóc nên nhiều năm liền lúa không cho hạt, ngô không cho bắp.

Chỉ năm ngoái gia đình ông Khánh còn sống trong cảnh màn trời chiếu đất. Nói như ông Khánh: “Ở trong nhà mà nắng thì mặt trời chiếu cháy da, mưa thì giường chiếu ướt sũng”. Tức một túp lều rách án ngữ trên nền đất này. Khi đó, một mái che mưa che nắng còn không có thì lấy đâu ra của cải, trong túi ông Khánh cũng chẳng có tiền, nói gì đến chuyện làm nhà, làm kinh tế.

Cho đến cuối năm ngoái, Nhà nước hỗ trợ gần 5 triệu đồng theo Nghị định 62/2011/QĐ-TTg, cộng với 5 triệu đồng tiền hỗ trợ hộ nghèo làm nhà trước đó, ông mới nhờ bà con vào rừng chặt nứa đan phên và dựng được cái nhà này, tuy tuềnh toàng nhưng vẫn hơn là không có.

Trưởng làng Triệu Tài Cảnh sẵn sàng phá bỏ ruộng lúa của mình để làm đường cho bà con.

Cũng đúng thôi, đây là chốn đại ngàn âm u, huyền bí, đi lại còn không có đường thì lấy đâu ra cơm trắng, tiền tiêu hàng ngày. Ở nơi thâm sơn cùng cốc này, những gia đình như hộ ông Khánh, thậm chí nghịch cảnh hơn thế cũng không phải ít. Một trường hợp khác, như gia đình chị  Đinh Thị Tho, có đến sáu miệng ăn nhưng chỉ một người làm.

Quan sát thấy trong nhà không có tài sản gì, tôi cất tiếng hỏi về nơi để lúa, chị Tho bảo: “Hết lâu rồi, mỗi mùa chỉ được vài bao”. Hỏi về lu gạo, chị thật thà: “Còn ít lắm, chưa đi mua được”. Hỏi về thu nhập hàng tháng, chị lắc đầu “Chả biết được, không biết làm gì cho ra tiền cả”. Nhìn vào căn nhà mà gió có thể luồn thoải mái từ trước ra sau thế này tôi biết chị nói thật.

Cảnh nhà chị Đinh Thị Tho cũng rất khó khăn

Như chị nói, nhà cũng có vào mảnh ruộng, nhưng năng suất không ra gì, mỗi năm cũng cấy được 2 vụ, nhưng mất 6 tháng trong năm là đói, phải ăn ngô và sống một phần nhờ vào gạo cứu tế. Chị Tho bảo: “Dưới xuôi nhiều gạo nhưng lại không có tiền mua, mỗi lần xuống chỉ dám vác một chục cân, có khi phải đong chịu cả nửa năm vẫn chưa trả hết tiền.

Bao nhiêu năm vất vả, giờ không muốn ăn ngô ăn sắn nữa, cũng không muốn thấy cảnh con cái mới 6-7 tuổi mà hàng ngày phải đi bộ hơn chục cây số đến lớp”.

Cũng bởi Thành Xuân còn khó khăn, đặc biệt là giao thông đi lại, nên mỗi khi làng có người bị ốm cần đi bệnh viện cũng rất khó. Xuống bệnh viện huyện chỉ khoảng 50km, trạm y tế xã cũng là trạm đạt chuẩn, nhưng đi được đến hai nơi đó thì mất khá nhiều thời gian, với những người không quen đường có khi đi cả buổi mới xuống đến nơi.

Đường đi khó, hẹp, khúc khuỷu, dốc cao, vực sâu, nên có những trường hợp phải làm cáng rồi khiêng về xuôi. Cũng có những đợt về xuôi không được, người ta lại vượt dốc, leo núi, băng rừng, tìm về Bệnh viện huyện Văn Chấn (Yên Bái) để chữa bệnh. 

Khát khao một con đường

Ông Cảnh kể, dân làng Thành Xuân hiện đều là người Dao. Theo lời truyền, làng có từ thuở thú còn ở chung với người, rồi rừng thu hẹp lại. Những năm chiến tranh, người ra mặt trận, người bỏ làng đi xây dựng vùng kinh tế mới, làng đã bị xoá sổ hoàn toàn.

Rồi đến năm 1986, mấy hộ anh em đưa nhau vào sâu trong rừng, ai nấy đều vác cái bụng rỗng cầm dao, cầm cuốc phá rừng, đó là thời củ nâu, thậm chí là củ chuối, lá rừng, quả rừng đều ăn cả đều là thức ăn, là thời mà đất mới không cấy được lúa, ngô cũng chẳng cho bắp.

Dần dà, củ sắn, củ khoai, cây ngô cũng mọc lên, con cái cũng được sinh ra từ đói khổ, làng Thành Xuân cũng từ đó mà hình thành. Nhưng rồi...

Không ít bà con nơi đây mù chữ. Bởi thế mà nhiều lần xã mở các đợt tập huấn xây dựng kinh tế, tập huấn xong, họ xem rồi, nghe rồi, nhưng về đến nhà lại quên hết, cũng muốn bảo bà con đọc tài liệu nhưng họ lại không đánh vần nổi. Số còn lại thì câu được câu chăng nên cũng mò mẫm làm ăn chứ chẳng biết thế nào. Nhưng bà con ở đây đều nhận ra, vì sao đất đai của bà con ở bìa rừng ít hơn nhưng họ lại giàu hơn.

Con đường nhỏ hẹp khúc khuỷu hun hút dẫn lối vào làng Thành Xuân.

Ông Cảnh cho rằng: “Làng này không chấp nhận cảnh sống chìm trong đói rách, làng nghèo chẳng qua là do bị cô lập với bên ngoài chứ ở đây chúng tôi có tiềm năng và đang thiếu con đường để phát huy tiềm măng đó”.

Để hiểu rõ hơn về lời của ông Cảnh, tôi làm một khảo sát nhỏ về ý thức vươn lên của bà con, kết quả là ai cũng khao khát làm giàu. Trước tiên, tôi hỏi chị Lý Thị Cảnh, nhà chị làm gì để có tiền? Chị Cảnh đáp: Chẳng làm được gì cả. Đến như cây lúa, năm nào cũng nơm nớp mất trắng. Cũng muốn sớm thoát khỏi cái đói lắm.

Với điều kiện nơi đây, họ có thể trồng chè, trồng keo, mỡ và các loại cây khác. Và họ cũng biết rõ điều này. Họ cũng biết rõ, trồng rồi bán cho ai, ai đến mua khi đường đi lối lại không có. Và điều họ khao khát nhất bây giờ là có một con đường để thông thương với bên ngoài.

Nhưng nói như ông Cảnh, làm sao để bà con thoát nghèo bằng chính tiềm năng của mình, đất, rừng, sức lực, họ đều có. Thoát nghèo thực tế chứ không phải ép họ thoát nghèo cho đủ chỉ tiêu cấp trên đề ra.

Với bà con nơi đây, một con đường để giao thương với bên ngoài đang là điều mơ ước. Còn nhớ, năm 2006, có một nhà hảo tâm ủng hộ làng 10 triệu đồng, làng đã làm được một đoạn đường khó nhất, ai cũng phấn khởi. Nhưng rồi đã gần 10 năm nay, dân muốn làm tiếp nhưng chẳng có tiền, khi họp thì cũng thống nhất mỗi nhà đóng góp mỗi triệu để làm, nhưng nhiều năm rồi không thu được, dù rằng để làm nốt con đường này chỉ rơi vào khoảng 50 triệu đồng.

Quá khát khao về con đường cho dân đi lại, ông Triệu Tài Cảnh làm đơn lên xã, xã rất đồng ý về mặt chủ trương, nhưng rồi chính quyền cũng không có tiền cho bà con làm đường.

Ngẫm cũng thấy xót xa, bà con nơi đây vốn đã khổ, đã thiếu thốn đủ kiểu, họ không muốn bị cô lập giữa rừng nữa, nhưng để có thể thoát ra ngoài thì cần thiết phải có một con đường, nếu không có con đường chắc chắn người dân Thành Xuân sẽ phải khổ thêm nhiều năm nữa. 

Văn Nghĩa

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh