THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 09:47

Ngẩn ngơ trên đỉnh Pú Xi

Lặng lẽ với nghịch cảnh…


  Xã Pú Xi được thành lập năm 2012, tách ra từ xã Mường Mùn (huyện Tuần Giáo). So với Mường Mùn thì xã Pú Xi khác hẳn, heo hút, lạnh lẽo hơn nhiều. Vài năm trước, để lên được xã Pú Xi thì chỉ có nước vạch lá cây, cuốc bộ theo đường mòn. Nay đường được mở ra, nhưng chỉ cần vài hạt mưa hoặc sương rơi nặng hạt là con đường mới trở nên trơn trượt như đổ mỡ để cài bẫy người đi đường.

 

Bản Pú Xí nhìn từ xa

Và như thế, tôi được đám học trò lớp 6, người H’Mông, gồm Hờ Thị May, Hờ A Dính, Thò A Sử dẫn lối về nhà trên đỉnh Pú Xi, đúng là phải băng qua những cánh rừng, những con dốc dựng đứng và mất gần một ngày trời đi bộ với khoảng  30km mới lên đến nơi. Về đến nhà, thằng Sử lấy cơm nguội ra bát, nó xách ấm nước nóng trên bếp rót vào bát cơm rồi ăn một cách ngon lành. Còn Dính, thằng bé gầy nhom, mỏng manh, co ro, lôi từ gầm giường ra một cây mía, chặt ra làm mười mấy khúc mời mọi người, riêng nó, nó đưa lên miệng tước, và nhai, rít ngon lành. Bên bếp lửa, tôi được nghe nhiều chuyện buồn từ anh Hờ A Trang, cha của Hờ A Dính.

Bố con anh Hờ A Trang và nơi cư ngụ qua ngày

 

Có lẽ ai đó đã nói đúng, giữa tiết trời giá buốt và giữa cái đói, cái khát, con người ta gần như phó mặc cuộc sống cho số phận, cho trời xanh. Chỉ riêng Pú Xi này thôi, có hơn chục hộ nhưng khá nhiều đứa trẻ mồ côi, đứa mồ côi cha, đứa thì mồ côi mẹ, cũng có đứa mồ côi cả cha lẫn mẹ,... bởi những lý do rất đáng buồn. Như với Hờ Thị May, em có một người anh rể là trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, lấy chị họ nhiều năm rồi vẫn chưa có con. Gia đình May còn có một người cô bị điếc đang sống cùng nhà. Ngày trước cô bị viêm tai, người thân chẳng biết chữa trị bằng cách nào, bị làm sao thì cứ để như thế, rồi thì hỏng luôn tai. Giờ đây, ngoài khâu vá, người cô này chỉ biết lủi thủi vào rừng lấy củi. Nhà em rất nghèo, em học lớp 7 nhưng cơ thể chỉ bằng đứa trẻ học lớp 4 dưới xuôi. Dưới May còn có 6 đứa em, nhỏ nhất mới được hơn mười tháng. Bố May bảo: “Nhà đông con, đông miệng ăn, mùa đông đã lạnh rồi, không thể để lũ trẻ và người già đói nên cứ phải vào rừng kiếm cái ăn suốt ngày vậy đấy”.
 
Gia đình đông con như nhà May ở Pú Xi không phải ít. Bố con anh Trang cũng chẳng khá. Hai bố con nương tựa vào nhau trong căn nhà nhỏ chưa đầy 20m2 xiêu vẹo và gió thổi thông thốc tứ bề. Kể về mình, anh Trang buồn rầu: “Tôi chẳng nhớ mình năm nay bao nhiêu tuổi, vợ chết năm nào cũng không nhớ, nhưng lại nhớ rất rõ khi sinh thằng bé thứ hai được một tháng thì vợ tôi ốm, rồi mất. Một thời gian sau, thằng nhỏ khát sữa rồi bỏ đi theo mẹ. Giờ nhà chỉ có hai bố con, lúa, ngô, sắn đều không có. Tôi chẳng vào rừng lấy ngọn chíp, chẳng săn bắt được. Ai mượn tôi làm gì thì tôi ăn cơm nhà đó, còn thằng Dính, nó đi học dưới xuôi đã có Nhà nước nuôi rồi”.
 
Khó bởi sản xuất quảng canh…

100% người dân trên đỉnh Pú Xi là người H’Mông, bà con về Pú Xi khai khẩn đất đai từ những năm cuối thập kỷ 60 của thế kỷ trước.
 
Nhớ lại những ngày phát rừng làm nương, ông Giàng A Ký, Chủ tịch Hội Nông dân xã Pú Xi, không khỏi xúc động: Chiến tranh kết thúc, gia đình tôi được chuyển tới miền đất mới thuộc xã Tả Phìn, huyện Tủa Chùa, rồi lại từ Tả Phìn chuyển sang Tả Sìn Thàng, rồi chuyển tiếp đi mấy nơi nữa xong mới đến Pú Xi này. “Tôi còn nhớ, năm 1979, sau khi ăn Tết xong, nhà nào nhà nấy dìu dắt nhau lên đây. Để đến với Pú Xi, chúng tôi phải men theo lối trâu rừng mà đi, cuối cùng thì cũng lên được đỉnh núi. Thuở đó còn nhiều rừng, nhiều thú, hoang vu và lạnh lẽo lắm, lợn rừng và khỉ còn sống quẩn quanh với người. Thế nên, có khi trồng được hạt lúa – chim mổ hết, trồng được hạt ngô - khỉ bẻ hết, trồng được củ sắn - lợn ủi hết. Rồi rau rừng, thịt thú rừng trở thành thức ăn chính. Dần dà, những con thú đó hết đi, người ta lại trở về xuôi mua lợn, gà rồi gánh ngược lên Pú Xi nuôi, mua thóc giống lên đây trỉa. Mãi sau mới có được miếng ăn từ tay mình trồng, từ tay mình nuôi” – ông Ký tâm sự.
 
Ông Giàng A Ký, Chủ tịch Hội Nông dân xã Pú Xi có nhiều trăn trở về việc giúp người dân phát triển kinh tế.
Sở dĩ người dân di chuyển nhiều như vậy là vì họ quen sản xuất quảng canh, cứ phát rẫy, trồng trọt, sau khoảng 3 năm đất đai bạc màu, không cho năng suất nữa thì lại đi phát cánh rừng khác mà chưa biết đến phân bón. Ngặt nỗi, chỗ ở mới không có nhiều đất. Mà đất cũ thì lúa không cho hạt, ngô không cho bắp, sắn không cho củ nên bà con lại đi...
 
Ngày nay, Nhà nước cấm phát rừng làm nương nhưng nếp quảng canh bà con vẫn chưa bỏ được, tuy vậy cũng đã giảm đáng kể. Đồng bào H’Mông ở Pú Xi vẫn phát rẫy trỉa lúa, 3 năm sau bỏ đó đi khai hóa nơi khác, khi ở đó bạc màu, họ lại trở lại đất cũ phát cây bụi rồi tiếp tục canh tác, cứ luân phiên như vậy. Nói như trưởng bản Pú Xi, so với thời trước thì Pú Xi chẳng thay đổi là bao. Đường sá đi lại vẫn khó khăn, người dân vẫn nghèo quanh năm. Nhiều gia đình, bữa cơm chỉ quen chan nước sôi.
..… Và bởi thời tiết khắc nghiệt

Bởi khí hậu ở đỉnh Pú Xi quá khắc nghiệt nên ngoài trỉa lúa, ngô, trồng sắn, người dân chưa biết làm gì để sống. Có người còn vào rừng bắt chim, bắt sóc hoặc lấy ngọn chíp, nhưng những thứ đó đâu có nhiều để lấy mãi, săn mãi khi rừng ngày một thưa hơn, thoáng hơn. Đó cũng là lý do tại sao trên đỉnh núi Pú Xi có hơn chục nóc nhà và nhà nào nhà nấy đều trống huơ trống hoác. Thậm chí có hộ chỉ ở trong lán xiêu bên nọ, vẹo bên kia, hoặc có nhà thì chỉ là những tấm nan phên ghép lại với nhau.
Theo lời trưởng bản Pú Xi, hộ được xem là giàu ở nơi đây thì thứ mà họ có chỉ là chiếc xe máy cũ rích, cái kiềng sắt, mấy cái nồi cũ và vài bao thóc trữ ở góc nhà. Nhìn cây cối xung quanh thấy buồn. Phải như mùa hè, bà con còn trồng được bí, được ngô, sang mùa đông giá rét thì không trồng được cây gì, cũng chẳng nuôi được con gì cho ra hồn. “Nhà nước cũng đã tìm cách giúp bà con phát triển kinh tế nhưng chưa được, cũng đã trồng thử cây cánh kiến, cây sa nhân, cây thảo quả rồi nhưng không ra gì. Điều kiện trên này chỉ thích hợp với việc trồng cây táo mèo thôi, nhưng táo mèo cũng chẳng bán được là bao”, trưởng bản Pú Xi nói vậy.
 
Đường lên đỉnh Pú Xi
Trên đỉnh Pú Xi không có hộ nào bỏ xứ mà đi, nói chính xác là có đi nhưng lại trở về. Theo ông Hoàng Văn Sim, Bí thư Đảng uỷ xã Pú Xi, ở các bản khác vẫn có hiện tượng bỏ xứ.  “Kỳ thực thì với người dân trên đỉnh núi như thế này, họ có biết miền Nam, Tây Nguyên là gì? Nghe nói đất đai trong đó màu mỡ, có gia đình dắt díu nhau di cư vào Nam, nhưng cuộc sống không ổn định nên lại về với Pú Xi. Thế nhưng, đường trở về của những hộ dân thử liều một lần ra đi cũng khó khăn lắm, bởi toàn bộ đất đai tài sản đã bán hết trước đó” – ông Sim ngậm ngùi.
 
Đỉnh Pú Xi là vậy, thoáng qua thấy đẹp, nhưng hiểu sâu thấy buồn, buồn đến ngẩn ngơ...

 

Bí thư Đảng uỷ xã  Hoàng Văn Sim cho biết: “UBND xã Pú Xi được hỗ trợ quạt điện, máy tính, bóng điện, máy nổ,… trong chương trình tách xã. Dĩ nhiên khi những máy móc này hoạt động sẽ mang lại hiệu quả công việc khá lớn, nhưng tiếc thay, những thiết bị hữu ích này lại biến thành vật trang trí, bởi một lý do rất thực: Không có tiền đổ xăng, mà nơi đây lại chưa biết bao giờ sẽ có điện. Thậm chí muốn đánh máy báo cáo gửi về huyện thì cũng chạy xe máy 30km xuống xã Mường Mùn đánh máy rồi gửi đi, chứ không dám chạy máy nổ”. 

VĂN NGHĨA

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh