CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:59

Khe Nhao ký sự

Một góc Khe Nhao.

Tôi và một người bạn là người địa phương cùng theo chân cô giáo mầm non tên Nguyễn Thị Hiên ngược dốc lên bản Khe Nhao. Cô giáo Hiên là người Kinh, có nhà ở gần trung tâm xã. Cô Hiên lên đây bám bản đã gần chục năm nên mọi đổi thay ở vùng đất này gần như cô đều nắm rõ.

Ở Khe Nhao có nhiều ngôi nhà khá kiên cố, được làm từ gỗ quý lấy trong rừng, nước dùng cũng thoải mái, bởi đây là nước tự nhiên chảy từ mạch rừng ra. Ấn tượng hơn là những thửa ruộng bậc thang mơn mởn, những vạt chè xanh tươi tốt, những rừng gỗ to chắc...

Nhưng khoan hãy nói về những hình ảnh đó, trước tiên cô giáo Hiên kể cho tôi nghe về lũ trẻ người Mông, nơi lớp cô phụ trách. Tôi hỏi, cô Hiên cười, cười bởi theo cô, chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhiều chuyện bi hài đến mức không cầm được nước mắt.

Ví dụ, trước khi đến lớp, lũ trẻ được bố mẹ nấu cơm cho vào hộp rồi đem đi, đến trưa lấy ra ăn. Ấy vậy mà đường đến trường thấy bặt bặt, hoặc nặng tay ngại xách là chúng lôi ra ăn, ăn hết rồi mới đến trường, đến buổi trưa lại ngồi nhìn đứa khác ăn, trông đến tội nghiệp.

Phụ nữ Mông dùng máy cắt chè.

 Dừng lại hồi lâu, cô Hiên lặng người, kể tiếp: “Có hôm, thấy đứa ngồi dưới cuối nhà xúc cơm ăn ngon lành, thấy cơm có màu đỏ, tôi cứ tưởng cháu ăn cơm với bí ngô, ngẫm cũng an tâm vì có đứa chỉ có cơm chứ không có thức ăn, vì dù sao bí cũng là thứ có chất. Nhưng cứ thấy đứa bé 2 tuổi nhai mãi, mãi mới chịu nuốt, tôi sát lại gần mới hay đó không phải là bí mà là ngô, loại ngô đỏ mà dưới xuôi chỉ dùng để chế biến thức ăn chăn nuôi.

Đúng là bên cạnh một số nhà giàu vẫn còn nhà nghèo và lạc hậu, bắt trẻ 2 tuổi nhai ngô thì các em sao nuốt nuổi”. Có lần cô Hiên đi vận động người lớn, là hộ nghèo trong bản, chăm lo dạy dỗ con cái, họ bảo với cô rằng: “Chúng tôi có biết chữ đâu mà dạy con được. Cầm sách lên chả biết đọc thế nào”. Hoặc, cô Hiên nói họ nên đẻ ít, họ bảo “Cũng muốn đẻ ít nhưng chẳng hiểu sao cứ mang bầu, mà mang bầu rồi thì lại phải đẻ...”.

Một góc nhà trưởng bản, phía sau là mô hình trồng gỗ kết hợp trồng chè.

          Nói đến chuyện người Mông ở Khe Nhao không biết chữ, không biết nói tiếng Kinh, dẫn đến lạc hậu, tôi được nghe cô giáo Hiên cùng người bạn đi đường kể về hủ tục treo người chết của người Mông- là tục mà năm xưa bà con mang theo khi di cư đến Khe Nhao.

Theo đó, mỗi khi có ai qua đời, bà con đặt người chết lên một tấm ván rồi treo trong khoảng không gian giữa nhà, độ cao khoảng 1,2m, trước tiên là treo đầu hướng vào trong tường, chân hướng ra cửa chính, hôm sau lại treo ngang theo hướng đầu quay vào trong buồng, chân hướng về cửa phía trái nhà, có người chết “được” treo hàng tuần mới đi chôn, một số nơi còn có tục bón cơm cho người chết vào mỗi bữa ăn.

Nghi thức cúng treo người chết luôn đi cùng nghi thức giết trâu, giết bò, giết lợn, mời làng đến ăn uống để tiễn đưa người chết về với tổ tiên. Là giáo viên cắm bản nên cô Hiên nhiều lần được mời đi dự đám tang, chứng kiến nhiều điều mà cô cho là rất ghê sợ.

Tuy vậy, như cô Hiên nói: “Ngẫm, họ quý thì mới mời mình, không đi không được mà đi thì sợ. Rồi tôi cũng đánh liều đến dự, nhưng chỉ dám đặt lễ rồi đứng từ xa quan sát. Sau khi treo người chết trong nhà mấy ngày, bà con còn mang ra ngoài rẫy ngô phơi. Ví dụ như xác định 3 giờ chiều chôn thì sáng hôm đó người ta đã khiêng người chết ra rẫy từ lúc 8 giờ sáng rồi đóng cọc treo lê, chẳng có cỗ ván, quan tài gì cả.

Trâu bò được cột ở dưới và làm thịt ngay ở dưới, dân bản cũng tập trung ăn uống tại chỗ. Mùi người chết, mùi thịt trâu sống, mùi của núi rừng,... đủ các thứ mùi, đấy là chưa kể đến trường hợp người chết do tai nạn, để mấy ngày, máu me chảy, rỉ rơi xuống đất tanh hôi, vậy mà bà con vẫn thản nhiên ăn uống như chưa có chuyện gì xảy ra...”.

Những ruộng lúa tươi tốt trên đỉnh Khe Nhao.

Bi hài hơn như việc một người con gái Tày lên đây làm dâu, khi chết người Mông muốn làm lễ theo cách của người Mông, người Tày lên lo tang lễ lại muốn làm theo cách của người Tày. Vậy là một đám tang nhưng làm theo hai phong tục, khâu khâm liệm, cúng bái là cách của người Tày, còn cúng bái chôn cất là theo cách của người Mông.

Được chính quyền phân tích cặn kẽ nên cái tục treo người chết đã được xoá bỏ được một vài năm nay. Giờ đây bà con chôn cất người chết cũng có quan tài và bớt đi một số hủ tục rườm rà. Nhưng tục thách cưới vẫn còn. Người bạn đi cùng tôi kể: “Vừa rồi tôi có anh họ là người Tày, yêu một cô gái người Mông trên bản Khe Nhao, phía nhà gái ra lời thách cưới 18 triệu đồng.

Nếu không chồng đủ tiền, nhà họ sẽ không cho cưới. Và, đã có đám cưới diễn ra êm đẹp sau khi nhà trai nộp đủ số tiền đó”. Theo một số người dân thì “tục thách cưới ở Khe Nhao đã giảm đi nhiều rồi”.

“Người Mông ở đây rất kiên cường” - đó là kết luận của ông Nguyễn Cao Cường, Chủ tịch xã Nghĩa Tâm. Ông Cường bảo, ngày xưa tan hoang lắm, nhưng giờ họ văn minh rồi, hủ tục đã bỏ đi gần hết, chỉ một số nhà đói ăn vào mùa giáp hạt, còn lại hầu như gia đình nào cũng có xe máy, ti vi, tủ lạnh, có nhà còn mua két sắt để cất tiền. 

Ổng Cường kể: “Năm 2005, một trận lũ kinh hoàng đã xảy ra với Khe Nhao. Lũ về bất chợt, cuốn đi tất cả, mọi mái nhà, mọi thửa ruộng, đường đi, cây cối đều không còn, khắp làng trở nên tang thương khi có gần chục người chết, ngôi làng tưởng như bị xoá xổ, dân bản tưởng như không gượng dậy được, nguy cơ một cuộc di cư mới diễn ra. Nhưng rồi...”

Nhớ lại năm đó, ông Giàng A Giàng kể: Ngày lũ về, nhà tôi đây, có mấy ruộng lúa đều bị đất đá, cát sỏi vùi lấp. Ngô cũng gãy hết. Nhà cửa không có, muốn bỏ xứ đi tìm đất mới nhưng lại chẳng biết đi đâu. Chán nản nhưng trước cái đói, cả nhà xúm lại đào lớp đất đá ấy bỏ đi. Mất một tháng trời mới xong. Xong rồi lại về xuôi mua chịu giống về trồng. Giờ, không riêng gì nhà tôi, hầu hết nhà nào cũng thoát nghèo chỉ sau chục năm phấn đấu,...

Bà con người Mông ở Khe Nhao kiên cường thật, chẳng thế mà khi lên đến đây, tôi được tận mắt chứng kiến những ruộng lúa, những vạt chè và rừng gỗ to đang chuẩn bị khai thác. Bà con Khe Nhao thoát nghèo một phần cũng bởi cây chè, cả xã có 4 HTX thu mua, chè bà con làm ra không đủ mua nên họ hoàn toàn yên tâm. Cùng với đó là những chàng trai, cô gái người Mông cần mẫn, gắn mình với gốc chè nương lúa.

Lâu nay, nghĩ đến người Mông, tôi hình dung bà con sống trên những ngọn núi cao, nơi có những mỏm đá tai mèo sắc nhọn, họ khơi đá trỉa ngô và ăn độn quanh năm. Ở Khe Nhao cuộc sống cũng diễn ra trên núi, nhưng bà con biết làm kinh tế, trồng chè, họ có máy cắt chè hẳn hoi, rất chuyên nghiệp và khoa học. Những cảnh đó đã khiến người bạn đi cùng không ngừng hồ hởi rồi hí hoáy chụp ảnh.

Khi được hỏi về cái đói quằn quại, ông Giàng A Tủa cười bảo: “Không thiếu ăn nữa đâu, trồng chè cũng được lắm, sau khi trừ phân tro rồi cũng dư dả được ít, cộng với trồng lúa, trồng gỗ nữa là đủ ăn”.

Phía sau bản là rừng nguyên sinh, số lượng không phải là nhiều song bà con có ý thức không xâm phạm đến, họ hiểu rằng giữ lại rừng là giữ lại con nước. Bù lại, bà con trồng gỗ để phát triển kinh tế, nhiều gia đình đã thoát nghèo như nhà trưởng bản, nhà bí thư chi bộ, và hàng chục nhà khác.

Theo lời ông chủ tịch xã, các hộ nhà anh Giàng A Lữ, Giàng A Giàng có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Tuy bà con nơi đây vẫn có có những lạc hậu nhưng chất lượng cuộc sống đã dần được nâng lên, trẻ con đều có ý thức đi học,... Trong chuyến đi này, tôi cũng đến thăm bà cụ đã 103 tuổi, và nhiều cụ đã bước qua tuổi 90.

Nói như ông Cường - Chủ tịch xã: “Nếu có chính sách ưu tiên gì, chúng tôi đều dành cho Khe Nhao. Phải thừa nhận rằng đó là tiền đề cho sự phát triển, nhưng yếu tố quan trọng nhất vẫn là bà con tự ý thức thoát nghèo bền vững...”. 

HẠNH NGUYÊN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh