THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:15

Dệt may khó tuyển lao động chất lượng cao

Trong bối cảnh hội nhập, các doanh nghiệp (DN) dệt may càng có nhiều cơ hội tiến sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, để tăng năng suất lao động (LĐ) thì việc áp dụng khoa học công nghệ là giải pháp hữu hiệu nhất trong bối cảnh hội nhập.

Đối mặt với dịch chuyển nhân lực, khó tuyển LĐ chất lượng cao

Theo “Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp dệt may đến năm 2020, tầm nhìn 2030” do Bộ Công Thương ban hành, bình quân mỗi năm ngành dệt may cần thêm khoảng 160.000 LĐ, chưa kể phải bổ sung cho số LĐ đến tuổi nghỉ hưu và rời bỏ ngành. Đây thực sự là một áp lực rất lớn, trong khi hiện tại LĐ ngành này đang rất thiếu và yếu cả về LĐ trực tiếp hay chức danh quản lý, kinh doanh và chuyên môn nghiệp vụ. Nếu không nhanh chóng giải bài toán nguồn nhân lực, thì khi xóa bỏ rào cản thuế quan vào cuối năm 2015, dệt may Việt Nam sẽ khó cạnh tranh được với các nước khác ngay trên sân nhà.

Theo ông Mai Văn Thiên, Phó trưởng Ban Quản lý nguồn nhân lực,Tập đoàn dệt may Việt Nam, nhu cầu tuyển dụng nhân lực của Tập đoàn dệt may Việt Nam rất lớn vì tại hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước Tập đoàn đều đã và đang đầu tư xây dựng các nhà máy lớn, thu hút hàng ngàn LĐ. Điển hình như Nhà máy may Vinatex An Biên đã khởi công tại Kiên Giang, dự kiến cần 1.500 LĐ; Nhà máy May Vinatex tại Cần Thơ đang hoạt động và có quy mô khoảng 1.500 LĐ…

Riêng tại TP.HCM, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường LĐ TP.HCM cho biết, thị trường LĐ TP.HCM đang tăng trưởng tới 19% so với các năm trước, trong đó nhóm ngành công nghiệp dệt may có mức tăng trưởng cao nhất. Dự báo trong 3 tháng cuối năm nay, thị trường LĐ tại TP.HCM sẽ cần tuyển 165.000 LĐ, tập trung vào nhiều ngành, trong đó có dệt may. Tuy nhiên, hiện nay các DN ngành dệt may, nhất là khu vực phía Nam phải đối mặt với một thực trạng là sự dịch chuyển nhân lực, khó tuyển được LĐ chất lượng cao.

Do yêu cầu về LĐ của ngành này tăng cao nên khả năng đáp ứng của cơ sở đào tạo không theo kịp, dẫn đến tình trạng tranh giành LĐ giữa các DN trong ngành tăng lên mức báo động. Khi tình trạng này xảy ra, các DN càng ngại đào tạo người LĐ, vì khả năng họ rời bỏ Cty sau khi được đào tạo là quá lớn. Giải pháp được nhiều DN áp dụng là tăng thu nhập để giữ chân người LĐ hơn là tập trung đào tạo.

Trước thực trạng nêu trên, ông Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, các DN để giữ chân người LĐ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thì cần có các chính sách hỗ trợ để kích thích công nhân tự nâng cao tay nghề, cụ thể là chế độ tiền lương, tiền thưởng vượt định mức phải thiết kế công bằng, hợp lý phù hợp với sự đóng góp của người LĐ.

Tổng nhân lực của ngành dệt may hiện khoảng 2,5 triệu người, nhưng lao động công nghiệp chỉ chiếm khoảng 15%. Nghiêm trọng hơn, trên cả chuỗi cung ứng, trừ những khâu liên quan đến sản xuất may và sợi, thì nhân lực của ngành thiếu toàn diện, gần như không có đơn vị nào đào tạo lực lượng này.

Áp dụng khoa học kỹ thuật tăng năng suất LĐ

Theo đó, để tăng năng suất LĐ, hiện nay, ngành Dệt may áp dụng một số mô hình để tăng năng suất LĐ và đã cho những kết quả khả quan. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp (DN) dệt may của Việt Nam đã áp dụng mô hình sản xuất tinh gọn- Lean Manufacturing (gọi tắt là Lean) như một giải pháp nhằm nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa và được xem là hoạt động tạo giá trị gia tăng cho các DN.

Lean là một nhóm công cụ và phương pháp, hiện đang được áp dụng ngày càng rộng rãi trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nhằm loại bỏ lãng phí và những bất hợp lý trong quy trình sản xuất, để có chi phí thấp hơn và tính cạnh tranh cao hơn cho nhà sản xuất. Tiến sĩ Hoàng Xuân Hiệp - Hiệu trưởng Trường đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội - đơn vị tư vấn Lean cho nhiều DN dệt may cho biết: “Lean sau khi áp dụng sẽ mang lại cho DN nhiều lợi ích như: giảm phế phẩm, giảm sự lãng phí; giảm thời gian quy trình và chu kỳ sản xuất; giảm thiểu mức hàng tồn kho ở tất cả công đoạn sản xuất; bảo đảm công nhân đạt năng suất cao nhất trong thời gian làm việc; tận dụng thiết bị và mặt bằng; có khả năng sản xuất nhiều loại sản phẩm khác nhau một cách linh động hơn với chi phí và thời gian chuyển đổi thấp nhất…”

Theo đó, tại Tổng cty May 10, sau khi áp dụng mô hình sản xuất tinh gọn- Lean Manufacturing (gọi tắt là Lean) thì năng suất LĐ tăng 52%; tỷ lệ hàng lỗi giảm 8%, giảm giờ làm 1 giờ/ngày; tăng thu nhập trên 10%, và giảm chi phí sản xuất từ 5-10%/năm. Cũng nhờ áp dụng Lean, năng suất LĐ toàn hệ thống của Tổng cty May Nhà Bè đã tăng hơn 20% và điều quan trọng hơn là tạo sự cộng hưởng thi đua trong sản xuất của các đơn vị. Năng suất, chất lượng của từng dây chuyền đã được ổn định và kiểm soát qua từng giờ sản xuất. Thu nhập của người LĐ tăng lên đáng kể. Đặc biệt từ khi áp dụng Lean, May Nhà Bè đã giảm giờ làm cho công nhân 1 giờ/ngày, được nghỉ chiều thứ 7 và tuyệt đối không phải làm ca, kíp.

 

Theo “Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp dệt may đến năm 2020, tầm nhìn 2030” do Bộ Công Thương ban hành, mục tiêu tổng quát là xây dựng ngành dệt may trở thành một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn, đặc biệt tạo được nhiều việc làm cho xã hội, quản lý LĐ, quản lý môi trường theo các chuẩn mực của quốc tế. Ngành dệt may hiện thu hút gần 2,5 triệu LĐ, để đáp ứng với mục tiêu phát triển ngành dệt may, dự kiến đạt 3 triệu LĐ vào năm 2020.

Thanh Nhung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh