THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 01:32

Nỗi vất vả của công nhân dệt may

Chật vật sống qua ngày

Sống giữa Thủ đô nhưng thu nhập của chị Nguyễn Thị Lan, công nhân Cty may Hanosimex, Hà Nội chỉ 3-4 triệu đồng/tháng. Cty của chị Lan cách nhà 15km, vì thế để đảm bảo đúng thời gian làm việc, ngày nào chị cũng phải ra khỏi nhà từ 6 giờ 30 đến tận 19 giờ mới về đến nhà. Vào những đợt cao điểm phải tăng ca thì 20 giờ - 21 giờ chị Lan mới về được đến nhà. “Thu nhập mỗi tháng của tôi chỉ hơn 3 triệu đồng nên sinh hoạt phí của gia đình rất tằn  tiện. Ngoài các khoản tiền “cứng” như: Tiền học cho con, tiền điện, nước, xăng xe thì các khoản chi tiêu còn lại phải luôn cân, đo, đong, đếm nếu không muốn âm tiền vào cuối tháng. Cũng có những tháng, công ty nhiều việc, đơn hàng nhiều làm thêm giờ thì tổng thu nhập được gần 5 triệu đồng, bù được phần nào những tháng “lõm”. Vì thế, tôi cũng như nhiều công nhân khác, tháng nào cũng mong được làm thêm, tuy vất vả hơn nhưng có thêm thu nhập”- chị Lan chia sẻ.

Tình cảnh của chị Lan giống với hàng vạn lao động ngành dệt may đang phải đối mặt. Rất nhiều công nhân còn kém may mắn hơn chị Lan vì còn phải thuê nhà trong điều kiện thu nhập eo hẹp đành chấp nhận gửi con về quê cho ông bà. Chị Ngô Thị Thu Thủy, hiện đang làm việc cho một Cty may tại TP.Hồ Chí Minh với mức lương 4 triệu đồng/tháng. Chồng chị Thủy cũng là bảo vệ của Cty. Thu nhập của 2 vợ chồng chỉ ở mức 7 triệu đồng/tháng, trong khi tiền thuê nhà, điện nước đã ngốn hết 3 triệu đồng/tháng. Khoản tiền còn lại không đủ để nuôi 2 đứa con ăn học tại thành phố nên vợ chồng chị Thủy tính cách gửi 2 con về ông bà ngoại tận Hà Tĩnh. Chị Thủy nghẹn ngào: “Hai Vợ chồng cũng đã tằn tiện và tính toán chi li nhưng thú thật khoản tiền lương của 2 vợ chồng không đủ để trang trải cuộc sống và nuôi 2 con ăn học. Không có hộ khẩu thành phố nên chấp nhận gửi trẻ ở trường tư thục, mỗi cháu đã mất 1,5 triệu đồng/tháng. Nếu trừ tiền nhà và tiền học, mỗi tháng chỉ còn dư đúng 1 triệu đồng không đủ để ăn uống, sinh hoạt. Hai năm nay, vợ chồng tôi gửi con về ông bà ngoại tận Hà Tĩnh, mỗi tháng gửi về 1,5 triệu đồng để đóng tiền học, còn ông bà ăn gì cháu ăn cùng. Đã 2 năm mà bố mẹ chưa một lần về thăm con. Quê xa, mỗi lần về cũng tốn gần chục triệu đồng, lấy đâu ra...”.

Công nhân dệt chịu nhiều thiệt thòi

Trong chiến dịch thanh tra lao động ngành may mặc năm 2015 do Bộ LĐ-TB&XH và Tổ chức Lao động quốc tế tổ chức, thanh tra lao động đã phối hợp với các đối tác tiến hành thanh tra 152 doanh nghiệp dệt may tại 12 tỉnh, thành phố. Kết quả cho thấy nội dung vi phạm nhiều nhất là huy động người lao động làm thêm quá số giờ quy định, có tới 60 doanh nghiệp vi phạm. Kết quả thanh tra cũng cho thấy, chính người lao động tự nguyện chấp nhận làm thêm giờ, thậm chí mong được làm thêm giờ để trang trải cuộc sống.

Về tiền lương, có 47 doanh nghiệp chưa làm định mức lao động hệ thống thang, bảng lương; 36 doanh nghiệp chưa trả lương ngày chưa nghỉ hằng năm của lao động hoặc chưa nghỉ hết số ngày; không thực hiện trả lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ. Hầu hết các doanh nghiệp trả lương đúng bằng mức lương tối thiểu vùng (chỉ thêm 5% phụ cấp nghề độc hại và 7% với lao động đã qua đào tạo); trong khi người lao động của ngành dệt may chủ yếu là nữ. Không đủ trang trải mức sống tối thiểu, thuê nhà và nuôi con, nên họ đều phải tự nguyện làm thêm giờ theo yêu cầu của chủ sử dụng lao động...

Rất nhiều công nhân lao động ngành dệt may đang phải dốc sức làm thêm vì thu nhập thấp, lương không đảm bảo cuộc sống. Nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp đang đè nặng lên họ. Theo GS, TS Lê Vân Trình, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật an toàn vệ sinh lao động Việt Nam, bệnh nghề trong ngành dệt  may chủ yếu là bệnh bụi phổi bông và bệnh giãn tĩnh mạch chân... Đặc biệt, bệnh giãn tĩnh mạch chân lại chưa được đưa vào danh mục bệnh nghề nghiệp được Nhà nước bảo hiểm, mặc dù nó có thể gây phù chân, tạo thành huyết khối, làm tắc nghẽn, dễ gây vỡ các mạch máu ở phổi khi người lao động làm việc gắng sức.

Theo các chuyên gia, một trong những sai phạm phổ biến trong ngành dệt may hiện nay là việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, nhất là các doanh nghiệp ở vùng sâu, vùng xa, doanh nghiệp tư nhân. Ngay cả những doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động thì mức đóng cũng rất thấp.    

KHÁNH VÂN/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh