Đêm trên tháp Pô Sha Inư
- Văn hóa - Giải trí
- 16:04 - 05/03/2016
Dù đã từng đến nhiều lần trong những sự kiện, nhưng có lẽ với hiện tại nhóm đền tháp Pô Sha Inư cho một cảm giác yên bình, thi vị giữa đêm trăng tháng giêng. Cũng chưa bao giờ khu vực của tháp Chăm lại sạch sẽ, và nhiều màu sắc đến vậy.
Cờ phướng, cổng chào được bài trí như một ngày hội xuân đúng nghĩa. Đi sâu vào bên trong hình ảnh quê hương lại được thu nhỏ qua từng bức ảnh của chính những người con sinh ra và lớn lên ở đây lưu giữ qua từng thời khắc trong cuộc sống. Hơn 80 ảnh nghệ thuật chủ đề “Bình Thuận quê hương tôi” được sắp đặt theo lối đi dễ chừng là cách để du khách thập phương, người địa phương xa xứ thấy quê hương vẫn sẽ nằm trong ký ức của mỗi người. Trong không gian của nhóm đền tháp Pô Sha Inư - di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật không thể thiếu hơi thở văn hóa nghệ thuật dân gian Chăm lâu đời. Văn hóa nghệ thuật Chăm độc đáo trong từng tiếng trống ghi - năng, tiếng dìu dặt của Saranai... Mỗi đêm, chương trình thu hút không ít du khách trong và ngoài nước thưởng lãm. “Không chỉ đến diễn nghệ thuật, chúng tôi cũng mong muốn đời sống thực tế của cộng đồng người Chăm được tái hiện, từ làng nghề dệt thổ cẩm, gốm, làm bánh gừng... do chính tay nghệ nhân biểu diễn, góp phần tạo nên không gian thú vị để phục vụ du khách” - ông Đặng Văn Hưng, Trưởng Ban quản lý di tích Tháp Pô Sha Inư chia sẻ.
Không dừng lại phục vụ những giá trị văn hóa tín ngưỡng, các em nhóm khuyết tật Tranh cát Khát Vọng (TP. Phan Thiết) còn trình diễn thủ pháp vẽ chân dung bằng cát, tặng chữ thư pháp, trưng bày hình ảnh tư liệu về Phan Thiết xưa, ảnh tư liệu các lễ hội tiêu biểu tổ chức tại Bình Thuận; tranh thêu; bản đồ cổ về Trường Sa và Hoàng Sa... Những hoạt động sôi nổi ấy đã góp phần cho không gian mùa xuân trên tháp cổ Pô Sha Inư sinh động hơn bao giờ.
Đêm trên tháp PôSha
Chỉ trong dịp đầu xuân, di tích tháp PôSha Inư đã đón tiếp trên 8.000 lượt khách, tính đến mùng 7 Tết (tức 14/2) trong đó có trên 1.500 khách nước ngoài, đặc biệt trong 4 ngày (mùng 3 đến 6 tết) đón trên 6.000 du khách, nguồn thu phí tham quan trên 70 triệu đồng. Đáng mừng ở chỗ, du khách đông đúc nhưng tình hình an ninh trật tự được đảm bảo tuyệt đối. Không có trường hợp trộm cắp, móc túi hoặc những trường hợp ảnh hưởng đến tính mạng du khách. Điều đó rất đáng mừng, bởi vị trí của nhóm đền tháp nằm ở khu vực đồi núi và có phần hiểm trở, đời sống dân trí ở đây còn thấp. “Nhiều năm trước ở đây rất phức tạp, nhậu nhẹt, quậy phá, nhiều trường hợp tiêm chích ma túy cũng xảy ra, nên chúng tôi từng bước cố gắng, phối hợp với chính quyền địa phương tháo gỡ. Nói thật, bây giờ thì khá ổn” - ông Hưng cho biết.
Từ lúc tiếp nhận, muốn hay không vẫn thấy sự thay đổi của khu vực di tích tưởng chừng đã khó vực dậy. Nhưng với quyết tâm và sự đồng hành của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận, đã thay đổi dần diện mạo của địa danh du lịch này. Khuôn viên cây xanh được mở rộng, thông thoáng sạch sẽ như một công viên thu nhỏ để du khách có thể dừng chân nghỉ ngơi, đón gió và ngắm nhìn một góc Phan Thiết trong đêm tuyệt đẹp. Ông Đặng Văn Hưng khẳng định: “Tôi hiểu rằng, đây là di tích có giá trị lịch sử, một nơi tâm linh của cộng đồng người Chăm, đồng thời cũng là nơi để mọi người có thể tìm hiểu về văn hóa dân tộc nên tuyệt đối chúng tôi không để xảy ra hiện tượng chèo kéo, cướp giật, móc túi du khách, mê tín dị đoan, lưu hành ấn phẩm văn hóa trái với quy định Nhà nước”.
Hy vọng rằng với sự nỗ lực đó, Ban quản lý di tích Tháp Pô Sha Inư sẽ góp sức để bảo tồn những giá trị văn hóa, xây dựng hình ảnh điểm đến lưu lại trong lòng du khách ấn tượng tốt đẹp và lâu dài. Và nếu một lần trong đêm trăng tháng giêng, từ trên ngọn đồi Ông Hoàng, phóng tầm mắt về Phan Thiết với ánh điện lung linh cùng với ánh trăng đang đùa vui với gió sẽ thấy tiềm ẩn của địa danh này.