Huyền thoại ngọn núi Ngọc Hoàng du xuân
- Văn hóa - Giải trí
- 19:02 - 29/12/2015
Múa điệu Rắk Lây
Huyền thoại và dấu ấn người Rắk Lây
Có người nói tôi rằng, chỉ cần vài giờ đồng hồ là đã có thể đi hết các điểm kỳ thú trong công viên Yang Bay. Nhưng để tìm hiểu thì phải hết cả một ngày. Thế nên có nhiều đoàn khách khi đến đây còn dựng lều bạt ở lại qua đêm để thưởng thức và trải nghiệm không gian tuyệt hảo này. Để lại nhiều ấn tượng nhất với chúng tôi không phải là những trò chơi do con người kiến tạo nên mà là những chuyện kể văn hóa, những trầm tích văn hóa.
Những người Rắk Lây ở vùng đất này vẫn truyền tụng nhau một huyền thoại là Ngọc Hoàng nhiều lần hạ thế xuống núi Yang Bay để du xuân. Trò chuyện với chúng tôi, ông Pi Năng Út vẫn tin rằng, thần linh vẫn hiện hữu trong niềm ngưỡng vọng đến cái tốt đẹp nhất của người Rắk Lây. Ông Pi Năng Út, tâm sự: “Đã đi qua 81 mùa rẫy rồi tôi vẫn nhớ như in câu chuyện của những già làng trước đó kể rằng, vào một ngày nắng vàng trải rộng khắp mênh mông. Cây cỏ nở xanh ngát cả một vùng. Từ trên xanh cao thăm thẳm, Ngọc Hoàng đã hạ giới để thăm thú cảnh đẹp. Lúc này người dân mới bừng nhớ là mùa xuân đã về. Suốt những ngày sau đó Ngọc Hoàng vẫn tiếp tục rong chơi ở vùng đất này”.
Hoa anh đào nở rộ ở Yang Bay khi xuân sang
Ngoài ngọn núi thì dòng thác Yang Bay bốn mùa tung bọt trắng xóa, nước trong lành được ví như một nàng công chúa ẩn mình giữa non xanh. Từ truyền thuyết đó đến nay dù công viên Yang Bay đã được đưa vào phục vụ du lịch thì cộng đồng người dân ở mảnh đất Khánh Vĩnh vẫn luôn tự hào và xem Yang Bay là niềm tự hào của mình.
Cây Mộc Thần 8 mặt
Dưới chân của núi Yang Bay, nép mình bên dòng thác Yang Bay còn có một cây cổ thụ in đậm nhiều dấu tích văn hóa và tín ngưỡng linh thiêng của người Rắk Lây đó là cây Mộc Thần. Cây Mộc Thần mọc lên từ lúc nào không còn ai nhớ rõ, chỉ biết rằng có từ rất lâu. Người ta tin rằng, Ngọc Hoàng từng ngồi dưới bóng mát của cây này. Mỗi mùa vụ, mỗi năm mới, mỗi niềm vui, mỗi nỗi buồn... người Rắk Lây xưa kia đều đến trò chuyện với cây Mộc Thần. Họ xem đó như một biểu trưng của thần rừng, của sự chở che cho dân làng được bình an. Có thể chỉ là sự hình thành ngẫu nhiên của tạo hóa nhưng cây Mộc Thần mọc lên có 8 mặt, tượng trưng cho 8 vấn đề quan trọng của cuộc sống đó là: Sức khỏe, tình duyên, sự nghiệp, học hành, gia đình, tiền bạc, cầu tự, tâm an.
Chơi đàn đá Rắk Lây
Cách cây Mộc Thân ít bước chân, người Rắk Lây xưa còn khai quật được hàng trăm thanh đá. Những thanh đá chạm nhẹ tay vào cũng phát ra những âm thanh như chim hót, như tiếng đại ngàn vang vọng. Trải qua những thăng trầm, nhiều thanh đá bị mất đi. Hiện nay còn lại chưa đầy 30 thanh được Ban quản lý Khu du lịch Yang Bay tập hợp về và mời chính những người Rắk Lây chính hiệu tập luyện đàn đá để gìn giữ và biểu diễn cho du khách xem, nhất là mỗi độ xuân về. Những bài nhạc mang hơi thở nồng nàn của người Rắk Lây mỗi lần cất lên khiến mê hoặc cả lòng người như: Gọi bạn tình, Yang Bay hồn núi, Rắk Lây tình sâu, chiều bên suôi... Già làng Pi Năng Hao, một trong những người đầu tiên tìm thấy những thanh đá kỳ diệu này, tự hào: “Rất may biểu trưng văn hóa này vẫn được Công viên Yang Bay gìn giữ và phát huy. Mất đàn đá ấy là coi như mất đi một phần hồn của người Rắk Lây mình rồi đấy”.
Những trò chơi kỳ thú
Cùng với những dấu ấn lịch sử, văn hóa, các trò chơi trong khung cảnh thiên nhiên cùng mặt hồ nước mêng mông dưới chân ngọn thác Yang Bay quanh năm gợn sóng sẽ là sự gọi mời đầy hấp dẫn cho du khách. Nhiều người đánh giá, Yang Bay thuộc về mảnh đất được thiên nhiên ưu ái thu hút khách gần xa ghé đến suốt 4 mùa. Nếu mùa hè trời nắng chói thì có những tán cây xanh mát cùng hoa tự nhiên điểm tô dòng suối xoa dịu. Xuân đến, những loài hoa này khoe sắc, đua hương, khiến lữ khách phải dừng chân...
Sau khi lâng lâng với rượu cần, say lòng với tiếng đàn đá của người Rắk Lây thì cuộc đua của những chú heo rừng được thuần chủng trong trò chơi “Đua heo” sẽ khiến cho khách tham quan có nhiều khám phá mới. Những chú heo được người dân tộc nuôi, như mặc định trong ý nghĩ chỉ để xẻ thịt thì giờ đây ở Yang Bay những chú heo ấy biết nghe theo hiệu lệnh, biết cạnh tranh nhau từng cen ti mét trên đường đua khốc liệt.
Đua heo ở Yang Bay
Sau đua heo là trò chơi câu cá sấu. Khách du lịch sẽ được trực tiếp cầm cần câu để đùa giỡn với những chú cá sấu khổng lồ. Với khách ưa mạo hiểm, với sự trợ giúp của nhân viên huấn luyện cá giúp có thể được trực tiếp chạm vào những chú cá sấu này.
Cùng với trò chơi câu cá sấu là cưỡi đà điểu. Những chú đà điểu châu Phi khổng lồ sẽ cho khách du lịch có những phút giây lắc lư trên lưng như đang cưỡi ngựa. Vừa đi vừa ngắm cảnh. Trong công viên Yang Bay còn có những món ăn truyền thống của người Rắk Lây. Những món ăn này càng độc đáo hơn khi đầu bếp cũng chính là những người Rắk Lây mến khách.
Để cho khách được thêm phần trải nghiệm phong phú, khi có yêu cầu khách còn được các nghệ nhân người Rắk Lây trực tiếp hướng dẫn chơi vài điệu đàn đá cơ bản.