THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 02:39

Du xuân ở Phú Quốc

1. Chỉ sau chừng 40 phút bay, chúng tôi đã đặt chân xuống Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc. Cảm nhận đầu tiên của tôi khi đặt chân đến hòn đảo cực nam của Tổ quốc là khí hậu, môi trường trong lành. Trước đó, từ trên máy bay nhìn xuồng, đảo ngọc hiện lên giữa trùng khơi xanh ngắt, rừng núi trập trùng, ẩn hiện quanh đó là nhiều đảo nhỏ nhấp nhô đùa giỡn cùng sóng biển.

Toàn huyện đảo Phú Quốc hiện có 136 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn 140.215 tỷ đồng, tổng diện tích hơn 5.000ha. Riêng năm 2014, UBND tỉnh Kiên Giang đã cấp 53 giấy chứng nhận đầu tư, trong đó có 4 dự án FDI, tổng vốn gần 65.000 tỷ đồng, với tổng diện tích khoảng 1.400ha, chủ yếu vào các lĩnh vực: Du lịch, thương mại-dịch vụ, khu đô thị, sân bay, cảng biển, giao thông-vận tải, cấp điện, cấp nước, tài nguyên-môi trường, nông- lâm-ngư nghiệp… Đến nay, rất nhiều dự án, công trình trọng điểm đã và đang được đầu tư xây dựng, bước đầu đưa vào khai thác, sử dụng hiệu quả như Cảng hàng không Quốc tế Phú Quốc, Cảng biển Quốc tế An Thới…

Đảo ngọc Phú Quốc- “nàng công chúa” mới được đánh thức nhưng đã có sức bật mạnh mẽ về mọi mặt và có sức hấp dẫn đặc biệt với khách du lịch. Năm 2014, huyện đảo Phú Quốc đón khoảng 586.000 lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, vượt  trên 17% kế hoạch năm, trong đó lượng khách quốc tế chiếm 26% (tương đương 120.000 lượt du khách). Dịp Tết dương lịch 2015 và Tết Nguyên đán Ất Mùi, lượng khách du lịch đến với Phú Quốc cũng tăng mạnh.

Có rất nhiều yếu tố kích cầu dành cho Phú Quốc, mà lớn nhất - đó là sự quan tâm đầu tư của Chính phủ và UBND tỉnh Kiên giang. Đặc biệt, sau sự kiện đích danh Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, ngày 6/2/2014 đã cắt băng khánh thành tuyến cáp điện ngầm 110KV xuyên biển, nối Hà Tiên với Phú Quốc, đưa hòn đảo lớn nhất nước hòa vào lưới điện quốc gia thì giao thông từ đất liền đến đảo ngọc đã thuận lợi hơn rất nhiều. Có 3 hãng hàng không gồm: Vietnam Airlines, VietJet Air và Jetstar Pacific đã kết nối các đường bay nội địa từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Rạch Giá cùng đường bay quốc tế từ Nga, Singapore, Campuchia đến với Phú Quốc và hãng nào cũng có chương trình khuyến mãi giảm giá để thu hút khách hàng… Thêm yếu tố thuận lợi cho phát triển du lịch, đó là người nước ngoài và người Việt Nam mang hộ chiếu nước ngoài khi đến đảo Phú Quốc của Việt Nam sẽ được miễn thị thực với thời gian tạm trú 30 ngày, tăng 15 ngày so với thời điểm trước khi Phú Quốc được hòa lưới điện quốc gia.   

 

         Là thiên đường du lịch nên hệ thống khách sạn, resort ở Phú Quốc phát triển mạnh trong những năm gần đây (riêng năm 2014, Phú Quốc xây dựng thêm 25 cơ sở lưu trú), tập trung nhiều nhất ở thị trấn Dương Đông và dọc đường Trần Hưng Đạo, tính riêng loại “có sao” cũng đã hơn trăm, tính cả các khu nghỉ dưỡng, khách sạn “không sao” của tư nhân thì rất nhiều. Tại đảo còn có hàng ngàn phòng trọ dành cho khách du lịch nằm xen giữa các khu dân cư, do chính các chủ đất xây dựng, hoặc do người từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Kiên Giang, Rạch Giá vượt biển thuê đất, đầu tư xây cất.

        2. Có người nhà làm việc trong ngành du lịch ở Phú Quốc nên gia đình tôi dễ dàng thuê được phòng trọ giá 25 USD, gồm: Phòng ngủ, phòng khách  (đủ tiện nghi như điều hòa, ti vi, tủ lạnh, nhà vệ sinh khép kín, bếp gas, xoong nồi, bát đĩa…) thay vì ở “resots người nhà” với giá từ 4 – 9 triệu đồng/phòng/ ngày - đêm. Căn hộ chúng tôi thuê nằm trong quần thể khu nhà trọ gồm 6 phòng ở ấp Cửa Lấp, kề sát đường Trần Hưng Đạo, trục đường đi sân bay Phú Quốc. Ngày mồng 1 Tết, khu trọ kín phòng, gồm cả khách Việt, khách quốc tịch Nga, Anh. Ngoài ra còn có nhóm ba cô gái người Philippines- là nhân viên thử việc của một resort 3 sao, được chủ đầu tư gốc Mỹ trả tiền thuê phòng trong 6 tháng. Người đứng ra giao dịch với khách là anh Đức Thạnh, cho biết, chủ thực sự của khu đất này hiện ở TP. Hồ Chí Minh, họ mua đất, đầu tư xây nhà trọ rồi cho anh thầu lại. Để tiện trông nom, anh thuê lô đất ngay sát khu nhà trọ rồi cất nhà, mở tiệm tạp hóa, kết hợp cho thuê xe máy.

        Ở đối diện nhà anh Thạnh là quán cà phê Hành Trang. Vợ chồng chủ quán là dân Hà Nội gốc, có nhà ở quận Ba Đình, họ ra Phú Quốc sinh sống, kinh doanh cũng là sự tình cờ. Người vợ- tên Trang, cho biết, cách đây 3 năm, mẹ cô ẵm theo 50 triệu đồng trong chuyến du lịch thăm đảo Phú Quốc. Sau 1 tuần, bà trở về Hà Nội, gọi các con ra trả tiền taxi với lời giải thích “đã đặt cọc tiền mua đất”. Lô đất mẹ Trang mua lúc đó chưa tới 1 tỉ đồng, nay tăng giá hơn gấp đôi, đã được cất nhà và vợ chồng Trang xung phong trông nom. Ở một thời gian, họ thuê lô đất mặt tiền đường Trần Hưng Đạo với giá 4 triệu đồng/tháng, phía sau xây 1 phòng trọ cho thuê nhằm gỡ gạc tiền thuê đất, phía trước dựng quán, có dành chỗ để vợ chồng con cái “chui ra chui vào”. Khách đến quán Hành Trang chủ yếu là dân du lịch, dù tây hay ta đều trả 10.000 đồng cho một ly cà phê. Giống như những người kinh doanh dịch vụ du lịch ở Phú Quốc, vợ chồng Trang cũng cho thuê xe máy, khi mới kiêm thêm nghề mới thì chỉ đầu tư 2 xe, giá thuê mỗi xe 120.000 đồng/ngày, nay họ đã mua thêm vài chiếc. “Mở dịch vụ cho thuê xe máy ở Phú Quốc không lo ế, nhưng khách vì nhu cầu khám phá đảo, họ căng bản đồ và đi theo đường mạo hiểm nên xe nhanh xuống cấp”, Trang kể.

        3. Đã gần hết chiều mồng Một mà tôi chưa thấy đâu là không khí tết. “Buồn lắm”, Trang bảo vậy. Rồi cô giải thích, Tết ở trên đảo không chộn rộn như trong đất liền, càng không vui như ở Hà Nội, mọi hoạt động kinh doanh của người dân gần như diễn ra bình thường, chợ vẫn họp. Không khí tết trong mỗi gia đình có chăng chỉ là nồi bánh tét và manh áo mới cho lũ trẻ, nhà nào “hoành tráng” thì có cây mai, nhà bình dân chỉ sắm chậu cúc, nhiều nhà lo kinh doanh bỏ luôn chuyện chơi hoa và cây cảnh. Song, cứ như lời anh Thạnh thì người dân đảo lại có niềm vui được ngắm nhìn hình ảnh khách du lịch nườm nượp tham quan, vãn cảnh ở Phú Quốc, được phục vụ họ trong những ngày đầu xuân, mà quan trọng hơn là thu nhập của các hộ kinh doanh dịch vụ du lịch cũng tăng hơn trong dịp này.

        Sẩm tối, chúng tôi thuê xe chạy ngược lên trung tâm đảo. Khu chợ đêm Dương Đông (gần Dinh Cậu) nhộn nhịp khách du lịch. Phục vụ họ, người dân đảo mở ra những dãy ki ốt bán đồ lưu niệm, nhưng nhiều hơn vẫn là các quán ăn hải sản. Phía đầu chợ là bãi xe máy cỡ vài trăm chiếc, nhiều xe còn cắm nguyên khóa. Hóa ra, dân đảo Phú Quốc không tồn tại khái niệm “mất xe”, khách đến đây cũng thú vị về điều này. Khách thuê xe đến chợ, tự xếp thành hàng, vài tiếng sau trở ra chiếc xe vẫn nguyên chỗ cũ. Ngồi ngắm chợ từ 6 giờ chiều đến 9 rưỡi đêm, bữa ăn trong ngày đầu xuân của gia đình 5 người chúng tôi hết gần 1,3 triệu đồng. Nhìn sang bàn bên cạnh, đoàn khách đến từ Trung Quốc trước mặt ai nấy ngồn ngộn vỏ tôm hùm, nhum, sò… Suy từ giá thành bữa ăn “đạm bạc” của gia đình, tôi ước tính mỗi khách Trung Quốc xơi hết cả trăm USD. “Ngày tết mà, lại ở thiên đường du lịch…”, con trai tôi nói vậy.

          Mồng 2 Tết, gia đình tôi làm một tour tham quan khu bắc đảo. Cái cách phục vụ khách du lịch tại Phú Quốc cũng na ná ở Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia và Singaopre… Lái xe kiêm hướng dẫn viên du lịch, dọc đường đi ngoài việc giới thiệu các địa danh tham quan, họ còn đưa khách đến các điểm trưng bày, bán hàng đặc sản của Phú Quốc và được chi hoa hồng nếu khách mua hàng. Cuối ngày, kết thúc hành trình tham quan nhà tù Phú Quốc; thăm cơ sở nuôi trai lấy ngọc; thăm rừng sim, xưởng sản xuất nước mắm Phụng Hưng, đặc biệt là được nghỉ ngơi và tắm ở bãi Sao- nơi có thảm cát trắng được ví “mịn như kem”, lái xe taxi tính gộp các khoản là 800.000 đồng. Trước đó, bữa ăn trưa ngay bên bờ biển ở bãi Sao ngon hơn rất nhiều so với bữa ăn tối mồng 1 ở chợ đêm Dương Đông, bill thanh toán ghi hơn 1,4 triệu đồng. “Ngày tết chúng em có lên giá chút xíu”, chủ quán giãi bày với khách.

         Sáng mồng 3, sau khi đã trải nghiệm qua vài bữa ăn mà người dân ở đảo ngọc phục vụ “thượng đế” trong dịp đầu xuân, chúng tôi bắt đầu trưng dụng khu bếp ở nhà trọ để tránh rỗng túi trước khi kết thúc hành trình du xuân. Thuê xe máy ra chợ bình dân, tôi mua vài ký gạo, ít rau, cộng thêm bánh chưng, giò, nem, măng, miến, dưa hành… mang từ Hà Nội vào TP. Hồ Chí Minh và “cõng” tiếp ra Phú Quốc, vậy là có những bữa ăn mang hương vị ngày tết ở Phú Quốc. Trưa mồng 4, bữa ăn chia tay Phú Quốc thể hiện khoảng 80% mâm cỗ truyền thống được bày ra trên chiếc chiếu trải dọc hành lang khu trọ, gia đình tôi mời các lao động tập sự người Philipines cùng dự. Cả 3 cô gái liên tục tán thưởng các món ăn ngày tết của Việt Nam.  

         4. Theo số liệu của UBND huyện Phú Quốc, năm 2014, kinh tế địa phương phát triển ổn định, GDP tăng gần 27% so với năm 2013; bình quân thu nhập hơn 4.000 USD/người/năm. Doanh thu từ du lịch đạt 2.228 tỷ đồng, tăng hơn 84% so năm 2013.

“Giá phòng lưu trú và các dịch vụ du lịch ở Phú Quốc đã giảm nhiều so với trước”- anh Thạnh, Trang và các lái xe taxi đồng hành cùng chúng tôi trong hành trình du xuân trên đảo ngọc đều nhận định như vậy. Trong câu chuyện với chúng tôi, nhiều người dân Phú Quốc vẫn nhớ như in sự kiện diễn ra cách đây tròn 1 năm giúp họ cải thiện cuộc sống: Vào sáng mồng 3 Tết Giáp Ngọ, tuyến cáp điện ngầm dài hơn 57 km vượt biển từ thị xã Hà Tiên ra đảo ngọc đã hoàn thành sau hơn 2 tháng thi công. Dự án do Tập đoàn điện lực Việt Nam đầu tư với tổng nguồn vốn lên tới 2.336 tỉ đồng. Kể từ đây, người dân Phú Quốc chỉ phải trả tiền điện theo giá bình quân khoảng 1.800 đồng/ kWh.

        Chuyện góp nhặt của chúng tôi từ các tài xế taxi xung quanh gánh nặng giá điện ở Phú Quốc những năm trước nghe mà phát hoảng: Người dân phải mua điện ở mức bình quân hơn 5.000 đồng/kWh, một resort 3 sao gồm 18 phòng trả tiền điện mỗi tháng từ 140- 165 triệu đồng; có những lao động từ đất liền ra Phú Quốc làm việc, chung nhau thuê phòng trọ khoảng hơn chục m2, đi làm từ sáng sớm tới tối khuya mới về, dùng tủ lạnh và 1 bóng đèn, bình nóng lạnh sử dụng năng lượng mặt trời, không xa xỉ với máy giặt, cuối tháng vẫn phải trả từ 1,4 - 1,6 triệu đồng tiền điện… Giờ thì, giá điện không còn là gánh nặng hãi hùng đối với người dân và các doanh nghiệp ở Phú Quốc, đặc biệt là với hoạt động kinh doanh của các cơ sở lưu trú trên đảo ngọc, khách du lịch nhờ đó cũng được hưởng lợi.

       Hòa lưới điện quốc gia, giao thông thuận lợi, mời gọi được nhiều dự án đầu tư, huyện đảo Phú Quốc đã đẩy nhanh và mạnh tốc độ phát triển kinh tế-xã hội. Từ nhũng cú huých quan trọng này, tỉnh Kiên Giang định hướng phát triển huyện đảo Phú Quốc trở thành một thành phố biển đảo, là trung tâm du lịch và dịch vụ cao cấp của quốc gia. 

Hải Ngọc

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh