Xót xa tháp cổ ngàn năm
- Dược liệu
- 16:05 - 18/04/2015
Tháp được công nhận là di tích cấp quốc gia ngày 20/4/1995, thế nhưng cho đến nay tháp gần không nhận được bất cứ sự quan tâm nào của cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương, và đang bị xuống cấp và xâm hại nghiêm trọng.
Toàn bộ khuôn viên tháp không có hàng rào bảo vệ cỏ mọc um tùm
Tháp Thủ Thiện có niên đại xây dựng vào khoảng thế kỷ 12, trong thời kỳ chuyển tiếp giữa phong cách Mỹ Sơn A1 và phong cách Bình Định, nhưng đậm nét phong cách Bình Định nhiều hơn. Tháp có chiều cao 20m, chân tháp có hình vuông, cửa chính quay về hướng đông, theo như tài liệu cho thấy ban đầu tháp có rất ít các họa tiết xung quanh, tuy nhiên đây là một tháp có kiến trúc độc đáo bậc nhất của đất Bình Định bởi kỷ thuật xây dựng rất tinh vi.
Cửa của tháp được tu bổ 1 cách sơ sài.. đánh mất đi vẻ đẹp vốn có của tháp
Mặc dù được công nhận di tích cấp quốc gia đã 20 năm, thế nhưng, toàn bộ khuôn viên 6400 m2 của tháp cỏ dại mọc um tùm, không có cổng vào cũng như ranh giới của tháp. Hiện tại chân tháp phía trong và phía ngoài đang có hiện tượng bị mọt, thân tháp thì bị đập phá, một số họa tiết bị mất, 4 trụ tháp 4 bên đã bị rơi mất 3 bên, chỉ còn một bên được gia cố buộc bằng 1 sợi dây thép mỏng, có thể bị rơi xuống bất cứ lúc nào,. Bia công nhận di tích cũng bị xây xước và vẽ đủ thứ từ ngữ không văn hóa lên trên.
Ông: Nguyễn Văn Hòa, chuyên viên Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Tây Sơn cho biết, sau khi tháp được công nhận di tích cấp quốc gia, năm 1995, chỉ vài năm sau ông có xuống thăm tháp. Khi thấy hiện tượng bà con xung quanh đến đập tháp lấy gạch mang về, ông đã chụp ảnh gửi Sở VH-TT&DL và gửi ra Bộ VH-TT&DL. Một thời gian sau, huyện nhận được của tỉnh một khoản kinh phí gọi là chống xuống cấp nhất thời cho tháp, sự việc đến nay cũng đã hơn 10 năm.
Không có ai coi sóc cũng như bảo vệ tháp này
Được biết việc tu bổ chống xuống cấp nhất thời của tỉnh Bình Định chỉ có thể giúp cho tháp đứng vững, thế nhưng khách du lịch đến thăm tháp thì không khỏi phàn nàn, về cách tu bổ. Họ cho rằng việc tu bổ như vậy đã làm xấu tháp, bởi những hòn gạch và những đường chỉ quá thô kệch.
Nguy hại hơn, bà con sống gần tháp đã mang các đồ thờ, với đủ thứ thánh thần vào trong tháp để thờ, điều này làm xâm hại đến văn hóa tâm linh và tín ngưỡng của một nền văn hóa văn minh đã từng hiện hữu ở mảnh đất này.
Nhiều người dân ở đây cho biết, nam nữ trong địa phương còn lấy đây là chốn hẹn hò tình tứ. Nhiều người còn mang đồ nhậu vào đây, nhậu xong họ xả rác ngay trong tháp. Một số khách du lịch đến đây thấy vậy đã gom rác vào chân tháp và đốt.
Khi được hỏi về việc chính quyền và các cơ quan chức năng có biết về hiện trạng tháp bị xâm hại, ông Nguyễn Văn Hòa, chuyên viên Phòng Văn hóa- Thông tin huyện cho biết, sau khi được công nhận là di tích cấp quốc gia, huyện đã giao cho xã quản lý, nhưng không có kinh phí nên không có bảo vệ trông coi tháp, mặc dù đã nhận được nhiều ý kiến phản ánh, tuy nhiên chưa có kinh phí nên huyện vẫn chưa có biện pháp khắc phục tình trạng này.
Tháp Thủ Thiện một công trình kiến trúc có gần 1000 năm lịch sử, là minh chứng cho sự tồn tại của nền văn minh, thịnh vượng của một thời, đã được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia, thế nhưng hàng chục năm qua, chính quyền sở tại đã không có biện pháp bảo vệ tháp. Để tháp được sống mãi với thời gian, trở thành điểm du lịch văn hóa độc đáo, hấp dẫn đối với du khách gần xa, rất mong chính quyền và các cơ quan chức năng nhanh chóng có giải pháp bảo vệ, sửa chữa, trùng tu, bảo tồn.