ĐB Quốc hội: Tin tưởng Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tiếp tục tạo được nhiều dấu ấn trong nhiệm kỳ mới
- Bài thuốc hay
- 00:15 - 29/07/2021
Được Quốc hội tín nhiệm, giữ cương vị tư lệnh LĐ-TB&XH từ tháng 4/2016 đến nay, một nhiệm kỳ không phải là dài, nhưng Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã tạo nên những dấu ấn khó quên trong tư duy lập kế hoạch, điều hành các chính sách lao động, người có công và xã hội xuyên suốt từ trung ương tới địa phương.
Chiều nay 28/7, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã phê chuẩn việc bổ nhiệm Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ.
Theo đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tái đắc cử Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nhiệm kỳ 2021- 2026.
Thay đổi diện mạo trong lĩnh vực LĐ-TB&XH
Chia sẻ bên hành lang Quốc hội chiều cùng ngày, các đại biểu Quốc hội nhận định, chặng đường 5 năm tới 2021 - 2025 được xem là giai đoạn quan trọng, và nhiều thách thức với lĩnh vực an sinh xã hội khi không chỉ thực hiện nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng, mà còn là chặng đường đối mặt với đại dịch, đầy khó khăn với lĩnh vực an sinh, giải quyết việc làm… Thách thức này tiếp tục đặt lên vai tư lệnh ngành LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung.
Nhìn lại nhiệm kỳ vừa qua, với nhiều đột phá, dấu ấn rõ nét, các đại biểu Quốc hội đặt nhiều kỳ vọng, niềm tin vào sự "chèo lái" của Bộ trưởng LĐ-TB&XH trong nhiệm kỳ mới này.
Bên hành lang Quốc hội chiều 28/7/2021, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhiệm kỳ qua, và đặt niềm tin vào nhiệm kỳ tới, Bộ trưởng sẽ tạo được nhiều đột phá
Đánh giá một cách tổng quát, nhìn lại 5 năm thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV, về thực hiện chính sách lao động, người có công và xã hội, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nhìn nhận: "Với bề dày thực tiễn, ông Dung đã làm thay đổi được diện mạo trong lĩnh vực thực hiện chính sách lao động, người có công và an sinh xã hội. Có thể nói là một nhiệm kỳ "thu hái" được nhiều thành tựu nổi bật, đi vào cuộc sống".
Đặc biệt, nhiệm kỳ qua, đã hoàn thiện và từng bước đạt được mục tiêu về thể chế. Được quan tâm và đánh giá cao nhất trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đối với ngành LĐ-TB&XH, đó là thông qua bộ luật Lao động (sửa đổi).
"Tôi cho đây là một dấu ấn rất hay, rất nổi bật của ông Đào Ngọc Dung, vì các dự thảo Luật đều nhận được sự đồng thuận và đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua rất cao. Thể hiện Bộ LĐ-TB&XH đưa ra được những nội dung sửa đổi phù hợp với thực tiễn và quốc tế trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay", đại biểu Hòa nhìn nhận.
Hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động
Về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (đoàn TP. Hồ Chí Minh) cũng bày tỏ sự đồng thuận. Đại biểu cho rằng, đối với thể chế, thì cái lớn nhất và ghi dấu ấn đậm nét trong cả nhiệm kỳ 2016- 2021 là đã hoàn thiện được hệ thống pháp luật về lao động.
Song song đó, ông Trần Hoàng Ngân cũng cho rằng: "5 năm qua, dưới sự dẫn dắt của tư lệnh Đào Ngọc Dung, đã thay đổi được tư duy chiến lược về giải quyết việc làm, hướng việc làm đi vào thị trường lao động linh hoạt hiện đại với xu hướng hội nhập, từng bước chuyển dần sang thay thế năng suất lao động từ phổ thông sang dần lao động chuyên môn có trình độ kỹ thuật cao. Và việc làm có tính chất bền vững hơn".
Và rõ ràng trong nhiệm kỳ qua, từ năm 2015 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo từ rất cao trên 2 con số, đã đạt còn có 2,7%. "Có thể nói, giảm nghèo là điểm sáng nổi bật vì không chỉ giảm nhanh về mặt tỷ lệ, mà còn giảm về mặt chất lượng vì bổ sung thêm các chiều nghèo. Đó là điều được tổ chức quốc tế và thế giới ghi nhận", ông Ngân nói.
Đánh giá tổng quát, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, nhiệm kỳ qua, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cùng tập thể trong Bộ đã quan tâm làm tốt công tác an sinh xã hội, và công tác giảm nghèo, hỗ trợ việc làm, đào tạo nghề, chăm sóc tốt gia đình chính sách.
Nhiều đột phá trong lĩnh vực người có công
Ngoài ra, Bộ đã hoàn thiện và trình ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi), đáp ứng thực tiễn chăm lo người có công hiện nay. "Đây cũng là một trong những điểm sáng của ngành", đại biểu Trần văn Hòa khẳng định.
Nhìn tổng thể chặng đường 5 năm qua, trong lĩnh vực người có công, từ thông điệp của tư lệnh Đào Ngọc Dung đưa ra khi nhậm chức: "Quyết tâm chính trị cao để xử lý cơ bản những vấn đề tồn đọng trong việc xác nhận người có công", đại biểu đoàn Đồng Tháp cho rằng, Bộ trưởng đã chỉ đạo quyết liệt và đột phá trong giải quyết hồ sơ tồn đọng.
Về điều này, Bí thư tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải (đại biểu Quốc hội đoàn Thái Nguyên) cũng thẳng thắn chia sẻ: "Chúng tôi đánh giá rất cao Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trong nhiệm kỳ qua, là một trưởng ngành rất tích cực, có trách nhiệm, và nhiều phương pháp, cũng như cách làm mới trong việc điều hành một mảng công việc hết sức rộng lớn, và có thể nói là khó khăn, đặc biệt liên quan tới người có công, người nghèo, các đối tượng yếu thế,…"
Bên cạnh đó, trong những năm qua, Bộ LĐ-TB&XH tham mưu Ban Bí thư ban hành và tiếp tục triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 14/7/2017 về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng.
Theo đó, bà Nguyễn Thanh Hải ghi nhận, "với sự quyết liệt của Bộ trưởng, có rất nhiều các chế độ chính sách, và những gia đình thương binh liệt sỹ, người có công... đã tìm lại được quyền lợi chính đáng của mình".
Kịp thời xử lý các vấn đề biến động của xã hội
Giai đoạn tới, theo nhận định của nữ Bí thư tỉnh Thái Nguyên, đối diện với dịch bệnh Covid-19, chắc chắn sẽ là những thách thức trong bảo đảm an sinh, điều đó sẽ đặt lên vai trưởng ngành LĐ-TB&XH nhiều vấn đề cần phải giải quyết.
"Thời gian qua, Bộ trưởng đã trực tiếp chỉ đạo rất tốt, do đó tôi đặt niềm tin lớn vào tư lệnh ngành Đào Ngọc Dung sẽ tiếp tục có một nhiệm kỳ thành công. Nhưng tôi mong muốn tới đây, Bộ LĐ-TB&XH sẽ phải quan tâm đối tượng người nghèo thành thị, bởi dịch Covid-19 đang khiến cho đối tượng này ảnh hưởng nặng nề hơn so với người nghèo ở các khu vực nông thôn".
Theo đại biểu Nguyễn Thanh Hải, vì bản thân những dịch vụ thiết yếu như là chỗ ở, các điều kiện ăn uống... cũng rất khó khăn đối với họ, "nên tôi nghĩ, nhiệm kỳ tới, các chính sách đối với những đối tượng này- là người nghèo ở thành thị, cần được nghiên cứu cụ thể hơn trong thời gian tới", đại biểu nói.
Nữ đại biểu tỉnh Thái Nguyên cũng không quên đánh giá cao gói an sinh xã hội 26.000 tỷ vừa qua. Và Bộ trưởng cũng đã trực tiếp tới Thái Nguyên là tỉnh đầu tiên để kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết 68, hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng Covid-19.
Từ đó, đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho rằng, trong chỉ đạo điều hành, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã thể hiện vai trò "nhạc trưởng" trong lĩnh vực của mình rất kịp thời, "đã nhanh chóng xử lý các vấn đề biến động của xã hội", mà đại dịch Covid-19 vừa qua là ví dụ điển hình.
Điều đó được thể hiện khi đại dịch diễn ra, như Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc (Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội) đánh giá, ngành LĐ-TB&XH đã phối hợp với các cơ quan chức năng nghiên cứu cơ chế chính sách để giúp doanh nghiệp và người lao động… bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, mới đây nhất là gói hỗ trợ an sinh xã hội 26 nghìn tỷ đồng, theo ông Vũ Tiến Lộc "đang được đánh giá cao", (và trước đó năm 2020 là gói 62 nghìn tỷ).
Và quan trọng, đại biểu Quốc hội nhìn nhận, là ngành LĐ-TB&XH giải quyết chính sách thất nghiệp cho hàng triệu người khi bị đại dịch Covid-19 mất việc làm thì được hưởng trợ cấp Bảo hiểm thất nghiệp…
Tư lệnh ngành thẳng thắn, dám đối diện với thực tiễn
Bên cạnh đó, đánh giá lớn nhất và được ghi nhận nhất trong nhiệm kỳ qua của Bộ LĐ-TB&XH, theo ông Bùi Sỹ Lợi (đại biểu Quốc hội khóa XIV, người theo sát ngành LĐ-TB&XH nhiều năm) là đã tham mưu cho Chính phủ, góp phần xây dựng Đề án để trình Bộ Chính trị và Trung ương đảng ra Nghị Quyết 28 về cải cách hệ thống chính sách BHXH, - đây là nền tảng phát triển BHXH đa tầng, toàn diện, hướng tới BHXH toàn dân;
Cùng với đó là Nghị quyết 27 về cải cách chính sách tiền lương. "Đây cũng là một điểm sáng, tạo động lực nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động để phát triển nguồn nhân lực trong tương lai...", ông Lợi nói.
Có thể thấy, trên các vấn đề lớn, có tính chất quyết định như vậy, rõ ràng người dân và xã hội nhìn nhận, đánh giá Bộ LĐ-TB&XH phát triển có tính chất chiến lược hơn, và sự hài lòng của người dân đối với ngành cũng tốt hơn.
Đúng như đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cho rằng: "Có thể nói, ông Dung là một tư lệnh ngành thẳng thắn, dám đối diện với thực tiễn, là người gắn bó với cơ sở, quyết đoán về chính sách".
Và quan trọng, theo ông Hòa: "Bộ trưởng Đào Ngọc Dung sẵn sàng xử lý bất cứ việc gì khi các đại biểu Quốc hội nêu ra một cách nhanh, kịp thời; dám chịu trách nhiệm trước nhân dân để xử lý những vấn đề thuộc lĩnh vực của tư lệnh ngành, điều đó đem lại lợi ích cho ngành, và cho nhân dân. Tôi tin, nhiệm kỳ 2016- 2025, Bộ trưởng sẽ tiếp tục đạt được những dấu ấn rõ nét, nổi bật".
Xông pha, không ngại khó, và nhiều dấu ấn đổi mới
"Qua 4 đợt dịch vừa rồi, từ năm 2020 đến năm 2021, tôi thấy Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung xông pha, kịp thời có những kiến nghị để hỗ trợ an sinh xã hội. Ông Dung đưa ra những giải pháp rất nhanh nhạy, nắm chắc tình hình, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nói chung là không ngại khó. Tôi đánh giá rất cao.
Với những kết quả nổi bật của nhiệm kỳ qua, và đặc biệt là trong lúc khó khăn nhất, thì trưởng ngành và Bộ LĐ-TB&XH đã thể hiện được vai trò của mình, cùng với nhân dân kịp thời hỗ trợ an sinh xã hội.
Vì thế, tôi mong rằng Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhiệm kỳ mới 2021- 2026, tiếp tục phát huy tư duy sắc sảo, tinh thần đổi mới trong chỉ đạo, điều hành để tiếp tục tạo nhiều dấu ấn đổi mới, hỗ trợ an sinh xã hội, xông pha, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Chặng đường phía trước sẽ rất nhiều khó khăn, thách thức do tác động của đại dịch, tôi rất tin tưởng và đặt nhiều kỳ vọng vào sự dẫn dắt của Bộ trưởng. Vì nhìn vào chặng đường 5 năm nhiệm kỳ qua, và nhất là qua những "cú sốc" do tác động của dịch bệnh gần 2 năm qua, như những gì đã nói ở trên, tôi tin nhiệm kỳ mới, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung sẽ tiếp tục đáp ứng kịp thời sự mong đợi của nhân dân", đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân.