CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 05:45

Đẩy mạnh gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động, việc làm bền vững

 

 Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình báo cáo trước Quốc hội


Tỷ lệ học sính chuyển sang học nghề có xu hướng tăng

Sáng nay 30/10, Quốc hội đã bắt đầu phiên chất vấn, kéo dài đến ngày 1-11. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, chất vấn tại kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.

Báo cáo Kết quả thực hiện Nghị quyết số 33/2016/QH14 về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội Khóa XIV, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết về lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo, đáng chú ý, Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng trong giáo dục phổ thông; đồng thời chỉ đạo thực hiện thí điểm mô hình kết hợp dạy văn hóa phổ thông và dạy nghề; liên kết giữa cơ sở giáo dục trung học với cơ sở giáo dục nghề nghiệp để thực hiện việc tư vấn nghề.

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh truyền thông hướng nghiệp để thu hút học sinh học xong trung học cơ sở vào học trung cấp; tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục hướng nghiệp, góp phần chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông chuyển sang học nghề có xu hướng tăng. Xây dựng và triển khai đề án thí điểm đào tạo, đào tạo lại người lao động để thích ứng với cuộc cách mạng 4.0. Xây dựng và triển khai đề án thí điểm đào tạo học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở theo mô hình của Nhật Bản (cấp bằng cao đẳng và công nhận danh hiệu kỹ sư thực hành).

Đẩy mạnh gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động, việc làm bền vững.

 

 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đến thăm và động viên thầy và trò Trường Cao đẳng Nghề Dân tộc nội trú Bắc Kan trong công tác giảng dạy và học tập

Hỗ trợ đào tạo người DTTS thực hiện công khai, minh bạch 

Báo cáo cũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và đào tạo giáo viên, đề xuất sửa đổi, bổ sung nội dung về quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học để đảm bảo phù hợp với định hướng của Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và Luật Quy hoạch, trong đó chú trọng sử dụng các công cụ quản lý chất lượng để điều chỉnh và hoàn thiện mạng lưới. Ban hành một số văn bản để nâng cao chất lượng giáo dục đại học.

"Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, đề xuất sửa đổi quy định về việc thực hiện chính sách cử tuyển trong Luật Giáo dục (sửa đổi) theo hướng Nhà nước dành riêng chỉ tiêu cử tuyển đối với các dân tộc thiểu số rất ít người ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; có chính sách tạo nguồn tuyển sinh trên cơ sở tạo điều kiện thuận lợi để học sinh các dân tộc này vào học trường phổ thông dân tộc nội trú và tăng thời gian học dự bị đại học. Chính sách về hỗ trợ đào tạo người dân tộc thiểu số được thực hiện công khai, minh bạch"- báo cáo của Chính phủ nêu rõ.

Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Nội vụ đề xuất ban hành Nghị định quy định chính sách ưu tiên tuyển dụng cán bộ công chức, viên chức thuộc nhóm dân tộc có chất lượng nguồn nhân lực thấp (gồm 16 dân tộc có dân số dưới 10.000 người và một số dân tộc: Kháng, Gia Rai, Ba Na, Mông, Thái, Khmer, Raglai, Xtiêng, Khơ Mú, Co, Giẻ Triêng); Nghị định quy định chế độ, chính sách thu hút nhân tài, trọng dụng, đãi ngộ, chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ và hoạt động nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số.

 

Thanh Nhung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh