Những yêu cầu mới đối với giáo dục nghề nghiệp do số hóa và công nghiệp 4.0 đặt ra
- Giáo dục nghề nghiệp
- 02:20 - 19/09/2018
GS.TS Thứ trưởng Lê Quân trình bày tham luận tại Hội thảo
Tham dự Hội thảo có GS. TS Lê Quân, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; TS Trương Anh Dũng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp; đại diện các Vụ, đơn vị thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề Công tác xã hội, Tổng lãnh sự quán Đức tại Thành phố Hồ Chí Minh, tổ chức GIZ, đại diện Công ty Bosch; các đại biểu đến từ các trường cao đẳng thuộc Chương trình Đổi mới Đào tạo nghề; một số trường đại học Việt Nam và Đức.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Trương Anh Dũng nhấn mạnh: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 dựa trên 3 lĩnh vực chính: kỹ thuật số, công nghệ sinh học và Robot thế hệ mới xe tự lái, các vật liệu mới. Theo đánh giá của các chuyên gia, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ là nền tảng để kinh tế chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình dựa vào tài nguyên, lao động chi phí thấp sang kinh tế tri thức, làm thay đổi cơ bản khái niệm đổi mới công nghệ trang thiết bị trong các dây chuyền sản xuất. Sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ đòi hỏi nguồn nhân lực có năng lực thích ứng nhanh. Một thế hệ công dân toàn cầu đang hình thành để đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng họ phải được trang bị kiến thức kỹ năng nghề tốt và sử dụng thành thạo 2 công cụ công nghệ thông tin và ngoại ngữ. Phó Tổng Cục trưởng mong rằng tại Hội thảo này sẽ tập trung trao đổi về những yêu cầu mới đối với giáo dục nghề nghiệp do số hóa và cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại, xác định các vấn đề đặt ra đối với đào tạo và phát triển kỹ năng nghề trong nền kinh tế số.
Phó Tổng Cục trưởng Trương Anh Dũng phát biểu khai mạc Hội thảo
Ông Andreas Siegel, Tổng Lãnh sự, Tổng lãnh sự quán Cộng hòa Liên bang Đức tại Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu chào mừng khai mạc Hội thảo và cảm ơn sự hợp tác và hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam trong hoạt động của GIZ và Chương trình Đổi mới Đào tạo nghề. Ông cũng chỉ ra sự thách thức của việc làm đối công việc, vị trí việc làm. Do vậy, yêu cầu kiến thức, kỹ năng đối với người lao động cần phải có sự đổi mới, yêu cầu cao hơn và phải phù hợp hơn. Một người lao động không đơn giản là chỉ biết một việc, mà cần phải biết nhiều việc, để có thể thực hiện tốt các vị trí việc làm theo yêu cầu của nhà tuyển dụng.
Hội thảo, đã được nghe các chuyên gia trình bày các nội dung liên quan đến cách mạng công nghiệp 4.0 và những vấn đề đặt ra cho giáo dục nghề nghiệp. GS. TS Greng Spottl, Đại học Bremen trình bày về “Các xu hướng và tính đa dạng của các năng lực nghề thông qua số hóa trong ngành kim loại và điện”; GS. TS Thứ trưởng Lê Quân với nội dung về “Các thách thức của nền công nghiệp 4.0 và số hóa cần được giải quyết trong đổi mới và đào tạo nghề ở Việt Nam"; Ông Peter Gorzyza, Giám đốc học viện truyền động và điều khiển, Bosch Rexroth AG với vấn đề “Chuẩn bị nhân lực cho sự đổi mới kỹ thuật số”; TS Wendy Cunninghan chuyên gia kinh tế trưởng về thông lệ lao động và bảo trợ của Ngân hàng Thế giới trình bày về “Việc làm tương lai ở Việt Nam - tận dụng các xu hướng lớn để phát triển thịnh vượng hơn”.
Chia sẻ kinh nghiệm từ Đức, TS. Hanny Stolte, Học viện GIZ đã trình bày “Các phương pháp hiện nay ở Đức để giải quyết các yêu cầu năng lực hay thay đổi trong bối cảnh số hóa ở cấp độ hệ thống và thực hiện đào tạo nghề”.
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Tại Hội thảo, các nhóm đã tập trung thảo luận và làm rõ 3 nội dung chính đó là: hoàn thiện chiến lược đào tạo nghề để giải quyết các thách thức của nền công nghiệp 4.0 và số hóa; đổi mới kỹ thuật số tại các doanh nghiệp – các thay đổi trong chiến lược đào tạo nghề ban đầu và nâng cao và các cơ sở đào tạo nghề: điều chỉnh hoạt động đào tạo cho phù hợp với các yêu cầu hay thay đổi.
Hội thảo diễn ra trong 2 ngày 18 và 19/9/2018, trong đó có hoạt động đi thực tế tại Trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế LILAMA 2 để khảo sát về cơ sở vật chất, thông tin về các ngành nghề đào tạo, phương pháp dạy học, trang thiết bị, tài liệu dạy học.