Đào tạo gắn với sản xuất
- Giáo dục nghề nghiệp
- 13:26 - 16/06/2020
Trường Cao đẳng Công nghiệp Việt Đức là trường công lập thuộc Bộ Công Thương. Trường được thành lập từ năm 1973, là kết quả của tình hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và CHDC Đức. Năm 1983 chương trình hợp tác kết thúc. Năm 1996 trường tiếp tục được tổ chức GTZ của CHLB Đức lựa chọn và đầu tư trở lại thông qua dự án "Chương trình đào tạo nghề Việt Nam BBPV".
Từ năm 2006 đến 2010 trường tiếp tục được phía Đức lựa chọn đầu tư thông qua Dự án "Hỗ trợ Kỹ thuật dạy nghề Việt Nam" do tổ chức GTZ tài trợ và Dự án "Chương trình đào tạo nghề Việt Nam" do tổ chức KFW tài trợ về bồi dưỡng đội ngũ và đầu tư cơ sở vật chất.
Hiện nhà trường đang đào tạo 3 cấp trình độ (CĐ, TC, SC) với 24 ngành nghề. Các nghề có bề dày truyền thống: Cắt gọt kim loại; nhóm nghề điện, điện tử; công nghệ ô tô và một số nghề ngắn hạn đáp ứng nhu cầu xã hội như đào tạo lái xe ô tô, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho nhà giáo giảng dạy các trình độ.
Trong bối cảnh từ năm 2012 trở lại đây, hoạt động đào tạo nghề của trường chủ yếu cho học sinh sống và làm việc tại địa bàn Thái Nguyên nên công tác tuyển sinh gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do trên địa bàn có nhiều cơ sở đào tạo, các cơ sở có ngành nghề giống nhau, các doanh nghiệp trên địa bàn tuyển dụng lao động không qua đào tạo... dẫn đến tình trạng trên và đó cũng là khó khăn của hầu hết các cơ sở GDNN.
Từ năm 2017 đến nay, do nhà trường xác định được địa bàn tuyển sinh và làm tốt việc hợp tác với các trường THCS, THPT, đặc biệt là phụ huynh học sinh trong việc định hướng nghề nghiệp sau tốt nghiệp THCS và THPT công tác tuyển sinh của nhà trường đã có nhiều khởi sắc. Số lượng người học đăng ký hàng năm tăng lên, số lượng đăng ký học trình độ CĐ cũng tăng.
Thầy Nguyễn Đức Sinh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, ngoài việc làm tốt công tác tuyển sinh, việc đầu tư trang thiết bị hiện đại trong giảng dạy, nâng cao chất lượng đào tạo, quan tâm chăm lo tới người học thì việc giải quyết việc làm cho người học cũng được quan tâm. Với ảnh hưởng mô hình công nghệ dạy học của CHLB Đức là đào tạo phải gắn với sản xuất nên việc dạy học gắn với tổ chức sản xuất được triển khai như một nét riêng biệt mà không cơ sở GDNN nào cũng triển khai thực hiện được. Từ quan điểm đó nên mỗi bài tập thực hành phải trở thành hàng hoá được tiêu thụ đáp ứng nhu cầu xã hội.
"Việc gắn kết với doanh nghiệp được triển khai ngay từ những khoá học đầu tiên khi mới thành lập. Quan điểm người học nghề phải được trải nghiệm, thực tập tại doanh nghiệp được tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường ủng hộ và nhìn nhận là thành công trong phương thức tổ chức đào tạo nghề", thầy Sinh cho biết.
Để duy trì mô hình để HSSV làm quen với phương thức tổ chức sản xuất, đến nay nhà trường có quan hệ ổn định với trên 20 doanh nghiệp để đưa HSSV thực tập trải nghiệm, thực tập nghề nghiệp trên địa bàn Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nội.
"Hoạt động hợp tác với doanh nghiệp là tất yếu, là yếu tố cốt lõi trong việc xây dựng chương trình đào tạo đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội. Kết nối với doanh nghiệp cung cấp sản phẩm nhân lực có chất lượng cho doanh nghiệp", thầy Sinh chia sẻ.
Theo thống kê của nhà trường, tỷ lệ HSSV có việc làm sau khi tốt nghiệp đạt gần 100%. HSSV nghề cắt gọt kim loại có chứng chỉ tiện CNC và phay CNC nâng cao hoặc nghề công nghệ ô tô có thu nhập khá cao, từ 8 triệu đến 12 triệu đồng/tháng (khảo sát của tổ chức GIZ đang thực hiện với nhà trường).
Hiện nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo trong các khu công nghiệp tại Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hà Nội… tiếp tục tăng mạnh, là cơ hội cho HSSV tìm kiếm được việc làm trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và trong nước.