THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:27

Chất lượng đào tạo nghề Việt Nam tăng 13 bậc, cao nhất ASEAN

Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019 đánh giá các nước dựa trên 12 trụ cột. Một trong 12 trụ cột được lấy làm tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019 là thị trường lao động- được đánh giá dựa trên học vấn (trung bình số năm đi học) và kỹ năng của nhóm Lực lượng lao động hiện thời và Lực lượng lao động tương lai.

Với nhóm kỹ năng của lực lượng lao động hiện thời, Báo cáo đánh giá Việt Nam xếp thứ 103/141 quốc gia, thăng 8 bậc so với năm 2018. Trong đó, chất lượng đào tạo nghề nghiệp được chấm 44/100 điểm (tăng 3 điểm), và xếp thứ 102/141 quốc gia, tăng 13 bậc.

Đây là mức tăng xếp hạng cao nhất trong các quốc gia ASEAN.

Việt Nam có mức độ cải thiện điểm số và tăng hạng tốt nhất toàn cầu là nhờ 8/12 trụ cột tăng điểm và nâng bậc. Trong đó, phổ cập công nghệ thông tin có cải thiện lớn nhất (tăng 54 bậc). Tiếp theo đó là sự cải thiện của các trụ cột gồm thị trường sản phẩm (tăng 23 bậc), mức độ năng động trong kinh doanh (tăng 12 bậc), thị trường lao động (tăng 7 bậc)…

Kỹ năng cần cho doanh nghiệp của học sinh, sinh viên tốt nghiệp xếp thứ 116/141, tăng 12 bậc. Tính riêng khả năng doanh nghiệp tìm được lao động có kỹ năng phù hợp với vị trí cần tuyển được xếp thứ 96/141, thăng 8 bậc.

Mặc dù mức độ thăng hạng số một ASEAN, song để đạt mục tiêu tăng thứ hạng trên thế giới, vào nhóm 4 quốc gia dẫn đầu trong khu vực ASEAN, Việt Nam vẫn còn một khoảng cách khá xa. Chỉ so sánh riêng với Indonesia (xếp thứ 37/141) chúng ta vẫn xếp sau 65 bậc.

Năm 2019, năng lực cạnh tranh chung của Việt Nam tăng 10 bậc, xếp thứ 67/141 nền kinh tế toàn cầu.

Báo cáo Cạnh tranh toàn cầu 2019 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vẽ nên một bức tranh nhiều màu xám, nhưng không vì vậy mà thiếu đi một số mảng màu nổi bật hơn. Đó chính là các quốc gia đang có bước tiến nhanh, mạnh trong cuộc đua phát triển và Việt Nam là một trường hợp điển hình.

Chia sẻ góc nhìn về câu chuyện này, TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, việc sức mạnh cạnh tranh của Việt Nam tăng 10 bậc theo xếp hạng của WEF đã phần nào phản ánh nỗ lực của Việt Nam trong cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh.

Đây là kết quả có được nhờ liên tục từ năm 2014 cho tới nay, Chính phủ Việt Nam đã ban hành các Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Đáng chú ý, năm 2019, theo báo cáo Cạnh tranh toàn cầu 2019 của WEF, ngoại trừ Singapore và Việt Nam, các quốc gia còn lại trong khu vực ASEAN đều giảm điểm hoặc giảm bậc.

Với việc tăng 13 bậc năm 2019, đào tạo nghề nghiệp đã vượt chỉ tiêu Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021 (lên từ 20- 25 bậc, năm 2019 ít nhất 5 bậc).

Đánh giá về những khởi sắc trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, trước hết, đó là dấu ấn của việc sắp xếp lại tổ chức hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sau khi Chính phủ giao chức năng thống nhất quản lý nghề nghiệp cho ngành LĐ-TB&XH.

Đào tạo nghề tính đến cuối tháng 8/2019 đã đạt được con số tuyển mới ấn tượng 1.630 nghìn người.

Cùng với đó, chất lượng đào tạo nghề chuyển biến tích cực, với 85% số người học xong có việc làm. Ngày càng xuất hiện nhiều mô hình đào tạo có hiệu quả. Ở nhiều trường nghề, 100% học viên sau khi tốt nghiệp có việc làm với thu nhập cao…

Với những con số "biết nói" này, theo đánh giá của ông Bùi Sỹ Lợi, đã minh chứng cho lĩnh vực Giáo dục nghề nghiệp đạt được những thay đổi rõ nét, đổi mới, và nhiều chuyển động.

Còn nhớ, ngay từ đầu năm, trả lời phỏng vấn của báo chí, Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nêu rõ quyết tâm, năm 2019 tiếp tục tập trung cao độ cho Giáo dục nghề nghiệp.

Muốn làm được như vậy, năm 2019 tiếp tục quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới, tinh gọn, hiệu quả. Phấn đấu tỷ lệ người học nghề cao hơn năm 2018- vốn là năm đầu tiên vượt chỉ tiêu một cách ngoạn mục.

Đi đôi với đó là tiếp tục đặt hàng đào tạo theo đơn đặt hàng, đào tạo theo địa chỉ đầu ra. Tạo ra Giáo dục nghề nghiệp thực sự đồng bộ và với 3 khâu đột phá là: Tự chủ, Kết nối và Chuẩn hóa.

Với quyết tâm và những kết quả đạt được, không quá bất ngờ khi chỉ số về chất lượng đào tạo nghề nghiệp của Việt Nam được Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) chấm 44/100 điểm (tăng 3 điểm), và xếp thứ 102/141 quốc gia, tăng ngoạn mục 13 bậc- mức tăng xếp hạng cao nhất trong các quốc gia ASEAN.

Đây cũng là tưởng thưởng xứng đáng cho vị "nhạc trưởng" Đào Ngọc Dung nói riêng, và toàn ngành Lao động Thương binh và Xã hội nói chung, trong nỗ lực tạo nên những đột phá trong lĩnh vực Giáo dục nghề nghiệp.

Đánh giá chung về việc Việt Nam có mức độ cải thiện điểm số và tăng hạng tốt nhất toàn cầu là nhờ 8/12 trụ cột tăng điểm và nâng bậc trong Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019, trong đó có trụ cột là thị trường lao động, TS. Võ Trí Thành cho rằng, đây là chỉ báo tích cực, bởi nó thể hiện sự cải thiện trong tương quan so sánh với các quốc gia trên toàn cầu, đồng thời là góc nhìn đánh giá khách quan từ bên ngoài, từ một tổ chức độc lập, uy tín.

"Điều này sẽ góp phần gia tăng lòng tin, cải thiện tính hấp dẫn của thị trường Việt Nam trong mắt giới đầu tư toàn cầu", ông Thành nhấn mạnh.

THÀNH CÔNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh