Hà Nội: 13.000 lao động nông thôn sẽ được đào tạo nghề trong năm nay
- Giáo dục nghề nghiệp
- 00:08 - 02/06/2020
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Hà Nội về tình hình thực hiện đào tạo nghề nông nghiệp, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trên địa bàn TP giai đoạn từ năm 2016 – 2020, từ 2016 đến nay, tổng lao động đã được đào tạo nghề theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" là 46.404 người.
Trong số đó, có 27.256 người là lao động nữ; 2.053 người là đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi, người có công với cách mạng; người bị thu hồi đất nông nghiệp là 3.617 người; người khuyết tật là 155 người; người thuộc hộ nghèo là 4.910 người; người thuộc dân tộc thiểu số là 2.667 người; người thuộc hộ cận nghèo là 2.874 người; lao động nông thôn khác là 30.930 người. Sau đào tạo nghề, đã có 41.335/46.404 lao động có việc làm, chiếm 89%.
Hàng năm, Ban chỉ đạo thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg của TP Hà Nội đều ban hành kế hoạch và thành lập đoàn kiểm tra liên ngành và giao Sở NN&PTNT Hà Nội kiểm tra, giám sát công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg. Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg của TP Hà Nội cũng đã chỉ đạo Ban chỉ đạo cấp huyện hàng năm xây dựng kế hoạch, thực hiện kiểm tra, giám sát công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn tại địa phương.
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT Hà Nội, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước nhằm tạo điều kiện cho lao động nông thôn, những hộ nông dân mất đất sản xuất có điều kiện chuyển đổi nghề mới, tăng thu nhập đảm bảo đời sống, góp phần tích cực vào việc thực hiện Chương trình 02-CTr/TU về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân".
Riêng năm 2020, TP sẽ hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp (3 tháng) cho 13.100 lao động nông thôn, trong đó có 8.322 người học các nghề nông nghiệp, 4.778 người học các nghề phi nông nghiệp. Hoàn thành khóa đào tạo, các địa phương bảo đảm giải quyết việc làm mới cho ít nhất 80% số người học hoặc họ sẽ làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn. Kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn là hơn 36 tỷ đồng.
Để hoàn thành mục tiêu này, UBND TP giao Sở LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương lựa chọn những cơ sở dạy nghề uy tín để tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Việc tổ chức đào tạo hoàn thành trước ngày 30-10-2020.