Đảm bảo tính khả thi của các chính sách đối với lao động nữ
- Bài thuốc hay
- 00:24 - 10/10/2019
Khắc phục những bất cập trong chính sách
Các vấn đề giới đã được xác định và lồng ghép trong Bộ luật Lao động năm 2012 về cơ bản đã thể hiện nguyên tắc bình đẳng giới nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của lao động nam và nữ trong việc thực hiện đồng thời chức năng xã hội và chức năng sinh sản, nuôi con nhỏ. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt được, còn một số nội dung cần được cải thiện như: khoảng cách trong quy định tuổi nghỉ hưu giữa các giới.
Ngoài ra, việc Bộ luật Lao động chứa đựng nhiều quy định mang tính có lợi hơn cho lao động nữ so với lao động nam làm xuất hiện tình trạng doanh nghiệp hạn chế sử dụng lao động nữ vì làm tăng chi phí doanh nghiệp do phải thực hiện các chế độ, chính sách đối với lao động nữ. Quy định về tổ chức nhà trẻ, mẫu giáo cho con em công nhân, hỗ trợ chi phí gửi trẻ chưa được thực hiện hiệu quả, hợp lý. Còn có những quy định hạn chế quyền lao động của lao động nữ trong một số công việc dù là với mục đích bảo vệ sức khỏe sinh sản. Một số khái niệm như quấy rối tình dục, trong Bộ luật Lao động năm 2012 chưa được định nghĩa rõ ràng để đảm bảo tính khả thi trong thực tế.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết, dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) dự kiến sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến thông qua tại kỳ họp lần thứ 8 (tháng 10-11/2019). Việc sửa đổi Bộ luật Lao động lần này là cơ hội để các nhà hoạch định chính sách gồm các chuyên gia, đại diện người lao động, người sử dụng lao động cùng nghiên cứu, nhìn nhận và thống nhất các cơ chế chính sách đối với lao động nữ và thúc đẩy bình đẳng giới cho phù hợp với thực tiễn của quốc gia và cũng để bắt kịp xu thế toàn cầu. Các vấn đề đó có tác động, ảnh hưởng trực tiếp, sâu rộng đến hầu hết các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và hàng chục triệu lao động nam và lao động nữ trên thị trường lao động của nước ta.
Chia sẻ về một số nội dung mới về chính sách đối với lao động nữ và thúc đẩy bình đẳng giới trong Bộ luật Lao động (sửa đổi), bà Phan Thanh Minh- Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, việc sửa đổi Bộ luật Lao động lần này sẽ thu hẹp và tiến tới xóa bỏ khoảng cách về giới trong quy định tuổi nghỉ hưu giữa lao động nam và lao động nữ. Trong đó theo Phương án 1: Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với nữ vào năm 2015. Phương án 2: Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ. Người lao động bình đẳng về quyền nghỉ hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội khi thực hiện biện pháp tránh thai, khám thai, sinh con, nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi, chăm sóc con dưới 7 tuổi ốm đau phù hợp với pháp luật bảo hiểm xã hội. Người lao động có quyền tự quyết định lựa chọn làm các công việc có ảnh hưởng xấu đến chức năng sinh sản và nuôi con nhỏ trên cơ sở được thông tin đầy đủ về các công việc đó và điều kiện bảo hộ lao động. …
Bảo đảm thúc đẩy bình đẳng giới về quyền và cơ hội
Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB&XH T.P Hồ Chí Minh) Trần Kim Thanh cho rằng, hiện một số quy định trong Bộ luật Lao động hiện hành không thể thực thi trong thực tế cuộc sống mà con gây tâm lý lo ngại sử dụng nhiều lao động nữ trong các doanh nghiệp. "Ví dụ như quy định lao động nữ được nghỉ 30 phút trong mỗi kỳ kinh nguyệt. Điều này đã không thể thực hiện được" – Bà Thanh cho hay.
Bà Thanh cũng nêu lên một thực trạng: "Tại thành phố HCM có rất nhiều doanh nghiệp sử dụng lao động nữ. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ mới thấy khoảng 2 đến 3 doanh nghiệp đến Sở LĐ-TB&XH khai báo để hưởng các chính ưu đãi bởi các doanh nghiệp gặp rất nhiều vướng mắc khi khai báo với cơ quan thuế để hưởng ưu đãi" – bà Thanh cho biết thêm.
Bà Vũ Phương Ly đại diện Cơ quan Phụ nữ Liên hợp quốc (UN Women) cho biết, là một quốc gia thành viên của Liên hợp quốc, trong khuôn khổ Chương trình Nghị sự 2030, Việt Nam đã chính thức cam kết tiếp tục thúc đẩy hơn nữa bình đẳng giới và tạo việc làm cho tất cả mọi người. Do đó, hiện thực hóa quyền kinh tế của phụ nữ trong khuôn khổ các mục tiêu phát triển bền vững đồng nghĩa với việc thực hiện các cam kết "không bỏ ai lại phía sau".
Bà Ly cho biết những nội dung chính được UN Women quan tâm liên quan đến bình đẳng giới trong Bộ luật Lao động là: Thu hẹp và tiến tới xóa bỏ khoảng cách về tuổi nghỉ hưu giữa lao động nam và nữ; Bảo đảm thúc đẩy bình đẳng giới không phân biệt đối xử trên cơ sở về cơ hội, điều kiện, năng lực thực hiện quyền và hưởng thụ lợi ích trong lao động, đặc biệt là thực hiện chức năng thai sản, chăm sóc con nhỏ phù hợp đặc điểm giới tính; Hoàn thiện cơ chế chia sẻ trách nhiệm một cách phù hợp, hiệu quả giữa Nhà nước và người sử dụng lao động trong việc tổ chức nhà trẻ, mẫu giáo và hỗ trợ người lao động gửi con vào nhà trẻ, lớp mẫu giáo; Hoàn thiện khung pháp lý phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc góp phần bảo đảm môi trường làm việc an toàn lành mạnh.
Phát biểu kết luận tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đánh giá cáo các ý kiến phát biểu của các đại biểu. Thứ trưởng cho biết, tất cả các ý kiến của các đại biểu hôm nay sẽ được Ban soạn thảo tiếp thu hợp lý, phù hợp nhất với thực tiễn cuộc sống, hội nhập quốc tế và tiến hành rà soát, hoàn thiện dự thảo Bộ luật Lao động để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp lần thứ 8.