THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:59

Sửa đổi Bộ luật Lao động: Làm sao để không mất lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp

Giảm giờ làm việc- Doanh nghiệp sẽ phải tuyển thêm ít nhất 10% lao động

Góp ý về một số vấn đề cụ thể của Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), phía VCCI đề nghị giữ nguyên thời giờ làm việc bình thường (thời giờ làm việc tiêu chuẩn) 48h/tuần. Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội da giày - túi xách Việt Nam cho rằng, ngành da giày sử dụng 1,5 triệu lao động nên việc thay đổi cùa Bộ luật lao động có ảnh hưởng rất lớn. Với việc giảm giờ làm việc từ 48 xuống còn 44h/ tuần, doanh nghiệp sẽ phải tuyển dụng thêm nhiều lao động nhằm đáp ứng tốc độ sản xuất hàng hoá, đặc biệt là vào thời điểm mùa vụ sản xuất hàng hoá cho đối tác ở nước ngoài.

Sửa đổi Bộ Luật lao động: Làm sao để không mất lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp - Ảnh 1.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: Bộ luật Lao động (sửa đổi) phải ổn định, hài hòa và tiến bộ

"Đặc thù của doanh nghiệp da giày chủ yếu theo làm thời vụ trong khoảng từ thời gian từ 6-8 tháng/ năm. Nếu không tăng khung giờ làm thêm lại còn giảm giờ làm việc trong tuần xuống 44 h doanh nghiệp phải tuyển thêm ít nhất 10 % lao động. Hiện nay việc tuyển dụng đã rất khó khăn, nhiều doanh nghiệp thậm chí đã phải chấp nhận tuyển cả lao động trên 50 tuổi. Chưa kể doanh nghiệp còn phải đầu tư máy móc, công nghệ. Đó là gánh nặng quá lớn với doanh nghiệp. Về phía người lao động, đặc thù lao động da giày chủ yếu thu hút người lao động ở nông thôn và nhập cư. Nếu giảm giờ làm, người lao động sẽ có thể tăng thêm thu nhập bằng cách làm thêm nghề giúp việc gia đình và chạy xe Grab. Điều này cũng sẽ gây không ít hệ lụy về mặt xã hội." - bà Xuân nói.

Bà Đào Thị Thu Huyền, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng, từ năm 2011 đến nay, tiền lương của người lao động đã tăng gấp 3 lần, hiện chúng ta không còn lợi thế lương thấp nữa ngoài các điểm mạnh về nhân công như chăm chỉ cần cù. Nếu bây giờ còn giảm giờ làm và áp dụng lương lũy tiến làm thêm thì doanh nghiệp không còn lợi thế cạnh tranh nào nữa.

Sửa đổi Bộ Luật lao động: Làm sao để không mất lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp - Ảnh 2.

Bà Phan Thị Thanh Xuân cho rằng, với việc giảm giờ làm việc, doanh nghiệp sẽ đối mặt với sức ép thiếu hụt lao động

Trong khi ông Nguyễn Hoài Nam - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản VN (Vasep) cho rằng, nếu vẫn áp dụng khung giờ làm việc tối đa 300 giờ/năm, để phục vụ đơn hàng theo mùa vụ, doanh nghiệp sẽ vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam. Khi đó, khách hàng nước ngoài sẽ lập tức dừng tiếp nhận hàng hoá của doanh nghiệp trong nước....

Theo bà Đỗ Thị Thúy Hương- Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, việc giữ lại khung giờ làm việc 48h/ tuần sẽ giúp giữ được lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp và thu hút đầu tư FDI.

Liên quan đến vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu, ông Nguyễn Xuân Dương- Phó Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam cho bằng, nếu hỏi thì cả doanh nghiệp và người lao động đều không muốn tăng tuổi nghỉ hưu. "Nhưng tăng tuổi nghỉ hưu không phải chỉ vì doanh nghiệp hay người lao động mà đó trách nhiệm với đất nước. Tại sao Nhật Bản người ta vẫn làm việc đến già trong khi họ giàu có, phát triển hơn ta rất nhiều. Chúng ta vừa nghèo, năng suất lao động lại thấp, trình độ phát triển kém lại chỉ muốn nghỉ sớm, không muốn làm việc"- ông Dương đặt câu hỏi.

Sửa đổi Bộ Luật lao động: Làm sao để không mất lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Xuân Dương cho rằng, tăng tuổi nghỉ hưu còn là trách nhiệm đối với đất nước

Sửa đổi Bộ luật Lao động phải đảm bảo ổn định và hài hòa và tiến bộ

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho rằng, doanh nghiệp là cỗ máy tạo việc làm, tạo động lực thúc đẩy quá trình chuyển dịch kinh tế. Đất nước muốn vượt ngưỡng thu nhập trung bình thì GDP phải tăng trên 7%. "Các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản trong quá trình phát triển đất nước, họ làm việc cật lực, giờ chúng ta đang phải phải dấn lên để phát triển mà giảm giờ làm 4h thì GDP sẽ giảm. Hiện 60% doanh nghiệp đang hoạt động không có lãi, tăng trưởng GDP 7% trong thời gian tới là vô cũng khó khăn. Nếu giữ nguyên cơ chế như hiện nay duy trì được đã khó, giờ còn siết lại càng khó hơn nữa. Đặc biệt, điều này còn ảnh hưởng đến tinh thần khởi nghiệp của người trẻ. Họ đang làm việc tới 14-15 giờ/ngày. Nếu hạn chế giờ làm việc trong tuần và không nới khung làm thêm trong năm, chúng ta khó có thể thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, gây khó thế hệ trẻ. Giảm 4 tiếng giờ làm là không hợp lý trong giai đoạn hiện nay. Lợi thế duy nhất của ta là lao động mà bó buộc thế này thì đầu tư nước ngoài sẽ không đổ vào Việt Nam nữa, và như thế các hiệp định thương mại tự do (FTA) là vô nghĩa", ông Lộc nói.

Sửa đổi Bộ Luật lao động: Làm sao để không mất lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp - Ảnh 4.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, có 8 nội dung sửa đổi đảm bảo quyền lợi tốt hơn cho người lao động và 7 nội dung tốt hơn cho doanh nghiệp

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội với tư cách cơ quan thẩm tra dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) cho rằng, Bộ luật Lao động là luật gốc, liên quan đến nhiều người, lĩnh vực, ngành nghề nên cần thận trọng và đặc biệt, "không thể trái với các qui định, công ước quốc tế mà ta đã tham gia". Tổng toàn bộ nội dung sửa bộ luật lao động là 26 nội dung, trong đó có 8 nội dung đảm bảo quyền lợi tốt hơn cho người lao động và 7 nội dung có lợi hơn cho doanh nghiệp.

"Quan điểm của Ủy ban là sẽ không tăng thời gian làm thêm, và cũng sẽ không giảm thời gian làm việc trong tuần, vẫn giữ nguyên 48 giờ/tuần. Về tuổi nghỉ hưu, công chức viên chức chắc chắn phải tăng tuổi nghỉ hưu lên 60 đối với nữ và 62 đối với nam. Còn khu vực có quan hệ lao động thì có thể sẽ tăng tuổi nghỉ hưu ở thời điểm chậm hơn, tiến độ chậm hơn…" - Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội nêu quan điểm.

Về phía Ban soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Lao động- - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, do tác động của Bộ luật rất sâu rộng, nhiều đối tượng nên khó có thể tìm ra sự thỏa mãn cho tất cả các đối tượng. Ban soạn thảo sẽ tiếp thu các ý kiến để tìm phương án hợp lý nhất.

"Quan điểm của Ban soạn thảo và Ủy ban thường vụ quốc hội thống nhất là Bộ luật Lao động sửa đổi thì phải ổn định, hài hòa và tiến bộ. Vì người lao động nhưng cũng vì sự phát triển của đất nước, đồng thời, quan tâm đến sự phát triển của doanh nghiệp", Bộ trưởng nhấn mạnh và cho biết, ngày mai (17/9) ông sẽ tiếp tục gặp, làm việc với công nhân ngành may, giáo viên mầm non xem họ nói gì, tâm tư gì. Sau đó, Ban soạn thảo sẽ tổng hợp các ý kiến để hoàn thiện dự thảo luật trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào ngày 20/9 tới đây.

Bài: CHÂU GIANG; Ảnh: MẠNH DŨNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh