CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:32

Xây dựng Bộ luật Lao động bám sát yêu cầu thực tiễn

Tới dự hội thảo có: Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà; Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi; Trưởng Chương trình Bảo vệ trẻ em – Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) Lê Hồng Loan; Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) Nguyễn Văn Bình và đại diện các trưởng đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, đại diện Bộ Tư pháp và đại diện các Sở, ban, ngành…

Bám sát yêu cầu thực tiễn - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà phát biểu

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết, theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã được tích cực xây dựng trong thời gian qua. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo lấy ý kiến của các chuyên gia, các bộ, ngành, địa phương. Sau khi Quốc hội cho ý kiến lần thứ nhất tại kỳ họp thứ 7, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra của Quốc hội tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội, chỉnh lý dự thảo Bộ luật Lao động và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 36 và 37 trong 2 tháng vừa qua để chuẩn bị trình Quốc hội xem xét thông qua vào kỳ họp thứ 8 trong tháng 10 sắp tới.

Bám sát yêu cầu thực tiễn - Ảnh 2.

Toàn cảnh hội thảo

Bộ luật Lao động là một văn bản có tác động đến hầu hết mọi người dân trong xã hội nên rất được các đại biểu Quốc hội và các tầng lớp nhân dân quan tâm, tác động mạnh mẽ đến từng người dân trong xã hội. Những quy định của Bộ luật Lao động hiện hành về cơ bản đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế liên quan, cụ thể là các tiêu chuẩn theo Công ước của Liên hợp quốc tế quyền trẻ em (CRC), Công ước ILO số 138 về tuổi tối thiểu được đi làm việc và Công ước ILO số 182 về xóa bỏ những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất. Những nội dung về lao động trẻ em đã được triển khai tích cực cùng với sự hỗ trợ của Dự án nâng cao năng lực quốc gia để phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em của Cục trẻ em triển khai, do ILO hỗ trợ.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, Bộ luật hiện hành cũng còn một số hạn chế cần được nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của thực tiễn và quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam.Trong đó một số vấn đề đáng chú ý như:

Làm thế nào để các quy định của Bộ luật có thể được áp dụng nhằm phòng, chống tốt hơn vấn đề lao động trẻ em ở khu vực phi chính thức, khu vực không có quan hệ lao động;

Bám sát yêu cầu thực tiễn - Ảnh 3.

Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi phát biểu tại Hội thảo

Cần phải sửa đổi, bổ sung nội dung cụ thể nào để bảo đảm thực hiện đúng các tiêu chuẩn lao động quốc tế về việc sử dụng lao động dưới 15 tuổi, đặc biệt là trường hợp sử dụng lao động dưới 13 tuổi;

Những nội dung nào cần hoàn thiện nhằm bảo đảm tốt hơn việc xóa bỏ những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất, không chỉ trong khu vực chính thức mà ở cả khu vực phi chính thức, khu vực không có quan hệ lao động...

Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho biết:" Bộ luật Lao động năm 2012, không có điểm nào trái với hiến pháp, đặc biệt với nhóm lao động chưa thành niên. Hiện nay chỉ có một hạn chế là có 2 khái niệm cùng tồn tại là khái niệm lao động trẻ em và khái niệm lao động chưa thành niên. Chính vì vậy, Bộ luật Lao động (sửa đổi) được đưa ra nhằm đảm bảo sự thống nhất đồng bộ trong sử dụng thuật ngữ, cũng như đưa ra những quy định nhằm bảo vệ đối tượng lao động trẻ em.

Bám sát yêu cầu thực tiễn - Ảnh 4.

Trưởng Chương trình Bảo vệ trẻ em – Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc(UNICEF) Lê Hồng Loan phát biểu tại Hội thảo

Trong quá trình làm việc với các tổ chức quốc tế, trong đó tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đánh giá Bộ Luật lao động (sửa đổi) lần này cơ bản và hoàn toàn đáp ứng được với các tiêu chuẩn lao động quốc tế, các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết, hoàn toàn phù hợp với tư các thành viên của tổ chức lao động quốc tế (ILO), ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.

Tại Hội thảo, Trưởng Chương trình Bảo vệ trẻ em – Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc(UNICEF) Lê Hồng Loan cho biết:" Unicef ghi nhận dự thảo Bộ Luật lao động (sửa đổi) đã bổ sung rất nhiều quy định nhằm hiện thực hóa quyền của trẻ em. Đồng thời Unicef cũng mong muốn đưa ra những khuyến nghị về nội dung lao động chưa thành niên không có hợp đồng lao động, đặc biệt là lao động chưa thành niên là người giúp việc gia đình; quy định về công việc nhẹ; tăng cường bảo vệ cho người học nghề, tập nghề là người chưa thành niên; liên quan đến công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; đảm bảo việc làm không có hòa nhập, quấy rối và có tham chiếu tới Luật Trẻ em của các nước trong khu vực cũng như một số nước trên thế giới".

Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà ghi nhận và cảm ơn Unicef về những Khuyến nghị hoàn thiện các quy định pháp luật về lao động trẻ em. Theo đó, Unicef đã đánh giá cao những cam kết của Việt Nam trong lần sửa đổi Bộ luật Lao động lần này, trong đó, có các quy định về lao động chưa thành niên và cũng khuyến nghị những vấn đề cụ thể nhằm hoàn thiện hơn các quy định cụ thể trong dự thảo.


TUẤN ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh