"Năm 2035 mới có lao động nữ đầu tiên nghỉ hưu ở tuổi 60"!
- Bài thuốc hay
- 23:27 - 18/06/2019
- ĐBQH: Tuổi thọ cao, tăng tuổi nghỉ hưu là hoàn toàn cần thiết
- Nhiều ý kiến ủng hộ điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu theo Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi)
- Lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu là hợp lý
- Tăng tuổi nghỉ hưu: Không ảnh hưởng cơ hội việc làm của lao động trẻ
- Tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình và không cứng nhắc
Ông Trần Văn Sơn, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Điện Biên cho rằng, việc tăng tuổi nghỉ hưu là hết sức cần thiết và ông hoàn toàn ủng hộ vấn đề này. Tuy nhiên, theo ông Sơn, hiện nay còn ý kiến chưa đồng thuận là do họ chưa hiểu hết về lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu. Nhiều người vẫn nghĩ đến năm 2021 là đồng loạt tăng tuổi nghỉ hưu của nữ lên 60, nam 62.
Ông Trần Văn Sơn, Bí thư tỉnh ủy Điện Biên: Việc tăng tuổi nghỉ hưu là hết sức cần thiết. Ảnh MD
“Ngay trong một buổi trao đổi về tăng tuổi nghỉ hưu, có ý kiến chưa đồng tình về việc tăng tuổi hưu vào năm 2021. Nhưng khi tôi giải thích là tăng theo lộ trình chậm, mỗi năm chỉ tăng vài tháng, đến năm 2035 mới có người phụ nữ đầu tiên nghỉ hưu ở tuổi 60 và tùy ngành nghề lao động nặng nhọc độc hại, đặc thù, có quyền nghỉ hưu trước... thì mọi người thoải mái và nhất trí ngay. Như vậy, tôi nghĩ công tác thông tin tuyên truyền của mình còn hạn chế, chưa rõ. Tôi thấy rất ít, hoặc chưa thấy báo nào có tiêu đề như: "Năm 2035 mới có lao động nữ đầu tiên nghỉ hưu ở tuổi 60"! Vì vậy, cần đẩy mạnh, quan tâm hơn nữa đến công tác tuyên truyền đến mọi đối tượng trong xã hội để đạt được sự đồng thuận.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) cho rằng,việc tăng tuổi nghỉ hưu là rất cần thiết. Phương án 1 đã đáp ứng được yêu cầu nhưng cần quan tâm thêm các yếu tố về đối tượng ngành nghề, chúng ta không nên chỉ giới hạn cho nghỉ hưu sớm trước 5 tuổi mà có thể 5 - 10 tuổi với ngành nghề cụ thể. “Có những ngành nghề có thể tăng thêm thời gian làm việc không chỉ 5 tuổi mà có thể 5 - 7 tuổi và cần có danh mục để Quốc hội thảo luận, xem xét”.
Ông Đinh Văn Nhã - Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội cho rằng, việc tăng tuổi nghỉ hưu là chiến lược chung của nhiều quốc gia trên thế giới, không phân biệt nước giàu hay nghèo. Và để thực hiện chiến lược này, các nước thường đề ra lộ trình tăng dần trong nhiều năm. Ví dụ có những nước độ tuổi nghỉ hưu phổ biến là 65 thì họ điều chỉnh trong hàng chục năm để đạt mức này, cứ mỗi năm tăng thêm một tháng.
"Cách tăng như vậy không gây sốc. Với Việt Nam, việc trình Quốc hội xem xét từ năm 2021 mới bắt đầu lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu là hơi muộn so với các nước, có thể nói là nước đến chân mới nhảy". Theo ông, nếu như Việt Nam tăng tuổi nghỉ hưu sớm hơn, từ cách đây vài năm thì chỉ cần mỗi năm tăng một tháng, thay vì mỗi năm tăng 3 tháng với nam, 4 tháng với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi như đề xuất của Chính phủ (phương án 2 của Chính phủ là mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam, 6 tháng đối với nữ).
Tăng tuổi nghỉ hưu giúp cân đối quỹ bảo hiểm xã hội trong dài hạn. "Có nghịch lý là mức đóng bảo hiểm xã hội thấp, thời gian hưởng dài, mức hưởng lại cao, khiến quỹ không cân đối được; tất nhiên không thể vỡ quỹ được ngay, nhưng về lâu dài nếu không cân đối là rất nguy hiểm", ông Nhã nói.
Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, chuyên gia về tiền lương cho rằng, với lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu hợp lý cùng với sự phản ứng linh hoạt của thị trường lao động, tăng tuổi nghỉ hưu có thể làm ổn định cân bằng quỹ BHXH, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển cầu lao động và nâng cao năng suất lao động.Theo một số chuyên gia về tiền lương, khi tuổi nghỉ hưu của người lao động được nâng lên đồng nghĩa với việc kéo dài thời gian làm việc cũng như thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) sẽ tăng nguồn thu của quỹ BHXH. Bên cạnh đó, tăng tuổi nghỉ hưu có thể làm giảm gánh nặng chi trả cho quỹ BHXH do giảm tốc độ tăng số người hưởng lương hưu và giảm thời gian hưởng lương hưu của người ra khỏi độ tuổi lao động.
Ông Phạm Minh Huân nhấn mạnh: “Chúng ta phải tính đến vấn đề cân đối quỹ, tính bền vững của quỹ BHXH, đặc biệt là bảo hiểm hưu trí. Mô hình của chúng ta hiện đang có những cái chưa ổn, đóng thì ít mà hưởng thì nhiều hơn nên dẫn đến mất cân đối quỹ. Vì vậy, các chính sách phải điều chỉnh để ổn định quỹ BHXH và phù hợp với sức khỏe, tuổi thọ hiện nay của người Việt Nam cũng như với xu thế chung của thế giới”.