THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:05

ĐắkLắk-Đắk Nông: Dân kêu cứu vì khói bụi gây ô nhiễm từ lò than

 

Ông Thành bức xúc về lò than ở Đăk Mil.

Năm 2014 Công ty TNHH Phúc Minh đã bị UBND huyện Cư M’gar ra quyết định đình chỉ hoạt động do không đáp ứng đầy đủ các biện pháp trong đề án bảo vệ môi trường. Nhưng gần đây nhất vào tháng ngày 12/7/2016, Phòng TN-MT huyện trực tiếp kiểm cơ sở sản xuất than của Công ty Minh Phúc. Cụ thể trong văn bản báo cáo kiểm tra của Phòng TN-MT huyện Cư M’gar: “Kết quả kiểm tra hiện trạng cơ sở đang tạm ngưng hoạt động do không có nguồn nguyên liệu. Phòng đã lập biên bản kiểm tra hiện trạng và yêu cầu chủ cơ sở trong thời gian sắp tới nếu có hoạt động thì chỉ được phép đốt từ 4-5 lò một lần, để giảm lượng khói bụi thải ra môi trường xung quanh gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân”.

Người dân thôn Tân Thành, xã Cư Dliê M’nông, huyện Cư M’gar phải sống chung với nạn ô nhiễm môi trường, khói, bụi, vì hơn chục lò than của cơ sở sản xuất than của công ty TNHH Phúc Minh. Sức khỏe và đời sống của người dân bị ảnh hưởng trầm trọng. Bà Trần Thu Minh sống tại thôn Tân Thành bức xúc: “Đã nhiều năm nay, gia đình tôi phải sống trong cảnh khốn khổ vì cơ sở sản xuất than của Công ty Phúc Minh. Trước đây Công ty này chỉ xây dựng 2- 3 lò than, luân phiên nhau hoạt động, mức độ ô nhiễm ít. Thế nhưng những năm gần đây Công ty này bắt đầu mở rộng quy mô, xây dựng đến hơn 10 lò than, tần suất hoạt động cao khiến người dân chúng tôi không thể nào chịu nổi. Đặc biệt vào những thời điểm than ra lò, khói bụi lan tỏa cả khu vực, chúng tôi đã đóng chặt cửa nhưng vẫn không thể nào thở nỗi, ai ngửi phải cũng ho hen sặc sụa”. “Từ ngày lò than của Công ty Phúc Minh thành lập, người già và trẻ em xung quanh khu vực, sức khỏe yếu đều bị những bệnh liên quan đến đường hô hấp. Chúng tôi đã nhiều lần làm đơn kiến nghị đến các cơ quan ban ngành của xã, huyện, nhưng tình trạng trên vẫn không thay đổi”- bà Minh nói thêm. Còn ông Trần Quốc Tiến cũng ở cùng thôn bày tỏ: “Ngoài ảnh hưởng về sức khỏe, gia đình tôi có 4 ha cà phê và hồ tiêu gần cơ sở sản xuất than Công ty Phúc Minh. Trước đây cà phê của tôi có năng suất rất cao, thế nhưng từ khi lò than hoạt động sản lượng giảm xuống trầm trọng. Khói bụi bay bám vào hoa khiến cây không đậu trái làm mất năng suất. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị cơ quan ban ngành phải có biện pháp di dời lò than ra khỏi khu vực nhưng đến nay vẫn chưa thấy phản hồi, lò than vẫn hoạt động bình thường mặc cho người dân ở đây khốn đốn”.

 

Lò Than Đăk Mil ngày 17.9 đang bốc khói.


Cơ sở sản xuất than Công ty TNHH Phúc Minh do ông Đoàn Bằng Giang làm giám đốc. Trước đây, ông Giang là chủ cơ sở một xưởng cưa tại địa phương, cho đến tháng 7/2011 thì bắt đầu hoạt động sang lĩnh vực sản xuất than đốt. Quan sát tại cơ sở sản xuất than của Công ty TNHH Phúc Minh có tất cả 13 lò than. Tại thời điểm PV có mặt, có 3 lò than vẫn đang hoạt động, khói bụi vẫn tỏa ra nghi ngút. Bà Lợi người làm công cho cơ sở phân bua: “Do mùa mưa nguyên liệu đốt không đủ nên chúng tôi chỉ hoạt động 3 đến 4 lò đốt cầm chừng. Vào mùa nắng, củi nhiều, có lúc chúng tôi phải đốt đến 9 lò cùng một lần. Những lúc như thế vợ chồng tôi phải luân phiên làm việc cả ngày lẫn đêm”. 

Trả lời với phóng viên: “Tại sao UBND huyện đã ra quyết định đình chỉ vô thời hạn với cơ sở sản xuất than của ông Giang nhưng Phòng TNMT vẫn cho cơ sở này hoạt động từ 4-5 lò”. Ông Nguyễn Văn Nhựt (Phó Phòng TN-MT huyện Cư M’gar) lí giải: “Do đây là một công ty lớn, chi phí ban đầu để xây dựng lò than rất tốn kém nên Phòng cũng muốn tạo điều kiện để chủ lò thu hồi lại vốn tránh thiệt hại kinh tế”.“Vậy sức khỏe người dân và hoa màu ở khu vực bị ảnh hưởng bởi khói bụi từ lò than thì ai chịu trách nhiệm”. Lúc này ông Nhật chỉ im lặng không nói gì.

          UBND xã không “dám” cưỡng chế

Lãnh đạo UBND huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo ngừng hoạt động đối với lò than tại thôn Đức Lợi, xã Đức Mạnh, huyện Đắk Mil tỉnh Đắk Nông, nhưng không hiểu vì sao, ngày 15/9/2016 mới đây bà Trần Thị Nguyệt Minh lại cho công nhân chở củi chất vào lò để đốt. Người dân tiếp tục kéo đi khiếu kiện. “Khổ lắm các chú ơi. Mỗi lần họ đốt than, tôi thở không được, tức ngực khó chịu. Cứ đến đêm khuya là tỉnh giấc đến sáng vì bụi khói sà xuống, ám hết vào trong nhà. Tôi già yếu, con cháu tôi sẽ sinh bệnh tật khi ngửi mùi khói lò than, chúng tôi mới kéo lên UBND huyện, nhờ lãnh đạo huyện xuống can thiệp, nếu để tình trạng này kéo dài, chúng tôi sớm muộn gì cũng mang bệnh đầy người” – ông Thành nói.

 

UBND huyện Đắk Mil ký Giấy xác nhận “Kế hoạch bảo vệ môi trường.


Ngày 29/9/2016, ông Hoàng Văn Thuần - Chủ tịch UBND huyện Đắk Mil đã ký công văn số1301/UBND-TNMT, khẳng định lò than hoạt động tại thôn Đức Lợi là trái phép, gây ô nhiễm môi trường, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Do đó, đề nghị chủ tịch UBND xã Đức Mạnh thực hiện nghiêm túc tại thông báo số 110/TB-UBND của UBND huyện Đắk Mil ký ngày 25/7/2016, yêu cầu bà Minh chấm dứt hoạt động đốt than, nếu không chấp hành sẽ bị bị cưỡng chế theo quy định. Đồng thời UBND huyện Đắk Mil thành lập đoàn kiểm tra liên ngành đã tiến hành kiểm tra tại lò than của bà Minh và đã thống nhất ra văn bản số 01/BB-LV yêu cầu lò than của bà Trần Thị Nguyệt Minh chấm dứt hoạt động từ ngày 29/9/2016.

Về phía chủ lò than, bà Minh đề nghị được đốt hết số củi trong vườn, nhưng không được đồng ý và ông Nguyễn Văn Lục – Chủ tịch UBND xã Đức Mạnh không chịu ký vào biên làm việc. “Tôi không chịu ký vì đoàn liên ngành không đề cập đến vấn đề chính là ô nhiễm môi trường, kinh doanh trái phép. Mà yêu cầu xã có trách nhiệm kê biên tài sản nên tôi không đồng ý. Tôi không ký” – ông Lục lí giải. “Tại sao UBND huyện lại ép chính quyền địa phương thành lập đoàn cưỡng chế, trong khi trước đó việc xử lí môi trường không rõ ràng. Cảnh sát môi trường tỉnh đã về đo nồng độ không khí từ tháng 4/2016, nhưng đến nay vẫn không chịu công khai kết quả, tại sao không chịu xử lí việc kinh doanh không phép.Cần có sự vào cuộc của các cấp”. Ông Lục nói thêm: chủ lò than đã đồng ý di dời cách vị trí cũ khoảng vài trăm mét, nhưng bị người dân phản đối. Các văn bản ban đầu của UBND huyện yêu cầu phải khắc phục hậu quả bằng cách xây ống khói lên cao, nhưng không hiệu quả vì ban đêm khói vẫn sà xuống. Xã chỉ đủ thẩm quyền xử phạt hành chính và đã phạt 1,5 triệu đồng đối với bà Minh. Nếu đốt nữa, chúng tôi sẽ lập biên bản, rồi kiến nghị, đề xuất UBND huyện chỉ đạo tiếp” .

 

Trao đổi với PV về vụ việc trên, ông Nguyễn Văn Minh (Phó chủ tịch UNND huyện Cư M’gar) cho biết: “Việc UBND huyện đã ra quyết định đình chỉ hoạt nhưng cơ sở sản xuất than của Công ty Phúc Minh vẫn lén lút hoạt động là sai. UBND huyện sẽ lập đoàn kiểm tra đột xuất cơ sở này và yêu cầu cơ sở này chấm dứt hoạt động, đồng thời cũng kiến nghị Sở Kế hoạch đầu tư rút giấy phép hoạt động của đơn vị này. Đặc biệt, Phòng TN-MT đã tự ý ngầm cho cơ sở này hoạt động mà không thông qua UBND huyện là hành động tiếp tay cho chủ cơ sở. UBND huyện sẽ tổ chức cuộc họp để xử lí kiểm điểm cá nhân, tập thể các cán bộ liên quan đến vụ việc trên”.

LÊ NHUẬN - NGỌC ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh