Phú Thọ: Lò gạch thủ công vẫn vô tư nhả khói
- Pháp luật
- 18:12 - 05/04/2016
Đua nhau nhả khói “hun” dân
Theo thống kê, trên địa bàn TP. Việt Trì (Phú Thọ), đang tồn tại 31 lò gạch trải đều trên các phường, xã. Từ năm này qua năm khác, lò gạch thủ công hoạt động khiến cho không những môi trường sống của người dân bị đe dọa, mà cây trồng của bà con nông dân cũng bị ảnh hưởng.
Ở các xã vùng ven đã đành, nhưng điều đáng bàn là ngay cả những phường ở trung tâm TP. Việt Trì, nơi có cư dân đông đúc cũng tồn tại rất nhiều lò gạch gây ô nhiễm, ngày đêm hun đốt khu dân cư. Tại phường Tiên Cát có 3 lò gạch vẫn ngày đêm nhả khói ra khu dân cư khiến người dân khốn khổ. Ông Nguyễn Thanh Hùng, một người dân ở đây bức xúc, “lò gạch quá sát khu dân cư nên cả khu vực ngập chìm bụi, nóng hầm hập như lò sưởi. Chúng tôi kiến nghị các cấp chính quyền di dời các lò gạch ra xa khu dân cư nhưng chả thấy cơ quan nào giải quyết. Người dân kêu mãi không thấy chuyển biến gì nên giờ biết âm thầm chịu đựng”.
Trước đó, Báo LĐ&XH cũng đã phản ánh tình trạng hoạt động gây ô nhiễm của các lò gạch trên địa bàn xã Sông Lô. Và cho đến nay, đã quá lệnh của thành phố gần 4 tháng trời, tuy nhiên tại xã Sông Lô, là cửa ngõ vào thành phố Việt Trì, vẫn tồn tại gần chục lò gạch ngày ngày xả khói. Không chỉ vậy, hoạt động vận chuyển nguyên vật liệu để sản xuất gạch và vận chuyển gạch đi tiêu thụ cũng khiến các tuyến đường, tuyến đê ở xã Sông Lô bị băm nát. Mỗi khi xe tải đi qua đường giao thông lại mù mịt bụi. Hàng trăm hộ dân xung quanh khu vực bị ảnh hưởng, nhà nào cũng cửa đóng then cài tránh khói bụi.
Mặc dù cho đến nay, đã quá lệnh của thành phố đã gần 4 tháng trời nhưng nhiều lò gạch vẫn đua nhau hoạt động.
Lý giải về tình trạng này, ông Nguyễn Văn Tảo, Chủ tịch UBND xã Sông Lô xác nhận tất cả các lò gạch đều hết hợp đồng từ 31/12/2015. Hiện nay trên địa bàn xã Sông Lô còn 9 lò gạch đang hoạt động. Mặc dù đã áp dụng công nghệ lò đứng liên hoàn nhưng vẫn ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. UBND xã đã thông báo chủ trương của thành phố, gọi và nhắc nhở nhiều lần nhưng các lò gạch vẫn tiếp tục hoạt động. Về việc xóa bỏ những lò gạch này, ông Tảo cho biết, hiện còn nhiều vướng mắc chưa thể giải quyết ngay được. Nguyên nhân là do nhiều lò gạch đầu tư lớn, họ xin thêm thời gian để chuyển đổi. Mặt khác là vấn đề san lấp, trả lại mặt bằng cho người dân sản xuất sau khi xóa bỏ các lò gạch không phải là chuyện đơn giản.
Bất lực hay buông lỏng quản lý?
Mặc dù UBND TP. Việt Trì đã ban hành kế hoạch 1440/KH-UBND ngày 17/7/2014 là trong năm 2015 chấm dứt và xóa bỏ 100% lò sản xuất gạch đất sét nung theo công nghệ liên tục kiểu đứng, công nghệ lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch trên địa bàn. UBND TP. Việt Trì yêu cầu Chủ tịch UBND các phường, xã có liên quan chịu trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc các doanh nghiệp, các chủ lò gạch chấm dứt sản xuất gạch đất sét nung công nghệ lò đứng liên tục theo đúng tiến độ đồng thời không ký hợp đồng hoặc gia hạn hợp đồng giao đất, cho thuê đất cho các chủ lò gạch, báo cáo kết quả thực hiện về UBND thành phố trước 31/12/2015. Nhưng theo báo cáo mới đây nhất, toàn bộ TP. Việt Trì mới chỉ xóa bỏ được 4/31 lò gạch, đạt gần 13% so với kế hoạch.
Trao đổi với phóng viên Báo LĐ&XH, ông Phan Thanh Dương, Trưởng phòng Kinh tế UBND TP. Việt Trì cho biết: “Phòng Kinh tế đã tham mưu cho UBND thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo số 1111/UBND-KT ngày 16/6/2015; văn bản số 2489/UBND-KT ngày 24/12/2015 về việc đôn đốc xóa bỏ sản xuất gạch đất sét nung công nghệ lò đứng liên tục trên địa bàn. Tuy nhiên, đến nay kết quả đạt được chưa cao”.
Được biết sau khi Quyết định số 115/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được ban hành về việc xóa bỏ lò gạch thủ công vào năm 2010, tỉnh Phú Thọ triển khai đồng bộ. Tuy nhiên, sau một thời gian dài triển khai, đến nay, việc xóa lò gạch thủ công ở Phú Thọ vẫn giậm chân tại chỗ. Nguyên nhân là do các cấp chính quyền xã, thành phố còn chưa kiên quyết xử lý trước những vi phạm.