THỨ NĂM, NGÀY 21 THÁNG 11 NĂM 2024 11:52

Đắk Lắk: Cơ quan chức năng vào cuộc xử lý trang trại nuôi heo

Hàng chục hộ dân ở thôn Tân Lợi 1, xã Ea Uy, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk bị ảnh hưởng do mùi hôi thối bay vào, nước thải chưa qua xử lý tràn vào nương rẫy, ao hồ của trang trại chăn nuôi heo nái sinh sản quy mô lớn của ông Huỳnh Tấn Khánh làm chủ, được xây dựng trên diện tích đất nông nghiệp khác từ năm 2018. Vị trí trang trại chăn nuôi heo cách Chùa Phước Thiện 245m, cách khu dân cư khoảng 150m. Chung quanh trang trại chăn nuôi heo của ông Huỳnh Tấn Khánh có một số nhà làm trên diện tích đất nông nghiệp chủ yếu là làm nhà để trông coi tài sản, có quy mô chăn nuôi 650 heo nái sinh sản. Về trình tự xả thải của trang trại gồm: 1 hầm biogas, 1 hầm chứa nước, qua 3 hầm lọc và 5 bể lọc, sau đó xả thải ra hồ chứa nước của gia đình ông.

Hàng chục hộ dân ở thôn Tân Lợi 1, xã Ea Uy, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk bị ảnh hưởng do mùi hôi thối từ trang trại này

Hàng chục hộ dân ở thôn Tân Lợi 1, xã Ea Uy, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk bị ảnh hưởng do mùi hôi thối từ trang trại này

Từ thông tin phản ảnh của người dân đến cơ quan báo chí và chính quyền về việc trang trại chăn nuôi heo gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nhóm phóng viên đã tiếp cận hiện trường vụ việc, trực tiếp chứng kiến tình trạng ô nhiễm môi trường do trang trại chăn nuôi heo gây ra, được người dân địa phương dẫn chúng tôi đi dọc theo hàng rào của trang trại chăn nuôi được xây dựng bằng gạch cao quá đầu người, đứng phía ngoài không nhìn thấy gì bên trong trang trại, phía bên ngoài tường rào là rẫy cà-phê của người dân địa phương, nước từ trang trại thấm ra bốc mùi hôi thối rất khó chịu, theo quan sát trang trại chăn nuôi heo nằm sát khu đông dân cư khoảng 150m đến 250m, trong đó có một số nhà dân chỉ cách vài chục mét.

Chúng tôi tiếp tục đi về phía cuối tường rào đến khu vực chứa nước thải của trang trại chăn nuôi heo. Tại đây có 3 cái ao, trong đó có 1 ao lót bạt chứa nước thải từ hầm biogas đen quánh, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Nước thải từ chuồng trại chăn nuôi heo được đổ vào 3 ao này để lắng đọng. Tuy nhiên khi có mưa lớn, nước từ các ao này tràn ra nương rẫy, ao hồ của người dân và khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Không còn cách nào khác, người dân phải tự đào một cái mương dẫn nước thải băng qua khu dân cư rồi đổ ra cánh đồng Ea Uy.

Ông Trần Văn Ngọc nhà ở cách trang trại 100m thuộc thôn Tân Lợi 1, xã Ea Uy, có 1ha cà-phê sát với trang trại chăn nuôi heo cho biết: “Hằng ngày, tôi ra chăm sóc vườn cà phê nhưng mùi hôi thối bốc ra từ trang trại chăn nuôi heo không thể nào chịu được. Nhiều hôm chỉ làm được một vài giờ, tôi không chịu được mùi hôi thối phải bỏ về. Vợ chồng tôi có 2 người con, đứa nhỏ 4 tuổi và đứa lớn 7 tuổi. Do môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, các cháu hay bị bệnh về đường hô hấp, tôi phải gửi các cháu qua nhà anh trai ở xã khác để ở và ăn học”.

Nước thải từ trang trại ảnh hưởng đến vườn nhà ông Phạm Văn Chiêu ở thôn Tân Lợi 1, xã Ea Uy

Nước thải từ trang trại ảnh hưởng đến vườn nhà ông Phạm Văn Chiêu ở thôn Tân Lợi 1, xã Ea Uy

Tiếp đó, chúng tôi đến 2 ao nuôi cá của gia đình nằm gần trang trại chăn nuôi heo, ông Phạm Văn Chiêu ở thôn Tân Lợi 1, xã Ea Uy bức xúc: “Gia đình tôi ở đây từ năm 1980 và làm 1ha cà phê, 2 ao cá có diện tích 1.000m2/ao. Trước đây, không khí ở đây trong lành. Nhưng kể từ năm 2016, trang trại chăn nuôi heo nái quy mô lớn này được xây dựng tại đây đã gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nước thải từ trang trại chăn nuôi chảy vào 2 ao làm cá chết sạch, không còn chăn nuôi được. Tôi hút nước dưới ao lên tưới cây thì cũng cây chết. Điều đáng lo lắng hơn là nước thải tràn vào khu dân cư và thấm xuống đất. Trong khi đó, hầu hết người dân ở đây đều sử dụng nước giếng đào, độ sâu chỉ 7m. Chúng tôi lo lắng, không chỉ môi trường mà nguồn nước giếng cũng bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe của gia đình, cộng đồng”.

Những bức xúc, lo lắng của người dân ở thôn Tân Lợi 1, xã Ea Uy là tình trạng ô nhiễm môi trường đã xảy ra nhiều năm nay, ngày càng trầm trọng. Người dân đã nhiều lần làm đơn kiến nghị lên chính quyền địa phương, các ngành chức năng của huyện Krông Pắk nhưng đến nay mọi việc vẫn chưa được xử lý, khiến người dân càng bức xúc, lo lắng hơn.

Sự việc đã được cơ quan báo chí phản ánh, đến ngày 1/11, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Lắk tổ chức đoàn công tác tiến hành kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường tại Dự án “Trang trại chăn nuôi heo nái sinh sản tại thôn Tân Lợi 1, xã Ea Uy, huyện Krông Pắk” do ông Huỳnh Tấn Khánh làm chủ. Đoàn kiểm tra có đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra Sở, Phòng Quản lý môi trường của sở; lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Krông Pắk và UBND xã Ea Uy.

Nhóm phóng viên có mặt tại buổi kiểm tra và trực tiếp chứng kiến Đoàn kiểm tra tiến hành làm việc với ông Huỳnh Tấn Khánh để nắm bắt thông tin về dự án, tiến hành kiểm tra các hồ chứa nước thải của trang trại và tiến hành lấy mẫu nước tại hồ chứa cuối cùng trước khi thải ra môi trường, đồng thời quan trắc không khí phía bên ngoài trang trại…

Cán bộ Sở TNMT tiến hành lấy mẫu nước tại hồ chứa cuối cùng trước khi thải ra môi trường

Cán bộ Sở TNMT tiến hành lấy mẫu nước tại hồ chứa cuối cùng trước khi thải ra môi trường

Đoàn công tác cũng ghi nhận ý kiến của người dân địa phương phản ảnh về việc trang trại chăn nuôi heo nái sinh sản gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân nơi đây.

Đại diện đoàn công tác cho biết, các mẫu nước lấy ở hồ nước thải này sẽ được niêm phong mang về phân tích, xử lý và khi có kết quả sẽ thông báo cho chính quyền địa phương, chủ trang trại và người dân cùng biết.

Có mặt tại buổi kiểm tra, Chủ tịch UBND xã Ea Uy Nguyễn Thanh Bình đề nghị Đoàn kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra theo đúng quy định và sớm công bố kết quả kiểm tra. Nếu trang trại có gây ô nhiễm môi trường thì yêu cầu chủ trang trại thực hiện nghiêm túc Quyết định số 505/QĐ-UBND ngày 7/3/2018 của UBND tỉnh Đắk Lắk về việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án, bảo đảm cuộc sống cho người dân.

Dự án “Trang trại chăn nuôi heo nái sinh sản tại xã Ea Uy” do ông Huỳnh Tấn Khánh làm chủ có vốn đầu tư hơn 16 tỷ đồng, đi vào hoạt động ổn định hơn 4 năm nay. Quy mô trang trại với diện tích 3ha, quy mô chăn nuôi 650 heo nái sinh sản, tuy nhiên hiện mới nuôi khoảng 350 con.

Trong 16 tỷ đồng đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi heo này, ông Huỳnh Tấn Khánh vay ngân hàng 8 tỷ đồng. Tuy nhiên, 2 năm gần đây do ảnh hưởng dịch Covid-19, việc chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, đến nay trong 8 tỷ đồng vay ngân hàng thì mới trả được 4 tỷ, còn nợ 4 tỷ đồng nên chưa có tiền đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Ông thừa nhận: “Tôi cũng nhiều lần nghe người dân phản ảnh về việc trang trại chăn nuôi heo gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Trong thời gian qua, do gặp khó khăn nên chưa khắc phục được, để xây dựng hệ thống xử lý chất thải cho trang trại phải đầu tư hơn 1 tỷ đồng”.

Theo ông Khánh, để khắc phục tình trạng này, trong thời gian tới, ông sẽ mua thêm đất của người dân để xây bờ kè ngăn không cho nước thải tràn ra môi trường và trồng đai rừng chắn gió ngăn mùi hôi phát tán.

Chủ tịch UBND xã Ea Uy Nguyễn Thanh Bình (bên trái) làm việc với PV

Chủ tịch UBND xã Ea Uy Nguyễn Thanh Bình (bên trái) làm việc với PV

Làm việc với chính quyền xã Ea Uy về tình trạng trang trại chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ea Uy Nguyễn Thanh Bình cho biết, trang trại chăn nuôi heo này được tỉnh cấp phép đầy đủ. Tuy nhiên, thỉnh thoảng người dân xung quanh có phản ánh về tình trạng ô nhiễm từ trang trại, xã đã tiến hành kiểm tra nhưng cấp xã chỉ kiểm tra bằng mắt thường, không đánh giá được tác động môi trường. Ủy ban nhân dân xã yêu cầu chủ trang trại khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, bảo đảm cuộc sống cho người dân.

Theo báo cáo của UBND huyện Krông Pắc, chủ trang trại có đầy đủ cơ sở pháp lý như: Quyết định số 505/QĐ-UBND ngày 7/3/2018 của UBND tỉnh Đắk Lắk về việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án “Trang trại chăn nuôi heo nái sinh sản tại xã Ea Uy”; Quyết định số 8164/QĐ-UBND ngày 28/12/2016 của UBND huyện Krông Pắk về việc bổ sung Quy hoạch phát triển kinh tế trang trại huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020; Giấy phép số 96/GP-UBND ngày 11/10/2017 của UBND tỉnh Đắk Lắk về việc Giấy Phép khai thác, sử dụng nước dưới đất…

Qua kiểm tra xác định có mùi hôi thối ra môi trường. Nguyên nhân vào đầu năm 2021, khi heo sinh xong thì chủ trang trại có đào hố chôn lấp nhau heo cho nên dẫn đến có mùi hôi thối.

Song 2 tháng gần đây, chủ trang trại cho biết đã cho các hộ dân ở các khu vực lân cận thu gom nhau về làm thức ăn cho cá nên không còn tình trạng chôn nhau trong khuôn viên trang trại, xung quanh trang trại ông Huỳnh Tấn Khánh đã cho trồng cây xanh che chắn hỗ trợ cho việc cải tạo, hạn chế ô nhiễm môi trường.

Qua kiểm tra nhận thấy có hiện tượng nước sau xử lý, phân thải hiện nay sau mấy ngày mưa nhiều nước trong các bể đã tràn ra ngoài chảy theo mương nước về khu vực phía dưới vào ao và vào khu vực dân cư đang sinh sống rồi chảy về khu vực ruộng lúa, nước chảy có mùi hôi và sẫm màu, đồng thời có bọt gây bức xúc cho người dân quanh khu vực trang trại.

Trước mắt, UBND huyện Krông Pắc yêu cầu chủ trang trại là ông Huỳnh Tấn Khánh thực hiện nghiêm túc các biện pháp bảo vệ môi trường đã được phê duyệt tại Quyết định số 505/QĐ-UBND ngày 7/3/2018 của UBND về việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án; yêu cầu UBND xã Ea Uy tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm đối với trang trại chăn nuôi heo nái sinh sản tại xã Ea Uy, trường hợp vượt thẩm quyền lập hồ sơ báo cáo UBND huyện xem xét xử lý theo quy định.

Cũng theo UBND huyện Krông Pắc, hiện huyện chưa có các dụng cụ đo lường các tiêu chí về nước thải và mùi hôi phát tán trong không khí. Do đó, UBND huyện Krông Pắc đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường xuống kiểm tra, phân tích mẫu nước và đo mùi hôi trong không khí, kiểm tra việc chấp hành của chủ trang trại theo báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đã được phê duyệt và theo quy định của pháp luật.

 

LÊ NHUẬN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh