Báo động đỏ tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề
- Y học 360
- 20:04 - 06/11/2021
46% số làng nghề trong diện điều tra có môi trường bị ô nhiễm nặng
Không thể phủ nhận 1.350 làng nghề và làng có nghề trên địa bàn TP. Hà Nội đã tồn tại và phát triển hàng trăm năm, mang lại nhiều giá trị kinh tế, tạo công ăn việc làm cho hàng vạn lao động nông thôn, thế nhưng, có một nghịch lý khi càng nhiều làng nghề phát triển, kéo theo đó là tình trạng ô nhiễm môi trường ngày một gia tăng.
Trong khi đó, mặc dù các cơ quan chức năng đã vào cuộc để tìm cách xử lý nhưng cho đến nay vẫn gặp nhiều khó khăn, khiến dư luận vô cùng quan ngại. Thực tế, hầu hết các làng nghề truyền thống hiện nay đã và đang chịu những ảnh hưởng về môi trường như khói bụi, tiếng ồn… đặc biệt là ô nhiễm nguồn nước, khi không có khu xử lý nước thải tập trung, các cơ sở sản xuất đều mang tính chất tự phát không có biện pháp bảo vệ môi trường.
Trong đó, nhiều làng nghề đã trở thành nỗi ám ảnh khi vào vụ sản xuất như tại các xã Minh Khai, Cát Quế, Dương Liễu, huyện Hoài Đức, nước thải từ các hộ sản xuất miến dong, sắn dây khiến cho nguồn nước bị ô nhiễm trầm trọng và sức khỏe của người dân luôn đứng trước nhiều nguy cơ đe dọa. Hay như làng nghề mộc xã Liên Trung, Liên Hà, huyện Đan Phượng, bụi bặm luôn trở thành căn bệnh nan y, khó có thể xử lý.
Không chỉ ở Hà Nội mà tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề hiện nay đang ở mức báo động, ảnh hưởng đến môi trường và đời sống con người. Theo Hiệp hội làng nghề Việt Nam, 46% số làng nghề trong diện điều tra có môi trường bị ô nhiễm nặng, 27% làng nghề ô nhiễm vừa. Trong đó, hàm lượng các chất ô nhiễm theo các chỉ số COD, BOD5 hay tổng số vi khuẩn coliform trong nước thải làng nghề đều vượt tiêu chuẩn cho phép hàng chục lần, một số nơi lên đến hàng nghìn lần.
Ngoài ra, hầu hết các làng nghề đều có hàm lượng bụi vượt tiêu chuẩn cho phép, nồng độ khí SO2 tại các làng nghề cao hơn nhiều lần so với tiêu chuẩn. Tình trạng ô nhiễm môi trường tập trung vào các loại hình làng nghề đặc trưng như chế biến lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng, dệt nhuộm, tái chế giấy, tái chế nhựa, tái chế kim loại, thủ công mỹ nghệ...
Ô nhiễm môi trường ở làng nghề do ý thức người dân còn thấp
Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng ô nhiễm môi trường làng nghề nhức nhối như hiện nay, xuất phát từ cơ chế quản lý chồng chéo, từ cấp xã, huyện đến các sở, ngành. Vòng tuần hoàn ô nhiễm xuất phát từ người dân thiếu ý thức, cấp xã thiếu cán bộ phụ trách đến cơ quan quản lý chuyên ngành về môi trường và cơ quan quản lý làng nghề chưa có tiếng nói chung.
Cơ quan quản lý môi trường vẫn chỉ dừng lại ở mức độ tuyên truyền, phổ biến (chưa tiến hành kiểm tra quyết liệt, xử lý triệt để). Đó là chưa kể đến thiếu sự đồng thuận, chung sức của các cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và quản lý làng nghề.
Theo GS,TS, Đặng Kim Chi, Phó Chủ tịch Hội thiên nhiên Việt Nam, nguyên nhân gây ô nhiễm tại các làng nghề là do hoạt động sản xuất tại nhiều làng nghề còn ở quy mô nhỏ, manh mún, gây khó khăn cho việc bố trí xử lý chất thải. Bên cạnh đó, người dân làm nghề cũng chưa tự giác thực hiện các quy định của pháp luật trong các khâu thu gom, xử lý, quản lý chất thải, bảo vệ môi trường tại các làng nghề...
Phần lớn chỉ quan tâm đến lợi nhuận trước mắt, không lường hết tác hại lâu dài của ô nhiễm môi trường. Nhiều làng nghề vẫn đang sở hữu quy trình sản xuất thô sơ, sử dụng nhiều lao động trình độ thấp. Một số địa phương vẫn coi trọng kinh tế, coi nhẹ môi trường, vai trò bảo vệ môi trường làng nghề còn khá mờ nhạt.
“Mỗi làng nghề cần có phương án bảo vệ môi trường do xã xây dựng, trình huyện phê duyệt để tổ chức thực hiện. UBND huyện chịu trách nhiệm phân bổ kinh phí và chỉ đạo việc thực hiện phương án bảo vệ môi trường này. Các tỉnh/ thành phố có trách nhiệm xác định các làng nghề bị ô nhiễm và đầu tư hạ tầng bảo vệ môi trường, xử lý ô nhiễm cho làng nghề…”, bà Nguyễn Hoàng Ánh, Phó trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm (Tổng Cục môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường) chia sẻ.