Đặc sắc lễ cúng cầu mưa của người Êđê ở Tây Nguyên
- Văn hóa - Giải trí
- 19:43 - 06/12/2021
Theo ông Y Lhiêt Niê (nguyên Phó chủ tịch UBND phường Tân Lập, tp. Buôn Ma thuột), lễ cúng cầu mưa vẫn còn gìn giữ và bảo tồn nhiều nét văn hóa mang đậm dấu ấn đặc sắc của người Êđê tại Tây Nguyên, bắt đầu bằng việc đồng bào dựng cây nêu và một chòi Pưk trên rẫy. Lễ vật cúng là một con gà trống, chén rượu cần, xôi, con heo chỉ lấy đầu, đôi, bốn cái chân và bộ lòng. Khi âm thanh của dàn cồng chiêng nổi lên, thầy cúng khấn cầu yàng (trời, đất, thần mưa đổ nước xuống) để người dân có nước trồng tỉa, lúa trổ nhiều bông, chắc hạt, mùa màng bội thu…dân làng ấm no, mọi người trong buôn làng đoàn kết, hạnh phúc.
Khi thầy cúng Y Ret Alio (sn 1962) ở buôn Niêng, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk đã khấn cầu xong thì dân làng làm thủ tục vẩy nước. Cùng với đó là những người đàn ông mỗi người cầm hai cây đi vòng tròn để chọc lỗ xuống đất, còn người nữ đi sau cầm ống chứa lúa giống để tỉa lúa xuống những lỗ này. Sau đó mọi người cùng nhau quây quần uống rượu cần, thưởng thức lễ vật.
Lễ cầu cầu mưa của đồng bào Êđê với mong muốn Yàng ban cho nhiều lúa, hoa màu, cuộc sống no đủ, đoàn kết yêu thương nhau, hạnh phúc. Để chuẩn bị cho buổi lễ cúng cầu mưa bắt đầu bằng việc đồng bào dựng cây nêu và một chòi Pưk trên mảnh rẫy tượng trưng, trong chòi có hai tượng thần làm bằng gỗ. Nóc chòi Pưk cắm bốn con cá lóc vào bốn góc. Lúc này, cầu thang sẽ bị dựng ngược nhằm không cho thần ác đi lên, Chòi pưk có hai tầng, tầng trên (tầng trời) để thờ ông trời và bà trời, tầng dưới là kho lúa tượng trưng cho sự no đủ với một ít lúa đã được đặt bên trong. Dưới chân chòi đặt tượng thần Ác- người xui khiến chim thú vào phá rẫy, làm mất mùa màng khiến dân làng phải sống trong cảnh đói nghèo. Những lễ vật cúng yàng và thần linh được đựng trong dụng cụ đan bằng tre, nứa, đặt dưới đất cùng các tượng gỗ tạc hình thú như trâu, bò, heo, gà… Những tượng hình con chuột, nhím, heo và tổ ong được bà con sắp đặt ở xung quanh rẫy.
Trước chòi Pưk, khi âm thanh của dàn chiêng nổi lên, thầy cúng mở đầu nghi thức cúng với lời khấn cầu yàng (trời, đất, thần mưa) đổ nước xuống để người có nước trồng tỉa, lúa trổ nhiều bông, chắc hạt, mùa màng bội thu, lúa đầy bồ, đầy kho, mọi gia đình trong buôn được no đủ… Tiếp theo, thầy cúng cầm bát rượu pha tiết heo vẩy vào các gùi lúa, công cụ lao động và vẩy xuống đất rẫy để mời các thần cùng dùng rượu với dân làng rồi tiếp tục quay về mâm cúng đọc lời khấn. Mọi người cùng reo hò, thể hiện sự đồng tình và quyết tâm bước vào mùa rẫy mới. Thầy cúng tiếp tục nâng chén rượu, kính cẩn mời ông trời, bà trời, mời các thúng lúa trong chòi và đi xung quanh rẫy vẩy rượu vào mời các bẫy, những dụng cụ đuổi chim tượng trưng.
Trưởng buôn được thầy cúng mời ăn thịt, uống rượu ở mâm cúng trước tiên, sau đó đến lượt bà con trong buôn. Chiêng trống được tấu lên rộn ràng. Lúc này, bà con bắt đầu toả đi bắt tổ ong lấy mật và kiểm tra các bẫy đặt quanh rẫy, các chàng trai cầm khiên, giáo múa một vòng quanh rẫy và đi về nhà chòi phía dưới là thần ác bằng gỗ bị buộc vào một chân lều, chặt đầu thần Ác với ý nghĩa trừ tà ma, đuổi thần Ác đi nơi khác (vì thần ác làm cho lúa lép nên người dân tức giận).
Cuối cùng, mọi người thực hiện nghi thức chọc lỗ, gieo hạt và tưới nước, kết thúc những nghi thức của lễ cầu mưa. Bà con Êđê và du khách tham dự cùng uống rượu cần, thưởng thức lễ vật và múa xoang trong nhịp cồng chiêng rộn rã mọi người cùng nhau uống rượu cần. Lễ cầu mưa là lễ truyền thống nhằm nhắc cho con cháu đời sau hiểu thêm về những văn hóa nghi lễ đặc sắc của dân tộc mình, chứa đựng giá trị nhân văn sâu sắc của đồng bào sống tại Tây Nguyên.
Nhịp chiêng cứ mãi được vang lên và nhịp múa của những thanh niên nam nữ Êđê cứ tiếp diễn theo vòng tròn. Hết múa, rồi uống rượu cần. Cứ thế, đồng bào quay quần bên nhau ăn uống thỏa thuê và vui chơi thỏa thích, rồi ngày mai lại cùng nhau lên rẫy bắt tay vào mùa vụ trồng tỉa mới.
Dù cuộc sống ngày càng phát triển hiện đại nhưng ngày nay người Êđê ở Tây Nguyên vẫn còn gìn giữ và duy trì lễ cầu mưa mỗi khi trời nắng hạn kéo dài để mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, buôn làng đoàn kết, hạnh phúc.
Lễ hội cầu mưa là một trong những loại hình sinh hoạt văn hóa có sức hấp dẫn và lan tỏa mạnh mẽ đối với các tầng lớp nhân dân trong xã hội, trở thành nhu cầu, khát vọng của mỗi người dân. Thông qua lễ hội, chúng ta tìm thấy những biểu tượng của tâm lý cộng đồng, văn hóa dân tộc trong thực tế lịch sử, là nơi minh chứng cho tính cố kết của cộng đồng, là biểu trưng cho nét đẹp văn hóa ngàn đời của ông cha ta. Mỗi lễ hội đều mang một nét tiêu biểu, giá trị riêng, nhưng bao giờ cũng hướng tới một một đối tượng linh thiêng cần được suy tôn. Với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, lễ hội là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, làm cho thế hệ trẻ hôm nay hiểu được công lao tổ tiên, thêm tự hào về truyền thống quê hương, đất nước của mình. Do đó, quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội trong đời sống đương đại như hiện nay là điều hết sức cấp thiết.