THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:39

Đà Nẵng: Triển khai nhiều giải pháp phòng chống nghiện và tái nghiện ma túy

Học viên tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng

 

Theo thống kê của ngành chức năng, TP. Đà Nẵng hiện có hơn 3.000 người liên quan đến ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó có trên 80% là người nghiện các chất ma túy tổng hợp. Đáng nói, phần lớn trong số này đã có tiền án, tiền sự và không ít trường hợp bị loạn thần (ngáo đá) rất nguy hiểm cho xã hội. Cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước, trong khi hệ thống pháp luật xử lý những hành vi này còn nhiều bất cập, phác đồ điều trị chưa được xác định, cơ sở tiếp nhận chưa đáp ứng được yêu cầu, TP. Đà Nẵng đã áp dụng những biện pháp mạnh tay bằng việc đưa ra những giải pháp quyết liệt, đồng bộ nhằm xử lý vấn đề người sử dụng ma túy trái phép gia tăng, người bị loạn thần do ma túy, người nghiện gây rối, trộm cắp…vốn gây nhiều bức xúc, lo lắng trong cộng đồng xã hội.

Đổi mới công tác cai nghiện, từng bước xã hội hóa và đang dạng hóa hình thức cai nghiện. Đến nay, ngoài việc tổ chức cai nghiện tập trung, TP. Đà Nẵng đã và đang tiến hành khá hiệu quả mô hình cai nghiện tại gia đình – cộng đồng, điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone hay điều trị bằng phương pháp châm cứu kết hợp thuốc nam tại Bệnh viện Y học cổ truyền. Trong đó, mô hình cai nghiện tại gia đình – cộng đồng được các ngành chức năng Đà Nẵng đánh giá hiệu quả với nhiều ưu điểm vượt trội, khuyến khích được nhân rộng.

Theo đó, thống kê của Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP. Đà Nẵng, trong 3 năm (2015-2017), toàn thành phố có gần 520 người tham gia cai nghiện theo mô hình này, hơn một nửa trong số đó là tham gia cai nghiện tự nguyện. Không chỉ được lựa chọn hình thức cai nghiện tự nguyện, không bị cách ly gia đình và cộng đồng, vẫn giữ được môi trường học tập, lao động cũng như không có sự kỳ thị, phân biệt đối xử, từ việc hỗ trợ cho vay vốn và tạo việc việc làm đối với người đang và sau cai nghiện, mô hình đã giúp cho nhiều học viên có công ăn việc làm ổn định, đoạn tuyệt với ma túy.

Bên cạnh mô hình cai nghiện tại gia đình – cộng đồng với những hiệu quả rõ rệt, TP. Đà Nẵng còn được biết đến với những cách làm hay mang lại hiệu quả đáng kể trong công tác phòng ngừa và cai nghiện trên địa bàn mà chương trình “Tổ chức cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người lần đầu sử dụng trái phép chất ma túy và người sau cai nghiện” mang lại.

Ông Lê Minh Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP. Đà Nẵng.

 

Theo đó, bắt đầu từ năm 2015, TP. Đà Nẵng có chủ trương triển khai thí điểm cảm hóa giáo dục 100 thanh thiếu niên lần đầu sử dụng trái phép chất ma túy. Bằng việc phân công, giao cho từng hội, đoàn thể, địa phương nhận kèm cặp giúp đỡ, cụ thể: Hội Cựu chiến binh nhận 40 em; Đoàn thanh niên nhận 30 em; Hội Liên hiệp phụ nữ nhận 30 em để phối hợp với ngành công an, LĐ-TB&XH, cùng UBND các địa phương tổ chức cảm hóa giáo dục.

Sau một năm triển khai, với những việc làm hết sức cụ thể như: trực tiếp đến tận gia đình tìm hiểu nguyên nhân, xác định nhu cầu giải pháp hỗ trợ; vận động gia đình và các em hợp tác; hỗ trợ tạo việc làm, đào tạo nghề, gặp gỡ, động viên, thường xuyên giúp đỡ các em trong những lúc khó khăn… Kết quả, đã có 73 em tiến bộ, đa số các em sau đó đã có công ăn việc làm, ổn định cuộc sống.

Tiếp nối thành công từ chương trình này, hàng năm TP. Đà Nẵng đều giao cho các hội, đoàn thể nhận cảm hóa, giáo dục giúp đỡ những người sử dụng trái phép chất ma túy lần đầu. Trong đó, riêng năm 2017, toàn thành phố có 225 thanh thiếu niên được giao cho các hội, đoàn thể thực hiện cảm hóa giáo dục, hơn 70% trong số các em đã không sử dụng lại ma túy. Năm 2018, thành phố tiếp tục chọn 119 em sử dụng trái phép ma túy có hoàn cảnh khó khăn, bỏ học, gia đình bất lực trong việc quản lý giáo dục để giao cho các hội, đoàn thể nhận cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ.

Song song với việc lựa chọn đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy có hoàn cảnh khó khăn, gia đình bất lực trong việc quản lý, giáo dục, phó mặc cho xã hội để đề nghị các hội, đoàn thể nhận cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ, thành phố Đà Nẵng còn có thêm mô hình “Can thiệp sớm, dự phòng nghiện ma túy” được triển khai xây dựng tại 6 phường có nhiều thanh thiếu niên sử dụng trái phép chất ma túy. Mô hình này tập hợp tất cả thanh thiếu niên sử dụng trái phép ma túy trên địa bàn vào sinh hoạt trong câu lạc bộ, với nhiều chương trình sinh hoạt giao lưu, tham quan, tập huấn kỹ năng sống, hoạt động từ thiện mang tính giáo dục cao.

Ông Lê Minh Hùng – Chi Cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP. Đà Nẵng cho biết: Các giải pháp này đã đem lại hiệu quả tích cực trong công tác phòng ngừa, cai nghiện ma túy trên địa bàn thành phố. Tốc độ gia tăng người nghiện mới được ngăn chặn hiệu quả. Số thanh thiếu niên sử dụng trái phép chất ma túy bị phát hiện lần đầu đã giảm dần, không còn công khai thách thức như trước, rõ nhất là tại các phường được biết đến là trọng điểm về ma túy như phường Thọ Quang, Nại Hiên Đông, phường Mân Thái (quận Sơn Trà), phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) đã có sự chuyển biến tích cực.

 “Chúng ta đều biết rằng, những người có hành vi sử dụng ma túy bị phát hiện lần đầu nếu chưa được xác định nghiện ma túy thì chỉ bị phạt hành chính rồi giao cho gia đình quản lý. Đây là đối tượng có nguy cơ cao trở thành người nghiện ma túy nhưng chỉ giao cho gia đình quản lý thì rất khó thành công. Chưa kể, hiện nay, hầu hết gia đình các đối tượng đều bất lực, không quản lý và dạy bảo được. Thậm chí, có gia đình hoàn cảnh khó khăn, phó mặc con em mình cho xã hội. Nếu để các đối tượng này sống tự do, buông thả, lôi kéo bạn bè dùng ma túy sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khác phức tạp hơn. Trước thực tế đó, mô hình “Can thiệp sớm, dự phòng nghiện ma túy” trên địa bàn thành phố ra đời” – ông Hùng chia sẻ.

Bắt đầu triển khai thí điểm mô hình tại hai phường Thọ Quang (quận Sơn Trà) và phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu), hai phường thuộc diện địa bàn nóng về ma túy. Là địa bàn triển khai thí điểm, Câu lạc bộ “Can thiệp sớm, dự phòng nghiện ma túy” tại hai phường này lần lượt được thành lập, trong đó trưởng ban là Phó Chủ tịch UBND phường, Phó trưởng ban là Công an cùng các thành viên là các hội, đoàn thể.

Qua hơn một năm đi vào hoạt động, các Câu lạc bộ “Can thiệp sớm, dự phòng nghiện ma túy” đã đem lại những kết quả vượt cả sự kỳ vọng ban đầu. Từ chỗ chỉ có 35 hội viên khi mới thành lập đã tăng lên 50 hội viên/ Câu lạc bộ. Hầu hết các hội viên đều tham gia sinh hoạt đều đặn, được xếp loại có tiến bộ (chiếm 98%), nhiều em trong số đó đã được hỗ trợ học nghề, học văn hóa, có công ăn việc làm ổn định... Đến nay, mô hình đã mở rộng thêm tại 4 phường, gồm: Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà), phường Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn), phường Bình Hiên (quận Hải Châu) và phường Hòa An (quận Cẩm Lệ).

Ông Lê Minh Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP. Đà Nẵng cho rằng, để mô hình có được những kết quả như ngày hôm nay là cả một quá trình gian nan, đầy thử thách. Bởi, ngoài việc tiếp cận cũng như vận động để đưa thanh thiếu niên sử dụng trái phép chất ma túy bị phát hiện lần đầu hoặc các em có nguy cơ sử dụng ma túy vào sinh hoạt tại câu lạc bộ là việc làm vô cùng khó khăn; nhiều gia đình đối tượng không hợp tác với chính quyền, đoàn thể trong việc giáo dục, giúp đỡ con em mình, trong khi đó đa số các em lại không có nghề, không có việc làm, trình độ học vấn thấp... Tuy nhiên, với quyết tâm làm bằng được, từ việc tổ chức các hoạt động nhằm hướng dẫn, tập huấn trang bị kiến thức phòng chống ma túy, kỹ năng cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ, vận động, tổ chức các hoạt động tư vấn cho hội viên... mô hình đã được triển khai trôi chảy và mang lại hiệu quả cao.

Đổi mới, đa dạng hóa trong công tác phòng ngừa cũng như tổ chức cai nghiện, quản lý sau cai chặt chẽ, hiệu quả, TP. Đà Nẵng đã và đang từng bước kiểm soát và đầy lùi tốc độ gia tăng người nghiện trên địa bàn bằng những giải pháp hay, cách làm phù hợp. Trong thời gian tới thành phố sẽ tiếp tục đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực cho các cơ sở cai nghiện, cơ sở y tế tham gia điều trị cắt cơn, giải độc nghiện ma túy tại cộng đồng, kết hợp đầu tư xây dựng các mô hình dự phòng nghiện ma túy hiệu quả, góp phần ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tệ nạn ma túy, thực hiện thắng lợi mục tiêu “5 không, 3 có”, “4 an” mà TP. Đà Nẵng đề ra.                                       

BÙI MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh