THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 10:16

Cai nghiện ma túy trong tình hình mới: Còn nhiều thách thức

Thông tin này được đưa ra tại Hội thảo “Tư vấn, điều trị cai nghiện ma túy trong tình hình mới” diễn ra sáng nay tại Hà Nội, nhằm hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy, Ngày quốc tế phòng, chống ma túy và Ngày toàn dân phòng, chống ma túy (ngày 26⁄6). Hội thảo do Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCCI) tổ chức.

 

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà: "Trong số những người đã cai nghiện thành công, một số người đã tham gia những hoạt động tâm huyết, thiết thực giúp đỡ người cai nghiện khác"

 

Nhiều người trở thành chủ DN giúp đỡ người cai nghiện khác

Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Nguyễn Thị Hà; Cục trưởng Cục PCTNXH Nguyễn Xuân Lập, các đơn vị thuộc Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công An, các đơn vị liên quan thuộc Bộ và đông đảo các phóng viên báo chí Trung ương và Hà Nội.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết, thời gian qua, thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020, hiện nay, đã có hơn 50/63 tỉnh, thành triển khai kế hoạch thực hiện với tổng số người được điều trị, cai nghiện tại các cơ sở là trên 34.600 học viên.

“Trong số thanh niên cai nghiện, điều trị thành công, có người đã trở thành chủ cơ sở sản xuất, chủ doanh nghiệp, đội trưởng đội tình nguyện, trưởng các nhóm cộng đồng... Trong số những người đã cai nghiện thành công, một số người đã tham gia những hoạt động tâm huyết, thiết thực giúp đỡ người cai nghiện khác”, Thứ trưởng thông tin.

Đồng thời, Thứ trưởng khẳng định, với chủ đề “Hãy bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm họa ma túy” của ngày Toàn dân phòng chống ma túy, Đảng và Nhà nước một lần nữa khẳng định sự quan tâm đến thế hệ trẻ trong chiến lược phát triển con người Việt Nam.

“Việc Bộ LĐ-TB&XH lựa chọn nội dung “Tư vấn, điều trị cai nghiện ma túy trong tình hình mới” làm chủ đề cho Hội thảo nhằm góp phần cung cấp thông tin, kiến thức, kỹ năng cho thế hệ trẻ để bảo vệ bản thân trước sự tấn công của ma túy thông qua tuyên truyền, phòng ngừa từ xa cho thanh thiếu niên”, Thứ trưởng Hà nhấn mạnh thêm.

Quang cảnh Hội thảo

 

Theo Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội Nguyễn Xuân Lập, ghi nhận tại các địa phương, ước tính tỷ lệ sử dụng ATS chiếm khoảng 60-70% trong số người nghiện. Ở các tỉnh miển Trung và miền Nam tỷ lệ sử dụng ATS lên đến 70 - 85% trong tổng số người nghiện. 

“Theo nghiên cứu tại Hà Nội, Hải Phòng và Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy 40% người nghiện Heroin có sử dụng ATS và số này có tỷ lệ loạn thần cao gấp 9,7 lần số không sử dụng ATS”, Cục trưởng Cục PCTNXH Nguyễn Xuân Lập cho biết.

Nghiện ma túy diễn biến phức tạp, khó kiểm soát hơn

Cũng theo ông Lập, tình hình nghiện ma túy vẫn diễn biến phức tạp, gia tăng về số lượng, tính chất, mức độ và ngày càng tinh vi, khó kiểm soát hơn.  

Theo báo cáo của Bộ Công an, đến tháng 12/2017 cả nước có trên 222.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý (tăng gần 12.000 người so với cùng kỳ năm 2016); trong đó, trên 67,5% người đang sinh sống ngoài xã hội; 13,5% người trong cơ sở cai nghiện, 19% người đang trong trại tạm giam, tạm giữ, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng.

Theo viện nghiên cứu sức khỏe tâm thần, loạn thần ở người sử dụng ATS chủ yếu là hoang tưởng chiếm tỷ lệ 68,2%, ảo giác 72,7%, trầm cảm chiếm 23,8% và 15% trầm cảm trong thời gian 3 năm sau khi sử dụng ATS. “Những người trầm cảm thường có hành vi tự sát gây rất nhiều khó khăn cho cơ sở cai nghiện”, ông Lập cho biết thêm.

Điều đáng quan tâm được nêu ra tại Hội thảo là đến nay, đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp. Cụ thể, thực hiện chuyển đổi các cơ sở cai nghiện bắt buộc theo Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 26/12/2014 của Chính phủ, các địa phương đã sắp xếp, quy hoạch, chuyển đổi cơ sở cai nghiện bắt buộc thành cơ sở điều trị tự nguyện, cơ sở đa chức năng. 

Đến tháng 6 năm 2018, cả nước còn 120 cơ sở cai nghiện - giảm được 25 cơ sở so với năm 2014. Đồng thời, ông Lập cũng cho biết, kết quả điều trị, cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện, đến nay, tổng số người đang được điều trị cai nghiện tại các cơ sở là 34.620 học viên. 

Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Cảnh sát, Thiếu tướng Phạm Văn Các phát biểu trước khi diễn ra Lễ Ký kết 

 

Còn cai nghiện tại gia đình và cộng đồng đến nay, có 28 tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch cai nghiện tại gia đình, cai nghiện tại cộng đồng theo Đề án đổi mới công tác cai nghiện. Tuy nhiên, mới chỉ có 6 tỉnh, thành phố tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng với số người được cai nghiện là 1.834 người nghiện ma túy - Báo cáo nêu.

Bên cạnh đó, nguyên nhân khác của hạn chế trong công tác cai nghiện tự nguyện hiện nay là các cán bộ tổ chức công tác cai nghiện chủ yếu vẫn là kiêm nhiệm, chưa chuyên nghiệp, chưa được đào tạo bài bản, cấp ủy, chính quyền nhiều tỉnh, thành phố chưa triển khai quyết liệt và bố trí kinh phí để thực hiện.

Nói về những khó khăn chung trong công tác phòng chống ma túy hiện nay, Cục trưởng Cục Phòng Chống tệ nạn xã hội cho rằng, một số quy định của Luật phòng, chống ma túy hiện nay chưa tương thích với Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Ngoài ra, nhiều địa phương chưa quan tâm bố trí kinh phí cho cai nghiện tại cộng đồng để tổ chức các điểm tư vấn, điều trị cắt cơn. Các cơ sở cai nghiện bắt buộc được xây dựng đã nhiều năm, nhưng chưa được nâng cấp, sửa chữa, cải tạo để phù hợp với yêu cầu chuyển đổi.

“Cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương chưa thật sự thống nhất về quan điểm đối với người nghiện ma túy; có quan điểm cần phải đưa hết vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; trong khi Đề án đổi mới công tác cai nghiện đã được Thủ tướng phê duyệt là hướng tới chủ yếu cai nghiện tự nguyện và tại cộng đồng”, ông Lập cho biết.

Lễ ký kết Chương trình phối hợp công tác lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội 2018 - 2020

Trước tình trạng người sử dụng ma túy gia tăng, độ tuổi sử dụng ngày càng trẻ hóa, công tác cai nghiện đổi mới toàn diện theo hướng thân thiện, tích cực với người nghiện ma túy, Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng các mô hình mới trong công tác cai nghiện ma túy theo hướng tăng số người được điều trị dựa vào cộng đồng để từng bước giảm tỷ lệ tái sử dụng ma túy và ngăn ngừa có hiệu quả số người nghiện mới.

Thiếu tướng Phạm Văn Các – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát và Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội Nguyễn Xuân Lập trao nhau bản Chương trình phối hợp công tác lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội 

 

Cũng tại chương trình này đã diễn ra Lễ ký Chương trình phối hợp trong công tác phòng, chống mại dâm, cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về giai đoạn 2018 - 2020 giữa Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội thuộc Bộ LĐ-TB&XH và Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C64) thuộc Bộ Công an.

Phát biểu tại Lễ ký kết, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Cảnh sát, Thiếu tướng Phạm Văn Các cho rằng đây là hoạt động quan trọng thể hiện trách nhiệm của các cơ quan tham gia công tác thi hành pháp luật và thực hiện các chương trình của Thủ tướng Chính phủ, góp phần nâng cao nhận thức của các đội ngũ cán bộ công chức viên chức của ngành LĐ-TBXH và các chiến sĩ công an, lực lượng phòng chống tệ nạn xã hội góp phần không nhỏ trong bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân.

Ông Các tin tưởng rằng, sự hợp tác trong công tác phòng chống mại dâm, cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về thời gian tới sẽ giúp các cơ quan phát huy vai trò trách nhiệm vụ của mình, tạo sự gắn kết thường xuyên, liên tục lâu dài và hiệu quả.   

Trong bài phát biểu tại sự kiện này, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà lưu ý rằng trong quá trình tổ chức thực hiện Chương trình phối hợp, cần bám sát vào các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể của các Chương trình quốc gia như Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016 - 2020; Chương trình phòng, chống ma túy đến năm 2020 và Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020; Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016 - 2020 và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an để có các giải pháp phù hợp, linh hoạt.

Cùng với đó, Thứ trưởng lưu ý, định kỳ hàng năm sẽ cùng trao đổi, đánh giá, rà soát kết quả thực hiện Chương trình, xác định mặt được và mặt chưa được; cần phải rút kinh nghiệm nội dung gì, để 2 cơ quan tham mưu cho lãnh đạo Bộ.

Thứ trưởng tin tưởng, chương trình này được thực hiện tốt sẽ mang lại hiệu quả rất tích cực cho công tác quản lý nhà nước của cả hai bên.

Bài: Thanh Nhung - Ảnh: Anh Tuấn TTXVN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh